Thời gian giống như dòng chảy bất tận mà ký ức loài người neo đậu để làm nên lịch sử. Trong lịch sử, không phải điều gì cũng được lưu giữ, rất nhiều sự kiện đã bị bỏ sót, lãng quên. Tên tuổi của J. S Bach cũng suýt bị lịch sử lãng quên như thế.
Trong quá khứ, Bach không hề nổi đình nổi đám như nhạc sĩ đồng hương Halden. Sự nổi tiếng của ông chủ yếu nhờ công lao của hậu thế. Nhiều người không ngừng ủng hộ, cổ xúy nhạc Bach, đáng kể như W.A. Mozart, L.V. Beethoven, Robert Schumann, Felix Mendelssohn và nhiều cái tên sau này không ngừng bổ sung vào danh sách người hâm mộ, sùng bái nhạc Bach.
Cùng với Beethoven, Brahm, Bach là một trong 3 cái tên bắt đầu bằng chữ B làm nên niềm tự hào của nước Đức. Sự nổi tiếng của Bach còn đi xa đến độ, người ta gán cho ông nhiều vương miện cao quý, như: “vị cha của âm nhạc”, “nhạc sĩ vĩ đại của mọi thời đại”, thiên tài, kiệt xuất, vĩ đại… Vậy sự vĩ đại của Bach nằm ở đâu? Rõ ràng không nằm ở chỗ ông đã sống bao nhiêu ngày tháng trên thế gian mà đã để lại những gì sau khi di trú sang thế giới bên kia. Kiểm kê gia tài âm nhạc của Bach sẽ lý giải được phần nào về sự vĩ đại đó.
Bach để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ, gồm hơn 1.000 tác phẩm viết ở nhiều thể loại khác nhau, từ sáng tác viết cho đàn organ, clavico, độc tấu lute, violon, cello, flute, song tấu clavico và nhạc cụ khác, Concerto, tổ khúc, Canon, Sonata, Tam tấu, Prelude và fugue, Fantasia và fugue, Patirta, Invention, Bình quân luật, Tocacta và fugue; các tác phẩm thanh nhạc, có Cantata, Aria, Missa, Passion, Oratorio, Hợp xướng…
Gần ba phần tư sáng tác tập trrung vào đề tài tôn giáo, nên có người gọi Bach là “Người viết Phúc âm thứ năm”, thậm chí được miêu tả như “Nhà thần học viết bằng những phím đàn”. Việc tổng kiểm kê gia tài âm nhạc của Bach có tính chất kỹ thuật, qua đó phần nào hiện lên tầm vóc của một vĩ nhân.
Bach sinh ngày 21 tháng 3 năm 1685 tại Eisenach trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Johann Ambrosius Bach, cha ông là một thầy giáo âm nhạc địa phương, mẹ là bà Maria Elisabeth Lammerhirt. Từ nhỏ, Bach đã học violon với người anh cả Johann Cristoph Bach (1671-1712) và đàn organ với bác Johann Cristoph Bach (1642-1703) – hai người này trùng tên nhau.
Bác Johann Cristoph Bach là một nhân vật quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến J. S Bach sau này. Ông chính là người khởi xướng nguyên tắc, các thành viên trong gia đình học ở trường đến năm 14 tuổi, sau đó nghỉ học và tự học tiếp. Bach đã thừa kế di sản, tinh hoa từ các thành viên trong gia đình. Ông chính là điểm hội tụ, lan tỏa, rồi làm nên cột mốc sáng chói, không chỉ rạng danh cho gia đình mà còn cho cả nền âm nhạc Đức và thế giới. Bach được mệnh danh là Bach vĩ đại nhằm phân biệt với các thành viên khác, đồng thời là một trong hai ngôi sao lớn nhất trên bầu trời âm nhạc Baroque.
Tính từ Veti Bach (mất trước năm 1578), người vừa nghe tiếng cối xay nước, vừa chơi đàn Zither bên xưởng xay xát tới J. S. Bach, gia đình Johann trải qua 6 đời làm âm nhạc, đóng góp cho nước Đức 33 nhạc sĩ, trong đó có 27 người đảm nhận vị trí quan trọng trong dàn hợp xướng, organ nhà thờ, nhà giáo địa phương hay nhạc sư âm nhạc cung đình.
Truyền thống ấy thể hiện tính liên tục chưa từng bị đứt gãy đến khi Bach sinh ra. Đây là điều khiến chúng ta phải suy ngẫm về tính lưu truyền văn hóa. Xét trên phương diện nghề nghiệp thuần túy chưa thể nói lên vai trò của truyền thống mà phải tính đến môi trường gia đình với tính kỷ luật khắt khe nhằm đảm trách vai trò giáo hóa. Truyền thống gia đình không chỉ thể hiện trên phương diện cha truyền con nối về nghề nghiệp mà còn có khả năng hun đúc nên tố chất thiên tài.
Năm 8 tuổi, Bach được gửi tới trường dạy tiếng La tinh, tu từ, lo gich học và tiếng Hy Lạp. Nhờ có chất giọng nữ cao (giọng con trẻ), Bach được tuyển vào Dàn hợp xướng. Năm lên 9, một sự bất hạnh đã xảy ra khi mẹ Bach qua đời. Sau đó mấy tháng, cha Bach cũng đi theo mẹ sang thế giới bên kia. Giữa khoảng thời gian đó, Bach mất thêm hai người em sinh đôi. Như vậy, chưa đầy một năm, gia đình Bach mất đi bốn người thân. Cú sốc đó để lại vết thương âm ỷ cho Bach. Kể từ đó, ông có thiên hướng tôn giáo mạnh mẽ, trở thành con chiên ngoan đạo trọn đời. Đứng trước âm nhạc, Bach là nhà sáng tạo tuyệt vời, còn đối diện trước Thiên Chúa, ông một lòng thủy chung.
Người đời thường so sánh J.S Bach với George Frideric Handel. Hai ông chỉ sinh cách nhau hai ngày tại Eisenach, Saxe-Eisenach, song cuộc đời họ hoàn toàn tương phản nhau. Giữa Bach và Handel là hai thế giới khác biệt, từ thân phận, địa vị, sự nghiệp cho đến phong cách âm nhạc… Tên tuổi Handel sớm vượt khỏi biên giới Đức, bay khắp châu Âu, có lẽ vì thế mà phong cách âm nhạc chịu ảnh hưởng nhiều nền văn hóa, đặc biệt là Anh và Ý.
Nhạc Handel có khuynh hướng chủ điệu, sở trường về thanh nhạc, tư duy hòa thanh rõ rệt và mở ra con đường kết nối với hậu thế. Còn Bach giống như một tín đồ kiền thành, thủy chung với âm nhạc phức điệu, sáng tác theo tư duy nhạc đàn, phong cách âm nhạc khá thuần khiết. Handel sống quảng giao, nhập thế, Bach khép kín, xuất thế. Handel có tuệ nhãn như một nhà Kinh tế học, nhìn thấy cơ hội phát triển sự nghiệp và sớm tung hoành khắp những kinh đô âm nhạc châu Âu, làm mưa làm gió trên đất Ý, hưởng vinh quang trên nước Anh.
Handel biết lắng nghe “tiếng lòng” của người đương thời, nhìn vào gia tài âm nhạc của ông, người ta có thể đoán biết thị hiếu thẩm mỹ, trình độ biểu diễn của nghệ sĩ hay cơ cấu dàn nhạc đương thời. Còn Bach có khuynh hướng nội tâm, sống khép kín. Điểm chung của Bach và Handel là sự nghiệp âm nhạc độ sộ, kỳ vĩ có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Gia tài âm nhạc của hai ông giống như tòa thành vững chãi đi vào lịch sử âm nhạc được người đời dành vị trí trang trọng để tôn thờ. Handel chết tại Anh, hưởng quốc tang như một công thần.
Còn Bach sống cần mẫn, cơ hàn, chết mất xác vào ngày 28 tháng 2 năm 1750. Sau gần 150 năm, người ta mới tìm thấy quan tài của Bach để đưa về an táng tại nghĩa trang nhà thờ St Thomas ở Leipzig, tuy không yểu mệnh, nhưng cuộc đời bạc mệnh. Đó dường như là căn bệnh chung của nhiều thiên tài, từ Mozart đến Paganini, từ Schubert đến Schumann, rồi Chopin, Mendelssonh, Sciabean. Tất cả đều có một điểm chung, để lại cho đời di sản âm nhạc tinh hoa, đồ sộ, đóng góp vào sự phong phú của kho tàng âm nhạc thế giới.
Người đời ngày càng ghi nhận công lao to lớn của Bach, trong đó đáng kể có L.V. Beethoven. L.V Beethoven từng chê bai Haydn, không thèm nghe nhạc kịch của Mozart, vì “sợ ảnh hưởng đến sự độc đáo trong âm nhạc của mình”, vậy mà ông đã không tiếc lời tụng ca Bach, như “Cha đẻ của hòa âm”, “Bach là đại dương bao la”; sau Beethoven, Felix Mendelssohn cũng gắng công phục hưng danh tiếng của Bach bằng cuộc trình diễn St Matthew Passion năm 1829 tại Berlin. Năm 1850, Hội bach (Gesellschaft) thành lập nhằm quảng bá những tác phẩm âm nhạc của Bach.
Bach lập thuyết bằng âm nhạc, phát ngôn thông qua tác phẩm. Hai tập “Bình quân luật” (Das Wohl Temperierte Klavier) là bằng chứng sống động cho thấy ông ủng hộ phát minh của Vecmaister qua hệ thống thang âm Bình quân chia một quãng tám thành 12 nửa cung đều nhau, mỗi nửa cung bằng 100 cents. Bất chấp phản ứng của đồng nghiệp, trong đó có Handel, Bach ra sức “ca ngợi” khả năng kỳ diệu của hệ thống thang âm này qua việc kiến tạo cách thức chuyển điệu đẳng âm linh hoạt, nâng cao khả năng, kỹ thuật diễn tấu đàn phím.
Ngày nay, luật Bình quân đã trở thành “luật quốc tế” trong lĩnh vực âm nhạc. Bach cũng là người mạnh dạn sử dụng ngón cái, giậm pedal bằng chân để diễn tấu tác phẩm viết cho đàn organ (nhà thờ). Trước đó, tác phẩm viết cho đàn phím dừng lại ở kỹ thuật 4 ngón tay. Điểm nhấn của chúng nằm ở thủ pháp vắt chéo ngón tay khi di chuyển trên dãy phím. Kể từ Bach, kỹ thuật đàn phím đã phát triển vượt bậc, tạo tiền đề cho sự cách tân của các trường phái Cổ điển, Lãng mạn sau đó.
Trong giới âm nhạc không phải ai cũng chuộng nhạc Bach, nhưng hễ đã thích rất dễ gây “nghiện”, một trong những tên tuổi cống hiến trọn đời cho sự nghiệp phụng sự âm nhạc của Bach đó là Pianist lừng danh người Canada Glenn Gould. Glenn Gould được đánh giá như một pianis kỳ dị vào bậc nhất thế giới, không dừng lại ở tư thế ngồi chơi quái đản, thấp hơn thường lệ, vừa đàn vừa hát lẩm bẩm; đó mới chỉ là phần nổi của nghệ sĩ, ẩn hiện đằng sau con người này là tài năng hiếm có, một tinh thần trọng thị tuyệt đối với âm nhạc của Bach.
Nhà viết kịch người Áo Thomas Bernhard từng nhận định: “Bach và Gould gần như luôn được nhắc đến trong cùng một hơi thở của nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và pianist vĩ đại nhất.” Goud dành gần cả cuộc đời để tôn thờ nhạc Bach, khởi đầu từ những bản Variations. Năm lên 7 tuổi, Gould chơi qua 24 Prelude và fugue trong tập 1 “Bình quân”. Ông là người đầu tiên thu âm hai tập “Bình quân” của Bach với phong cách âm nhạc đầy cá tính. Âm nhạc của Bach qua sự sáng tạo của Glenn Gould biến ảo dị thường, thu hút, hấp dẫn như ma lực. Bach đã để lại một gia tài đồ sộ cho nhân loại, còn Glenn Gould tiếp tục làm nên sự nghiệp của mình bằng cách chinh phục những tác phẩm đó.
Trong gia tài âm nhạc của Bach, người ta có thể tìm thấy nhiều tinh hoa âm nhạc kinh điển châu Âu. Đương thời, Bach hấp thu tinh hoa âm nhạc Ý, Pháp và đẩy âm nhạc phức điệu của Đức lên tới đỉnh cao. Bấy giờ, nhạc chủ điệu, nhạc kịch, những phong cách trang sức mỹ lệ phổ biến khắp châu Âu, song, Bach vẫn bảo thủ duy trì âm nhạc phức điệu như một pháo đài bên trong thánh đường nhà thờ.
Con người Bach chất chứa nhiều mâu thuẫn, ông tìm thấy quy luật bên trong sự bất thường và sáng tạo bên trong quy tắc. So với tác phẩm các nhạc sĩ khác, âm nhạc của Bach đạt tới độ lưu loát hiếm thấy. Nó có lẽ xuất phát từ hai chiều: hướng tâm và hướng thượng, thông qua hàng loạt đề tài tôn giáo làm công cụ giao tiếp với Thượng đế, đồng thời hướng vào trái tim chủ thể người sáng tạo.
Nhạc Bach đi giữa cảm tính và lý tính. Nó đòi hỏi ở người chơi sự minh mẫn, tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái ngưng thần, chìm sâu vào nội giới. Nhạc phức điệu mệnh danh là “Trò chơi của những con số”, song Bach đã kết hợp với “Nghệ thuật của lỗ tai” khiến cho các “con số” biết nhảy múa, sống động, đầy mê hoặc. Là một nhà hoạt động thực tiễn, Bach chú trọng đến tính chất thiết thực của chất liệu, tất cả những gì đi vào con người ông đều có lối ra, trở thành tác phẩm, từ việc hấp thu nhạc Ý, Pháp, tuyển tập Bình quân, sáng tác Cantac phục vụ các buổi lễ trong nhà thờ cho đến giáo trình nhằm mục đích giảng dạy, mà trước hết dạy học cho con, trong số đó nhiều người cũng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng. Xét từ thực tiễn, nhạc Bach khởi nguồn cho nhiều phong cách âm nhạc. Chúng trở thành chất liệu âm nhạc phong phú cho người đời sau kế thừa.
Với tư cách một “con người tôn giáo”, Bach đã “tụng kinh” âm nhạc suốt cuộc đời, qua đó cho thấy chiều hướng tâm trở thành mạch dòng chủ đạo trong cội nguồn sáng tạo. Những đóng góp, cống hiến của Bach đối với nhân loại thật vô bờ bến. Đương thời Bach như ngôi sao cô đơn lẻ loi bên trời, nhưng ông đã làm nên một thời đại, thời đại của nghệ thuật Baroque trong âm nhạc, người đời có thể quên Vivaldi, Scarlatti, thậm chí kể cả Handel (phần nhiều vở nhạc kịch làm nên tên tuổi của Handel đã vắng bóng trên sân khấu hơn 100 năm qua), nhưng Bach thì không! Bach đã viết tên mình lên tòa lâu đài tráng lệ của nghệ thuật bằng chính những tác phẩm kiệt xuất. Với gia tài nguy nga, đồ sộ, Bach trở thành một trong những vì tinh tú sáng vào bậc nhất trên bầu trời âm nhạc thế giới. Ở tiếng Đức, Bach có nghĩa là dòng suối, còn theo nhận định của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven, Bach chính là “Đại dương bao la”.