Nửa năm 2014 đã đi qua, với những tín hiệu lạc quan nhất định đến với thị trường bất động sản. Ít ra, đã không còn những thông tin như “đóng băng” kéo dài, tình trạng ảm đạm, doanh nghiệp thua lỗ rời bỏ thị trường… như một vài năm trước. Liệu thị trường có ngày càng cải thiện vào nửa cuối năm nay?
Bất động sản vẫn trong tầm ngắm của nhà đầu tư
Luật Xây dựng sửa đổi sau khi trình Quốc hội xem xét tại hai kỳ họp thứ 6 và thứ 7 đã hoàn chỉnh và được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18-6. Luật có 10 chương, 168 điều, được xây dựng trên cơ sở đánh giá tổng kết tình hình thực tiễn việc thi hành Luật Xây dựng thời gian qua và những yêu cầu mới đặt ra trong quản lý hoạt động xây dựng, nhằm khắc phục những điểm hạn chế, tồn tại của luật, từ đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Việc Luật Xây dựng sửa đổi đã được thông qua trong khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vẫn đang được Quốc hội cho ý kiến nhằm sớm hoàn thiện là những nỗ lực của ngành xây dựng, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành thị trường bất động sản. Tất cả nhằm hoàn thiện những chính sách để giúp người dân cũng như các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài… yên tâm hơn khi tham gia thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi kinh tế vĩ mô nước ta đi vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng thì với những ưu thế sẵn có, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ trở thành mục tiêu của các quỹ đầu tư bất động sản quốc tế. Việc mở rộng cửa cho người nước ngoài mua và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam theo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi dù chưa thu hút ngay nguồn vốn ngoại, nhưng sẽ củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường. Khi các đơn vị nước ngoài được phép sở hữu và cho thuê lại bất động sản, phân khúc căn hộ cao cấp, nhà biệt thự, liền kề – vốn có nhiều sản phẩm tồn kho nhất hiện nay – có khả năng sẽấm lên. Những dự án bị ngưng triển khai do thiếu vốn cũng có cơ hội được tái khởi động. Ngoài ra, các quỹ đầu tư nước ngoài có thể đổ vốn vào các doanh nghiệp bất động sản trong nước có hồ sơ kinh doanh tốt, thông tin minh bạch và sở hữu những dự án nằm ở những vị trí đắc địa. Trước nay, khi thị trường bất động sản còn mang nhiều tính tự phát, cơ chế chính sách của Nhà nước chưa hoàn thiện, nên môi trường kinh doanh bất động sản chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi các chính sách trở nên rõ ràng, minh bạch, nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản được quản lý tốt và có những phương cách giải quyết, niềm tin vào thị trường bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Nhà liền kề thuộc nhóm sản phẩm chỉ bán được khi thị trường thực sự phục hồi
Đó là câu chuyện của tương lai. Trước mắt, nguồn tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phục hồi của thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản nước ta đã và đang phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Thường với mỗi dự án được triển khai, doanh nghiệp chỉ đảm bảo được 15 – 20% tổng mức đầu tư, phần còn lại nếu không được “bổ sung” từ phía người mua thông qua những đợt đóng theo tiến độ dự án thì sẽ phải đến từ các ngân hàng thương mại. Còn phía người mua, số người phải dựa vào đòn bẩy tài chính mới có thể mua được căn hộ cũng không ít. Theo Ngân hàng Nhà nước, số dư tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại dành cho lĩnh vực bất động sản hiện đã tương đương với thời điểm năm, sáu năm trước. Điều này cho thấy dòng tiền đã trở lại và dự báo sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, khi thị trường phục hồi rõ nét hơn. Ngoài ra, còn có những dòng vốn khác như đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, từ kênh tiết kiệm của ngân hàng. Điểm quan trọng là tiền từ khu vực dân cư đã bắt đầu tìm đến với thị trường bất động sản, bởi nhu cầu về nơi an cư của người dân đô thị vẫn còn rất lớn. Đầu tiên, nguồn tiền này đổ vào phân khúc nhà giá rẻ, sau đó sẽ tác động đến các phân khúc khác.
Khởi sắc trong tương lai
Theo Bộ Xây dựng, có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang ấm lên, chứng tỏ những chính sách và giải pháp nhằm giải quyết khó khăn cho thị trường thời gian qua đã phát huy tác dụng. Đó là những chính sách giúp khắc phục tình trạng lệch pha cung – cầu, cho ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhiều người, trong đó có căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ, nhà ở xã hội. Nhà nước sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, đặc biệt là cho phép các hộ dân được đầu tư làm nhà ở xã hội trên đất hợp pháp của mình, với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không chỉ các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị khảo sát nghiên cứu và tư vấn bất động sản cũng đưa ra những số liệu cho thấy tình hình giao dịch của nửa đầu năm 2014 là khá khả quan. Thanh khoản đã tăng mạnh ở một số dự án, còn xét về tổng thể thì số lượng giao dịch quý sau luôn tăng so với quý trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng chưa thể dựa vào đó để đưa ra nhận định thị trường đã hồi phục. Những “dấu hiệu tan băng” đó chưa cho thấy sự sôi động thực của thị trường. Trong số hàng trăm dự án đã và đang triển khai, chỉ có một số dự án giá rẻ và trung bình là có thanh khoản, còn rất nhiều dự án căn hộ cao cấp, diện tích lớn, nhà liền kề, biệt thự… vẫn không bán được sản phẩm. Tính tổng thể, lượng tăng lên của thanh khoản cũng không nhiều, chưa thể xem là đã có một cú hích đối với thị trường. Chưa thể kết luận rằng thị trường đã thoát đáy.
Để góp phần giúp thị trường phát triển ổn định, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cũng cần tái cơ cấu hoạt động của mình, tập trung nguồn lực cho những dự án khả thi, thu hẹp triển khai các dự án mới, liên doanh, liên kết với các bên liên quan để kết thúc các dự án mà mình có khả năng thực hiện. Bên cạnh đó, việc xin chuyển đổi công năng của các dự án cũ theo hướng thu nhỏ diện tích để giảm giá bán về khoảng 500-700 triệu đồng/căn hộ cũng là điều nên làm. Những dấu hiệu lừa đảo khách hàng như huy động vốn nhưng không giao nhà, một căn hộ bán cho nhiều người… cũng phải bị ngăn chặn triệt để.
Tương lai của thị trường bất động sản vẫn khá tươi sáng. Những người lạc quan cho rằng ít ra thị trường đã qua giai đoạn biến thiên mạnh trong những chu kỳ ngắn để bước vào chu kỳ mới dài hơn, ổn định hơn với độ biến động không lớn. Ngoài những dòng tiền đầu tư đã và sẽ đổ vào bất động sản, còn có dòng tiền từ hệ thống đầu tư công, đầu tư gián tiếp nước ngoài, các công ty tài chính… Nếu dung nạp được hết nguồn vốn này, cộng với hệ thống chính sách mới khắc phục được hết những bất cập trước đây, thì thị trường sẽ khởi sắc cùng với sự tăng trưởng kinh tế.
- Phi Yến