Thú chơi hoa kiểng là một môn giải trí lành mạnh, ngoài mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà của gia chủ, nó còn giúp cho người chơi được thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng. Trong số những loại hoa kiểng phổ biến được nhiều người ưa chuộng hiện nay phải kể đến hoa sứ vì hoa đẹp, nở lâu, tương đối dễ trồng, việc chăm sóc không quá cầu kỳ như các loại hoa kiểng khác. Đây là loài cây chịu được khô hạn, rất phù hợp với thời tiết miền Nam, dễ tạo dáng lại có tuổi thọ trung bình cao, có thể sống đến 60-70 năm.
Cây sứ kiểng mini được tạo dáng như một chú rùa
Ngoài hoa sứ truyền thống (hoa đơn có năm cánh) có từ lâu thường gọi là sứ Thái đã rất quen thuộc với mọi người thì từ vài năm nay, xuất hiện các giống sứ cánh kép (sứ hoa hồng có nhiều cánh) do lai tạo có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Đài Loan… Nhiều nghệ nhân Việt Nam cũng đã lai tạo thành công, cho ra nhiều giống hoa sứ mới lạ, góp phần đa dạng vào thế giới muôn màu muôn vẻ của hoa sứ. Nếu sứ kiểng nguyên thủy chỉ có màu hồng thì hiện nay, hoa sứ có cả trăm loại, rực rỡ đủ màu. Các giống sứ tương đồng nhưng có sự khác nhau ở hình dạng lá lớn, nhỏ và cánh hoa (nhọn, tròn, xoăn…) cũng như độ đậm nhạt của màu sắc với nhiều tên gọi như bướm tiên, cát tường, bạch thiên hoa, đại mỹ nhân, gia bảo, hoàng lộc, hoàng thị, hồng thiên nga, huyết long, huyết vân, huy hoàng, ngọc ẩn, nhất điểm hồng, nhật nguyệt, nữ hoàng, quý ngọc, thần tài, thiên phúc, thiên quân, tiên nữ…
Cây sứ đẹp phải cân đối về dáng, thế, hoa nở đều
Trong giới chơi sứ kiểng ở Sài Gòn, cái tên nghệ nhân Nguyễn Phúc Ánh (thường gọi là Út Ánh) được nhiều người biết đến, bởi ông rất “mát tay” trong việc “rinh” giải thưởng trong các hội thi hoa xuân hằng năm bằng những tác phẩm độc đáo, công phu. Hiện ông là thành viên sáng lập Hội Hoa lan Cây cảnh huyện Bình Chánh, thường tư vấn, hướng dẫn cho người mới chơi. Người đàn ông lục tuần này đến với thú chơi hoa sứ cũng rất tình cờ để rồi bén duyên, hơn hai chục năm qua cuộc sống của ông không rời hoa sứ. Từ lúc còn trẻ, thích trồng vài loại hoa cho vui cửa vui nhà, ông thấy hoa sứ trổ bông quanh năm nên xin hàng xóm vài nhánh về trồng, chăm sóc rồi có tình cảm với nó. Khi phong trào chơi sứ Thái có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu 1990, ông mua về tập ghép nhánh cho ra nhiều loại hoa đẹp, dần dà thành đam mê, chuyên tâm vui thú điền viên với vườn sứ kiểng. Không chỉ mê sứ lạ, hoa nhiều màu, ông còn chơi cả sứ cổ thụ, hì hục cắt tỉa, uốn nắn từng cành nhánh, gốc rễ để tạo thế, dáng cho cây. Với nhiều người, tài sản là của cải, tiền bạc nhưng với nghệ nhân Út Ánh thì tài sản lớn nhất của ông chính là hoa sứ. Trong khuôn viên nhà vườn của ông tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh là một vườn hoa sứ với hàng trăm loại mà theo đánh giá của người trong giới là thuộc hàng “khủng”. Có nhiều gốc sứ to được tạo dáng công phu như dáng người, rồng bay, thác đổ… và rất nhiều giống sứ mới như thần tài, kỳ duyên, bạch thiên hoa… đang chuẩn bị ra hoa dịp tết.
Sau khi dẫn khách tham quan vườn sứ, “lão nông” khề khà nhả khói từống điếu thuốc lào kể chuyện trồng sứ mà không giấu giếm kinh nghiệm, bởi “thú chơi là đam mê, nếu chỉ biết mà không đam mê thì khó đạt đến đỉnh cao”. Ông cho biết, có hai cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành, nhưng hiện nay đa số người chơi sứ đều dùng phương pháp giâm cành. Chậu trồng sứ cần đục lỗở đáy để thoát nước, tránh đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày rễ lớn sẽ làm bít lỗ thoát nước. Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to thì chuyển sang chậu to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cao lên khỏi miệng chậu và tạo dáng cho cây. Cây cũng như người, muốn đẹp, có giá trị phải biết chăm sóc đúng cách. Cây phải có rễ đều, thân một cốt, tàng phân chia đồng bộ theo hình tháp. Còn muốn sứ có bông đẹp cần phải chọn giống để ghép. Kỹ thuật ghép sứ không quá khó, chỉ cần giữ gốc sứ khô, tránh ẩm ướt, xong dùng bao nhựa hay giấy báo phủ gốc lại để nhanh ra rễ. Nhờ vào kỹ thuật lai tạo thành công nên ngày nay hoa sứ phong phú hơn về màu sắc và chủng loại. Trên thị trường đã có bán những giống sứ 10 cánh, 15 cánh.
Sứ được lai tạo cho ra nhiều giống đa dạng về màu sắc và hình dạng cánh hoa
Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xòe năm cánh to bên ngoài. Chùm hoa từ 3-10 chiếc, thường tập trung ở đỉnh. Trong một chùm hoa, hoa lớn nở trước hoa nhỏ nở sau, mỗi hoa nở khoảng 8-10 ngày mới tàn nên rất lâu mới nở hết chùm hoa. Cây sứ rất nhiều nhánh, nhiều hoa nên hoa nở gần như quanh năm. Một cây có thể ghép lên nhiều giống có màu sắc hoa khác nhau. Ngoài vẻ đẹp của hoa, cây sứ còn có thể uốn tạo thành cây kiểng, cây thế nhờ bộ rễ (củ) đẹp. Ông Út Ánh cho biết, bộ rễ cây sứ dễ sửa, nhất là sứ trồng từ hạt càng đẹp vì giữa thân và bộ rễ không có eo như sứ giâm cành hoặc chiết cành. Tùy theo dáng bộ rễ mà có thể sửa theo ý muốn và thẩm mỹ của người chơi, có thể tỉa bỏ bớt các rễ con và bôi vôi lên vết cắt. Khi uốn sửa bộ rễ không nên tưới nước, đến khi vết cắt thành mô sẹo mới được tưới nước. Có thể nhổ cây sứ lên, rũ sạch đất, để nơi râm mát cho mềm bộ rễ rồi mới uốn sửa và cắt tỉa, sau đó để cho cây lành sẹo rồi trồng trở lại. Cây sứ lâu năm to cao, cành nhánh nhiều có thể uốn thành nhiều tầng như kiểng cổ, kiểng thế. Ông Út Ánh ví von, trồng sứ mà chăm kỹ quá thì giống như con cưng, cha mẹ chiều con mà thiếu tìm hiểu sẽ làm con dễ hư. Có người mới chơi, chăm sóc cây kỹ quá mà chưa nắm kỹ thuật, dễ làm cây bị hư thối.
Nghệ nhân Út Ánh bên chậu hoa sứ trong vườn nhà
Bộ rễ cũng là một điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp tổng thể cho cây sứ
Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh, những vườn sứ kiểng thường tập trung ở các quận, huyện vùng ven như Thủ Đức, quận 9, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn… hay Long An thường xuyên có nhiều giống sứ mới để cung cấp cho người chơi. Chơi hoa sứ không khắt khe, kỳ công như các loại bonsai, kiểng cổ, phù hợp với người dễ tính nên loại hoa này ngày càng được người Sài Gòn ưa chuộng.
Thu Ngân
Ảnh Bùi Đức Tầm