Trong tuần qua, giới thương thảo của sáu cường quốc hàng đầu thế giới và Iran đã có cuộc họp tại Vienna nhằm đạt đến thỏa thuận sau cùng về vấn đề hạt nhân, nhưng tất cả đều phải lần nữa nới lỏng thời hạn cuối dành cho Iran (vốn là ngày 9-7). Kết quả của bản thỏa thuận yêu cầu Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, đổi lại phương Tây sẽ giảm bớt những lệnh trừng phạt kinh tế hiện tại. Dù vậy, đến nay Iran vẫn khẳng định chương trình hạt nhân nước này hoàn toàn nhắm đến các mục tiêu hòa bình, chẳng hạn như nhà máy điện. Dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, dù phương Tây không hối thúc Iran trong việc đi đến thỏa thuận sau cùng nhưng việc chờ đợi vô hạn định sẽ là điều không xảy ra. Quốc hội Mỹ sẽ dành thêm 30 ngày để xem lại bản điều kiện dành cho Iran trong khi yêu cầu Iran phải sớm đưa ra lựa chọn của mình. Ông Kerry cũng khẳng định đến nay các bên đã có những bước tiến triển thật sự và phương Tây chỉ sẵn sàng đặt bút ký trên duy nhất một bản thỏa thuận có lợi cho đa phương.
Đến nay, có ba vấn đề dẫn đến sự đối lập quan điểm giữa nhóm G5+1 và Iran bao gồm việc thanh tra quốc tế tại các khu vực được xem là phi hạt nhân tại Iran, vấn đề cấm vận và việc nước này tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ được kiểm tra ra sao. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc đang tiếp tục xem xét đâu là biện pháp và hành động cần thực hiện nếu Iran không giữ lời hứa của bản cam kết. Một mặt, Liên Hiệp Quốc đang hối thúc Tehran cho phép tái khởi động các chương trình kiểm tra hạt nhân cao cấp tại các khu vực hạt nhân nhạy cảm. Mặt khác, Liên Hiệp Quốc cũng xét đến những điều khoản cấm vận kinh tế sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho Iran một khi nước này chấp thuận tuân thủ các yêu cầu đưa ra từ tổ chức này.
Kiên Lâm theo Reuters và NBC (DNSGCT)