Các thiết chế văn hóa, đặc biệt là bảo tàng mỹ thuật ở Hy Lạp đang đứng bên bờ vực sụp đổ – đó là cảnh báo của các chuyên gia mỹ thuật hàng đầu tại đất nước đang khủng hoảng trầm trọng này. Đó là điều không thể tránh khỏi khi mà nền kinh tế Hy Lạp cũng đang đứng bên bờ vực.
Bà Katerina Gregos, giám tuyển của Triển lãm lưỡng niên Thessaloniki (Thessaloniki Biennale) cho biết: “Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Thessaloniki chỉ còn đủ ngân sách để trả lương cho nhân viên; không có kinh phí để tổ chức các triển lãm hay mua tác phẩm, kể cả kinh phí để thanh toán các hóa đơn sinh hoạt và sử dụng internet”. Bà Gregos còn cho biết thêm là mới đây, EMST – bảo tàng mỹ thuật đương đại mới xây dựng tại Athens đã không thể tổ chức lễ khánh thành vì không có kinh phí. Thessaloniki Biennale lần thứ năm do bà Katerina Gregos tổ chức mới khai mạc hồi tháng 6 và sẽ kéo dài tới tháng 11-2015. Đây là một sự kiện mỹ thuật quan trọng tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai tại Hy Lạp (sau thủ đô Athens), thủ phủ của vùng Macedonia, một trung tâm văn hóa lớn và là đô thị cổ kính bậc nhất ở khu vực Balkan vì đã có từ năm 315 trước Công nguyên. Năm 2013, tạp chí danh tiếng National Geographic xuất bản ở Mỹ đã đưa Thessaloniki vào danh sách các điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới nhờ vị trí tuyệt đẹp bên bờ biển, các công trình kiến trúc cổ và các bảo tàng mỹ thuật.
Thật ra, theo ông Denys Zacharopoulos, Giám đốc nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật đương đại vùng Macedonia cũng đặt tại Thessaloniki thì các bảo tàng nhà nước ở Hy Lạp đã ở trong tình trạng nguy cấp từ năm 2008: “Văn hóa, giáo dục và sức khỏe là những gì phải chịu đựng chính sách thắt lưng buộc bụng trước tiên”, ông nói. Ngân sách hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật đương đại vùng Macedonia đã giảm từ 500.000 euro năm 2006 xuống chỉ còn 180.000 euro năm nay. Bảo tàng hiện hoạt động cầm chừng để tránh vỡ nợ khiến 20 nhân viên mất việc, ngay cả máy điều hòa nhiệt độ trong bảo tàng cũng không được mở để tiết kiệm chi phí tối đa, mà điều đó có thể gây hại cho nhiều tác phẩm mỹ thuật được trưng bày. Những khó khăn kinh tế hiện nay khiến ông Zacharopoulos “không thể mơ đến một thế giới tốt đẹp hơn” cho hoạt động bảo tàng tại Hy Lạp cho dù Bộ Văn hóa nước này đã có kế hoạch cứu trợ khẩn cấp cho các bảo tàng mỹ thuật tại Thessaloniki.
Nhiều nghệ sĩ tạo hình Hy Lạp đã bày tỏ thái độ của họ trước tình hình kinh tế bi đát của đất nước cũng như trước sức ép của các chủ nợ châu Âu; đơn cử như họa sĩ trẻ George C. Salpigkidis (sinh năm 1983). Trong tranh của anh là những hình ảnh hết sức thời sự về đất nước Hy Lạp: chân dung các nhà lãnh đạo và các chủ ngân hàng châu Âu, lãnh đạo các thiết chế tài chính toàn cầu bên cái xác chết Hy Lạp. Tại Thessaloniki Biennale đang diễn ra, chủ đề thời sự cũng lấn át trong các thể loại tác phẩm tham dự. Và trong bối cảnh kinh tếảm đạm như thế, các gallery cũng chịu trận khi mà người trong nước không có tiền đủ sống nói gì mua tranh, còn du khách nước ngoài đang giảm dần…
- Lê Bản