Được người hâm mộ Nhật săn đón, nhưng Kei Nishikori lại thích tìm nơi vắng vẻ. Ít ai biết rằng nếu không có ân nhân Masaaki Morita, Tổng giám đốc Sony, thì quần vợt Nhật đã không có Nishikori khi ông gửi anh sang Mỹ tập luyện từ năm 13 tuổi. Nishikori không còn trẻ, nhưng có tương lai tươi sáng khi lần đầu tiên ngấp nghé Top 10. Trả lời phỏng vấn Tennis Magazine, ngôi sao người Nhật này tiết lộ những thông tin thú vị về hành trình của mình.
Điều nghịch lý là khi anh sắp bước vào Top 10 thì lại thi đấu không tốt. Liệu anh có tự gây sức ép?
Tôi không biết. Có thể chỉ còn một bước nữa thôi là tôi đạt mục tiêu, nhưng lại là bước cao nhất. Chuyến du đấu mùa hè ở Bắc Mỹ của tôi không thành công, chỉ khi về lại Tokyo thì tôi chơi tốt hơn, nhưng lại đụng phải Nicolas Almagro chơi quá tốt ở tứ kết. Tôi thi đấu không đến nỗi tệở Thượng Hải Masters, nhưng bị đau lưng trong trận gặp Tsonga. Để vào được Top 10 thì không thể chơi như vậy được. Tôi còn phải tiếp tục cải thiện nhiều trong lối chơi, cú giao bóng hoặc thuận tay… Nhưng điều quan trọng là phải thi đấu đều tay qua từng trận. Tôi cũng cần có những tiến bộ trên sân đất nện vì tôi không kiếm được nhiều điểm trên mặt sân này so với các tay vợt khác (Nishikori vừa quyết định bổ sung cựu vô địch Roland Garros Michael Chang vào ê-kíp huấn luyện cùng với Dante Bottini để tạo đột phá trong mùa giải 2014).
Trên sân đất nện, anh cảm thấy điều gì không ổn trong lối chơi của mình?
Không phải tôi không thích mặt sân này, ngược lại là khác. Nhưng tôi gặp khó khăn trong di chuyển, dù đã cải thiện qua từng năm. Có lẽ tôi thiếu kinh nghiệm vì không thắng nhiều trận trên sân đất nện.
Lúc anh khởi đầu thì có “dự án 45” (tay vợt Nhật xếp hạng cao nhất là Shuzo Matsuoka, hạng 46 thế giới vào năm 1992). Nay để tạo thêm động lực mới, anh có dự án nào tương tự không?
Mọi chuyện không còn như trước nữa. Mục tiêu của tôi là tập trung vào lối chơi và tôi tin rằng nếu nâng được chút trình độ thì không có lý do gì tôi không đạt được mục tiêu.
Tại Madrid Masters, anh đã có trận đấu để đời khi đánh bại Federer. Lúc đó anh cảm giác ra sao?
Thật tuyệt vời. Tôi không nghĩ mình có thể đánh bại anh ấy, nhất là trên mặt sân đất nện không phải sở trường. Tôi căng thẳng như mọi lần gặp Federer, nhưng lần này tôi chơi tấn công tốt hơn. Thắng ván cuối cùng 6-2 không phải là đơn giản. Federer luôn là thần tượng của tôi nên đánh bại anh ấy là một trong những mục tiêu trong sự nghiệp. Tôi đã mất mấy ngày ngây ngất vì chiến thắng.
Điều kỳ lạ là anh thể hiện thái độ khá chừng mực lúc đó và tạo cảm giác rằng anh là người rất dè dặt, thậm chí nhút nhát?
Thật sự tôi rất hạnh phúc, dù không để lộ ra điều đó. Tôi hiểu rằng giải chưa kết thúc nên cần giữ năng lượng cho các trận tiếp theo. Hơn nữa, tôi không phải là người bùng nổ niềm vui như Djokovic hoặc Nadal. Tính tôi không phải vậy.
Người hâm mộ rất muốn hiểu anh nhiều hơn. Anh có thể nói gì về mình?
Tôi không phải là người thích làm chuyện điên rồ. Tôi yêu thể thao. Tôi chơi bóng đá, bóng chày và cả bơi lội. Thỉnh thoảng tôi chơi golf. Tôi thích xem phim trên máy tính hoặc trên máy bay. Trước đây tôi thích đi câu, nhưng không có nhiều thời gian. À, tôi có một cô bạn gái.
Kei Nishikori đoạt giải Tokyo 2012 sau chiến thắng trước Milos Raonic
Anh cùng với Dimitrov, Raonic và Tomic hình thành thế hệ đang lên của làng quần vợt. Sau ngày anh đánh bại Federer, Dimitrov đã hạ gục Djokovic. Có phải đó là dấu hiệu cho thấy thế hệ này sẽ khẳng định trong tương lai?
Đúng thế. Chúng tôi đang tiến bộ một cách chậm rãi. Nhưng trong quần vợt ngày nay, thể lực rất khắc nghiệt. Một tay vợt trẻ rất tài năng chưa chắc thành công khi chuyển lên chuyên nghiệp. Rất khó lọt được vào Top 100, nhưng tôi hy vọng sẽ sớm có nhiều tay vợt trẻ làm được.
Anh xác định mình ở vị trí nào trong thế hệ trẻ này?
Tôi hơi già hơn các tay vợt mà anh kể tên. Dù còn khả năng để tiến bộ, tôi không xem mình là tay vợt trẻ. Ở tuổi 24, giờ tôi có kinh nghiệm của nhiều năm thi đấu. Cũng khó so sánh tôi với Dimitrov hay Raonic. Nhưng dù sao đi nữa, thật thú vị khi xuất hiện nhiều tay vợt trẻ khác nhau và có tài.
Cuối năm 2014 sẽ có hệ thống giải IPTL (International Premier Tennis League) quy tụ các tay vợt xuất sắc nhất thế giới tham gia thi đấu kết hợp biểu diễn ở châu Á, anh có nghĩ rằng đây là điều tốt?
Theo tôi, điều quan trọng là ngày càng có nhiều sự kiện sẽ diễn ra ở châu Á dưới hình thức này hay hình thức khác. Kể từ nay, một phần của lịch đấu sẽ diễn ra ở châu Á vào tháng 9 và tháng 10. Điều này giúp quần vợt phát triển. Ở châu Á, quần vợt vẫn còn xếp sau các môn khác. Chưa có nhiều tay vợt nhà nghề của châu lục này, ở đỉnh cao thì càng phức tạp hơn. Phía nữ thì có Li Na. Nếu thi đấu tốt, chúng tôi có thể tạo cảm hứng ở các bạn trẻ.
Từ khi anh vươn lên đỉnh cao, liệu ở Nhật có nhiều người chơi quần vợt hơn?
Tôi không biết con số chính xác, nhưng ngày nay có nhiều trẻ em chơi quần vợt hơn trước đây.
Anh thu hút người hâm mộở Nhật mạnh đến mức bị họ theo dõi ngoài đường. Chuyện đó có thật không?
Có đấy. Đôi khi để được yên ổn, tôi đeo kính đen và đội nón lúc ra ngoài đường!
Năm 2012, khi đoạt giải Tokyo, anh trở thành tay vợt chủ nhà đầu tiên đăng quang kể từ 40 năm qua. Hẳn người hâm mộ sướng điên!
Đó là thời khắc đặc biệt trong sự nghiệp của tôi, có thể quan trọng hơn cả chiến thắng trước Federer. Đây là giải duy nhất ở Nhật và rất nhiều tay vợt hàng đầu tham dự. Đó là thời khắc đặc biệt vì tôi cảm thấy công chúng đứng sau mình.
Anh có cảm thấy áp lực trước sự chờ mong của công chúng?
Không, vì phần lớn thời gian tôi đi du đấu và sống ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng sống ở Nhật suốt cả năm sẽ rất phức tạp. Tại Bradenton, Florida, tôi cảm thấy thư thái. Nơi tôi sống là một thành phố nhỏ, chẳng có gì làm nên tôi tập luyện suốt ngày.
Từ nhỏ anh đã đến tập luyện ở học viện nổi tiếng của Nick Bollettieri và không rời khỏi nơi này?
Vâng, huấn luyện viên Dante Bottini thuộc về học viện. Tại đó, tôi đấu tập với Xavier Malisse hoặc Tommy Haas. Tôi cũng tập luyện với Nick mỗi tuần một hai lần. Ở tuổi 80, ông ấy vẫn là một huấn luyện viên giỏi!
Anh đến với quần vợt như thế nào?
Cha mẹ tôi chơi quần vợt chỉ để giải trí. Tôi và người chị đến với quần vợt không phải trên sân tập mà ở công viên, tại thành phố quê hương Shimane. Sau đó, tôi và hai tay vợt trẻ khác được Hiệp hội Masaaki Morita, Tổng giám đốc của Sony, chọn đưa sang tập huấn tại học viện của Bollettieri. Đây là cơ hội tuyệt vời vì tôi không phải trả chi phí nào cả.
Bằng cách nào mà ông tổng giám đốc Sony phát hiện ra anh?
Tôi sống ở một thành phố nhỏ và chẳng tìm được ai để tập luyện chung. Năm tôi 12 tuổi, ông ấy đã đến và chọn tôi cùng hai bạn khác. Đây chính là bước đột phá khi tôi được sang Mỹ cùng tập với các tay vợt như Tommy Haas. Nhờ đó tôi tích lũy kinh nghiệm. Phải nói là tôi rất may mắn. Năm nào ông Morita cũng đến chọn vài ba tay vợt và vào thời đó, tôi đoạt tất cả các danh hiệu ở lứa tuổi của mình. Tôi còn quá trẻ để hiểu rằng sự xuất hiện của ông ấy có thể thay đổi cuộc đời mình. Tôi chỉ thấy vui khi được chơi quần vợt. Thế là năm 13 tuổi tôi đến Mỹ mà không có cha mẹ đi cùng, chẳng nói được một chữ tiếng Anh! Mọi chuyện lúc đầu rất khó khăn, nhưng tôi chơi tốt như mong muốn. May là chúng tôi gồm ba người và hai bạn kia đã giúp tôi rất nhiều, dù họ không còn tiếp tục con đường thi đấu.
Anh có giữ liên lạc với ông Morita?
Chúng tôi nói chuyện khá đều. Mỗi năm ông ấy vẫn đi tìm vài tài năng trẻ để gửi sang Mỹ học. Ông ấy yêu quần vợt và giúp đỡ quần vợt Nhật rất nhiều thông qua hiệp hội của mình.
Anh sống ở Mỹ và Nhật. Anh tự xem mình là người Mỹ gốc Nhật hay người Nhật di cư?
Tôi cảm thấy “Nhật” hơn, dù mỗi năm chỉ về nước đôi ba lần. Cha mẹ và chị tôi vẫn sống ở đó và thỉnh thoảng đi cùng tôi, nhất là ở các giải Grand Slam.
Việc khoác màu cờ nước Nhật ở các giải đấu quốc tế quan trọng như thế nào đối với anh?
Một tiềm tự hào vô bờ bến, như tại Olympic London hoặc Davis Cup. Tôi khoác áo đội tuyển Davis Cup của Nhật ngay khi có cơ hội (tháng 9-2013, Nishikori và Soeda giúp Nhật đánh bại Colombia để lọt vào nhóm thế giới).
[note color=”#d2d2d2″]Thành tích tốt nhất trong năm 2013 của Kei Nishikori là đoạt giải Memphis ATP 500, vào vòng bốn Australian Open và Roland Garros. Chiến thắng ấn tượng của anh là đánh bại Roger Federer tại Madrid và Jo-Wilfried Tsonga tại Paris Bercy. Trong sáu năm thi đấu chuyên nghiệp, tay vợt Đông Á cao 1m78 này kiếm được gần 3,6 triệu USD tiền thưởng.[/note]Minh Trường