Trên thế giới, có rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ, là nơi tu tập – hoằng dương Phật pháp, đồng thời là trung tâm văn hóa – chính trị, kinh tế và du lịch của vùng miền. Tất cả đều rất đẹp, song có một số còn nổi tiếng hơn, nhờ sự nguy nga, tráng lệ hoặc ở những địa thế cao, thậm chí trên đỉnh núi mờ sương.
Những công trình Phật giáo gây chú ý nhiều nhất bao giờ cũng là các tu viện, quần thể của nhiều đền đài, tòa tháp. Và một trong đó là tu viện Erdene Zuu ở Mông Cổ, cũng là tu viện lâu đời nhất nước này. Công trình được Abtai Sain Khan xây dựng năm 1585, khi đạo Phật từ Tây Tạng du nhập Mông Cổ. Về từ vựng, Erdene Zuu có nghĩa là 100 báu vật, và dựa trên việc đã từng có 100 ngôi đền, 300 căn lều ở đây, cùng 10 nghìn vị sư được bao bọc, che chở bởi một tường thành, gắn 108 tháp stupa, trông như một chuỗi anh lạc-châu ngọc.
Tuy nhiên, đến sau thập niên 1930, chỉ còn 3 đại tự là Zuu Buddha, Zuun Zuu và Baruun Zuu tồn tại, trong khi bức tường cũng bị hỏng nhiều, song chúng vẫn hoành tráng, vì từ xa hàng cây số đều thấy, với phong cách xen lẫn giữa Tây Tạng nhẹ nhàng, trang nhã và kiểu dáng Trung Hoa vàng son, lộng lẫy.
Tu viện Ganden cũng là một tu viện đầu tiên của phái Gelug, và một trong 3 học viện Phật giáo lớn nhất Tây Tạng, và còn xa nhất trong 3 nơi này, nhưng đều đặn có hơn 2.000 vị sư. Ganden trong thổ ngữ có nghĩa là sự hoan hỷ, lấy từ chữ Tusita – cõi trời của Bồ tát Di Lặc. Công trình ra đời năm 1409, tọa lạc trên đỉnh Wangbur, cao 4.300m. Vốn dĩ, cũng có 100 tòa nhà, song hiện giờ chỉ còn 50 cái dạng hộp theo lối bản địa, gồm 20 Phật điện, mà dẫn đầu là điện Coqen nằm ở phía Bắc quần thể, quay về hướng Nam, gồm ba tầng nhà dài 44,7m, rộng 43,8m, 108 cột trụ, chứa được 3.500 người.
Cùng Phật điện, còn thấy 23 khangtsen là các Niệm Phật đường, phần lớn có 2 tầng, chứa 200 người. Dưới khangsten là 20 myicun – phòng quản lý quần thể. Ngoài ra là một cung điện 9 tầng – hành dinh của đại sư Tsongkhapa – người sáng lập tu viện. Là một nơi giữ gìn nhiều thangka nhất đất Phật, mỗi năm Ganden đều mở hội tranh Phật thu hút hàng vạn du khách.
Tu viện Key Gompa cũng nằm cao tới 4.166m, hơn thế đã hơn 1.000 tuổi, và là học viện tôn giáo của cả thung lũng Spiti – Ấn Độ. Xuất hiện thế kỷ 11, nhưng công trình là ví dụ tiêu biểu nhất của kiến trúc du mục thế kỷ 14, sau nhiều lần bị tấn công và tái thiết, để biến thành khối hình hộp không đều, với nhiều đền đài gối đầu lên nhau, và giống một pháo đài kiên cố hơn là một trường tu. Tại đây, có khá nhiều phòng thấp và hành lang hẹp, cầu thang bộ cùng cửa nhỏ dẫn tới các Niệm Phật đường.
Trên tường trang trí đủ loại thangka, bích họa, tranh tượng, kinh cổ, nhạc cụ, vũ khí. Đại thể, công trình có 3 tầng, tầng ngầm để tàng trữ lương thực, sách vở; tầng hai và ba là nơi thờ Phật và cư ngụ của 300 vị sư, ẩn mình sau những bức tường thiêng vào đông và chỉ lộ diện làm việc trên đồng hay vận chuyển hành lý cho khách vào hè, ca hát, nhảy múa, chơi kèn, tù và nhân dịp lễ Tết.
Cùng với tu viện thì các ngôi đền riêng biệt cũng rất cuốn hút, ấn tượng. Trong đó phải kể tới Borobudur – đền thờ Phật lớn nhất hiện nay với diện tích 2.500m2. Công trình nằm tại đảo Java-Indonesia từ thế kỷ 9, và được xây dựng trong suốt 75 năm bằng 2.000.000 tảng đá, mà đa số đều điêu khắc tinh xảo. Vào thế kỷ 14, nó đã bị bỏ hoang và vùi lấp dưới tro núi lửa trong một rừng già đến khi lộ thiên. Ở Borobudur, có sự hòa trộn rất đặc sắc giữa phong cách địa phương Java và nghệ thuật Gupta Ấn Độ.
Nói chung, đây là một mandala có 6 tầng vuông, 3 tầng tròn, thuôn dần ở đỉnh với một mái vòm hình chuông, được bao quanh bởi 72 tượng Phật lớn ngồi trong phù đồ. Khi viếng thăm, du khách sẽ đi từ chân đền theo một hệ thống cầu thang và hành lang xoáy tròn tới đỉnh, mà theo đạo Phật là đi qua 3 nấc, biểu thị cho 3 thế giới nhân sinh Kamadhatu, thần tiên Rupadhatu và hư không Arupadhatu. Dọc đường được chiêm ngưỡng tới 2.672 phù điêu, 504 tượng Phật cùng nhiều cảnh đẹp trên cao.
Độc lập dưới dạng stupa, Boudhanath ở Kathmandu – Nepal lại là đền thờ và tháp Phật lớn nhất Nam Á, cao 36m. Cũng có đế vuông, 3 tầng song ở đây còn thấy những khía sâu hơn, và nhanh chóng tiếp cận với thân tháp hình tròn giống bát úp, trên đầu là tháp vuông, tháp nhọn, lọng, đỉnh. Không dãi dầu như Borobudur, Boudhanath được sơn vẽ, trang trí khá rực rỡ, với phần đế sơn hồng, tạo cảm giác như cánh sen, phần thân sơn trắng vẽ các vòng cung vàng tựa nhụy hoa, và phần tháp dát vàng, ở 4 mặt chăng những chuỗi cờ phướn ngũ sắc.
Quanh đế còn đặt 108 tượng phật A Di Đà và những cối kinh lập thành hàng trong 147 hốc tường. Thiết kế của công trình cũng rất ý nghĩa, như chân tháp là đất biểu thị cho những bước đi đầu tiên, trần tục; mái tròn là nước cho sự thanh sạch, sức sống; tháp vuông là lửa cho hơi ấm, sự đốt cháy sân si; chóp nhọn là khí – nơi của những thành tựu, sự giải thoát và lọng với đỉnh ở trên cùng là đại thiên, vũ trụ.
- Xem thêm: 10 lâu đài hoành tráng nhất thế giới
Trên tháp vuông còn vẽ Phật nhãn ngụ ý về sự dõi theo, cứu độ chúng sinh trong mọi ngả đường. Và trên tháp nhọn, chia 13 cấp là những giai đoạn chúng sinh phải qua trong quá trình tu hành đắc đạo. Xuất hiện từ thế kỷ 14, chứa xá lị Phật Kashyapa, Boudhanath cũng là trung tâm Phật giáo Nepal trong hàng thế kỷ, sớm chiều đều rộn tiếng kinh.
Vốn là một đền Hindu thế kỷ 1 và đền Khmer thế kỷ 13, đến thế kỷ 16, Pha That Luang đã trở thành một đền thờ Phật đứng đầu Vientiane – Lào và khu vực. Về hình dáng, đây cũng là tháp stupa, song có cạnh vuông kiểu kim tự tháp, gồm nhiều tầng mà mỗi tầng gắn với một sự giác ngộ khác nhau. Trong đó, tầng thấp nhất chỉ thế gian và cao nhất là hư không. Được xem là công trình Phật giáo quan trọng và biểu tượng quốc gia, đền dài đến 69m, cao 45m và được 30 tháp nhọn bao quanh. Chúng đều có màu vàng, đặc biệt phần trên rát 500kg vàng lá. Mỗi bên công trình cũng có tường thành dài 85m, gắn nhiều tượng Lào và Khmer.
Lâu đời và quan trọng nhất Thái Lan là đền Bình Minh Wat Arun bên bờ sông Chao Phraya – Băng Cốc, mô phỏng đỉnh núi Meru, trung tâm vũ trụ Phật giáo. Thay vì để trơn, chạm nổi, dát vàng như nhiều đền đài, Wat Arun lại phủ sứ, thủy tinh hay vỏ sò trên bề mặt, khiến công trình như một ngôi chùa sứ rực rỡ, và không bao giờ ngại mưa nắng.
Có tổng cộng 5 tháp chùa prang theo phong cách Khmer ở đây, song nổi bật hơn cả là tháp trung tâm cao 70m, trên đỉnh gắn một cây đinh ba 7 răng của thần Shiva, và quanh đế đặt nhiều tượng lính, động vật Trung Hoa cổ đại, biểu trưng uy lực và sự hộ thế. Tại tầng 2 của tháp còn có 4 tượng thần Indra cưỡi voi 3 đầu Erawan mang tới hòa bình, an lạc. Cả 5 tháp đều gồm 3 tầng, ứng với 3 cõi thiên-địa-nhân. Nằm bên sông dài 4 mùa xanh tươi, đền được đặt tên theo thần Aruna, để đem tới bình minh, sự sáng lạn cho thành phố. Tuy nhiên, thực tế cảnh đẹp nhất của nó lại là cảnh hoàng hôn, khi mọi thứ chìm trong sắc vàng với mặt trời phía sau.
Đa số các ngôi chùa, Phật điện ở Đông Nam Á, thậm chí ở thế giới, thường chỉ dát vàng một chút. Nhưng có một ngôi chùa, từ trên xuống dưới đều thấy vàng, tạo nên một vẻ đẹp lộng lẫy, ngoài ra còn được gắn nhiều đá quý. Đó là chùa Shwedagon – Burma, còn gọi Chùa Vàng. Huyền thoại cho rằng, Chùa Vàng đã ra đời 2.600 năm trước và là một trong các tháp Phật đầu tiên của thế giới, song các nhà khảo cổ lại nhận định, chùa được xây vào thế kỷ 6-10 bởi dân tộc Mon.
Người xưa đã dựng lên một ngôi đền cao tới 99m, và ở tứ phương có các vệ tinh là tháp stupa. Họ làm vậy để gìn giữ những di vật của 4 vị Phật hiện tại, gồm 8 sợi tóc của Phật Thích Ca, áo cà sa của Phật Kassapa, bình nước của Phật Konagamana và gậy của Phật Kakusanha. Vì những bảo vật này, chùa luôn linh thiêng và được vua chúa, dân gian thường xuyên quyên cúng. Bắt đầu từ thế kỷ 15, ở Yangon đã có truyền thống dát vàng cho chùa, rồi nạm ngọc. Cả thảy có 5.448 viên kim cương, 2.317 viên ruby và trên đỉnh đại tháp stupa có một viên kim cương 76 cara.
Đền Todaiji (Đông Đại Tự – lớn nhất phía đông) – Nhật Bản lại là một trong những công trình Phật giáo gần gũi nhất với nhà dân, tức là có phòng ban, cột trụ, mái nóc. Đây thực chất là một nhà gỗ lớn nhất thế giới, dài 57m, rộng 50m, cao 48m, đồng thời chứa tượng đồng vĩ đại nhất – tượng Đại Phật cao 15m, to 28m, nặng 500 tấn. Khánh thành thế kỷ 8, dưới triều Shomu, đền được xây dựng để làm trụ sở của mọi Phật điện ở nước Nhật, và rất hoành tráng, dùng khá nhiều cổ thụ, có tuổi đời từ vài trăm đến nghìn năm.
Jokang, ngôi nhà của Phật, là một đền thờ Phật giáo Tây Tạng không chỉ tráng lệ mà còn linh thiêng nhất, thu hút hàng vạn Phật tử mỗi năm. Công trình vốn được vua Songtsan Gampo cho xây để làm hoàng cung của hai bà vợ ở Lhasa. Sau này, nó trở thành Phật điện và mặc dù bị quân Mông Cổ liên tục tấn công, song vẫn đứng vững, và hiện giờ có diện tích hơn 25.000m2, với 4 tầng cùng một mái ngói bằng đồng mạ tuyệt đẹp theo phong cách tổng hòa Ấn Độ, Tây Tạng và Nepal.
Đền Haeinsa (Hải Ấn Tự – sự phản chiếu trên mặt biển êm ả) cũng là một linh tự đẹp nhất Hàn Quốc. Đền bằng gỗ – đá, lợp ngói được xây lần đầu năm 802 và tái thiết vào thế kỷ 19. Điểm dễ nhớ của công trình là tuy mái màu đen, song toàn bộ rui mè đỡ mái, xà cột đều được sơn phủ sặc sỡ cùng nhiều họa tiết hoa mỹ. Và trước mặt luôn có những tháp đá dabo – chùa đá được chất từ các khối đá hoặc hòn đá xếp tầng chênh vênh. Ngoài trang trí đặc sắc, trong Phật điện còn giữ một cuốn kinh Tam Thế đầy đủ được khắc trên 81.258 phiến gỗ, mà nhờ vậy Haeinsa còn có tên Pháp Bảo Tự – nơi giữ gìn Phật Pháp.