Indonesia giàu tài nguyên thiên nhiên và có mức chi tiêu nội địa mạnh (240 triệu dân), trong vòng năm năm qua đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6%/năm. Trong quý I năm nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại đây lên tới 5,5 tỉ USD. Được Fitch và Moody’s lần lượt đánh giá tín nhiệm cao vào tháng 12-2011 và tháng 1-2012, Indonesia có điều kiện tiếp cận với nguồn tín dụng quốc tế giá rẻ và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Ai ngờ tình hình đã bị ngoặt theo chiều hướng xấu: trong tháng 4 vừa qua, Standard & Poor’s (một công ty chuyên đánh giá tín nhiệm tài chính khác) đã không nâng bậc tín nhiệm cho Indonesia do “có thay đổi không thuận lợi về chính sách”. Hậu quả lập tức hiện ra. Các công ty quản lý vốn quốc tế bắt đầu rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và thị trường nợ. Vài công ty nước ngoài đã chuyển dự án đầu tư sắp thực hiện sang tình trạng chờ đợi. Những động thái đó tạo thêm áp lực làm giảm trị giá đồng rupiah. Dự trữ ngoại hối của Indonesia đã giảm từ 116,4 tỉ USD trong tháng 4 xuống còn 111,5 tỉ trong tháng 5. Trước tình thế đó, Ngân hàng Trung ương Indonesia cố gắng giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp nhất trong lịch sử là 5,75% nhằm cân đối nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng, ngăn ngừa xu hướng xấu hơn và mong sao chấm dứt ngay tình hình mất giá của đồng rupiah. Có ý kiến chỉ trích rằng đất nước này đang trong “thời kỳ chuyển tiếp” khi Chính phủ cố gắng áp dụng nhiều quy định mới nhằm mục đích bảo hộ mậu dịch sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh. Các nhà đầu tư không còn hy vọng dễ dàng tạo ra lợi nhuận cao như trước. Quy định mới về hạn chế quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành khai thác quặng và đề xuất tương tự đối với ngành ngân hàng đang buộc Ngân hàng DBS của Singapore xem xét lại việc mua Ngân hàng Danamom của Indonesia với giá 7 tỉ USD.
Một nhà kinh tế làm cố vấn cho Chính phủ Indonesia phê phán rằng các quan chức đã trở nên tự mãn và sai lầm, đưa ra chính sách không phù hợp trong thời kỳ nền kinh tế đang phát triển tốt. Chính Bộ trưởng Thương mại Indonesia công nhận rằng một số chính sách mới ban hành có vẻ mang tính bảo hộ mậu dịch nhưng lý giải là Chính phủ muốn đầu tư sâu cho nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm. Ông còn biện hộ: “Chúng tôi không có gì mâu thuẫn với những cố gắng nhằm mục đích nâng cao giá trị nhưng những gì nhiều người đang thực hiện và giải thích có thể đã tạo ra sự hiểu lầm mà thôi”.
Thiên Bảo theo Financial Times, 12-6-2012