Ông Shyam Saran, nguyên Ngoại trưởng Ấn Độ, đương kim Chủ tịch Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, vừa đưa ra một nhận định gây được sự quan tâm của công luận, theo đó, những định chế tài chính mới do khối các nước BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đặt ra, sẽ làm thay đổi bộ mặt của nền tài chính thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Brazil, các nước BRICS đã công bố điều mà nhiều người trông đợi từ lâu, đó là sự hình thành Tân Ngân hàng Phát triển (NDB: New Development Bank) với số vốn 50 tỉ USD và một cơ chế sắp xếp về dự trữ có tên là Contingency Reserve Arrangement (CRA) với ngân khoản điều hành 100 tỉ USD. Sự hình thành hai tổ chức quan trọng này sẽ phá vỡ vai trò gần như độc quyền về kinh tế, tài chính từ nhiều thập niên qua của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong một tương lai gần, NDB và CRA sẽ mở rộng cửa cho các cổ đông trên thế giới, nhưng riêng phần mình, BRICS sẽ giữ lại ít nhất 55% trị giá cổ phiếu. Họ cũng thận trọng công bố là những định chế mới của họ sẽ bổ sung các hoạt động của WB và IMF, và là sự đáp ứng yêu cầu của hai tổ chức tài chính trên. Hai lĩnh vực hoạt động mà phương Tây sẽ còn giữ vai trò chủ đạo trong một tương lai gần là bảo hiểm và tái bảo hiểm.
Theo nhận định của các nhà phân tích kinh tế – tài chính thế giới, sáng kiến của nhóm nước BRICS là phản ứng trước cam kết đưa ra vào năm 2010 của khối các nền kinh tế phát triển G20 nhằm tái cơ cấu WB và IMF, nhưng đã không được thực hiện. Nước sẽ giữ vai trò quan trọng trong điều hành những định chế mới của BRICS là Trung Quốc, nhất là trong những tổ chức hoạt động song hành với NDB và CRA mà Bắc Kinh sẽ là nước đề xuất, trong đó có thể kể:
– Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở châu Á (AIIB: Asian Infrastructure Investment Bank) song hành với NDB nhằm cung cấp tài chính cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở trong phạm vi châu Á. Đặc biệt, trong định chế này, sẽ tái lập “Con đường Tơ lụa” trên biển và trên đất liền nối Trung Quốc với cả hai phía đông và tây của họ.
– Việc củng cố Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai (CMIM) và Tổ chức Nghiên cứu Đa phương châu Á (AMRO) trong mối quan hệ ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). CMIM có vốn hoạt động 240 tỉ USD để giúp các nước thành viên cân đối những khoản chi trả của họ, tương tự với 100 tỉ USD của CRA do nhóm nước BRICS thành lập. AMRO cũng sẽ thực hiện một cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô đối với các nước thành viên, cung cấp cho họ các điều kiện để củng cố sức mạnh kinh tế và mang về các thành tựu trong lĩnh vực này.
– Bên cạnh CMIM và AMRO, còn có những sáng kiến trong nhóm ASEAN+3 nhằm phát triển một thị trường chứng khoán châu Á, có thể huy động và biến nguồn tiền tiết kiệm trong khu vực thành vốn đầu tư. Để hỗ trợ sáng kiến này, các nước ASEAN+3 đã thành lập một Cơ sở Đảm bảo Tín dụng và Đầu tư.
Như vậy, có thể nói hội nghị thượng đỉnh Fortaleza ở Brazil trung tuần tháng 7 vừa qua là khởi đầu sự kết thúc vai trò thống trị của các nước phương Tây sau Thế chiến thứ hai (1939-1945) trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Trung Quốc đang có tham vọng dẫn đầu một định chế tài chính trong khu vực châu Á để giảm dần và thoát khỏi sự lệ thuộc vào WB và IMF.
Lê Nguyễn tổng hợp