Dẫu cho cuộc đời đầy sóng gió, nụ cười của ông Huỳnh Kim Báu, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Furniture, vẫn thật bình yên. Mỗi khi ông cười, khuôn mặt nhân từ và đôi mắt có đuôi lại làm cho người khác cảm thấy ấm áp, chia sẻ đến tận cùng. Gay gắt, mạnh mẽ, suốt đời tìm kiếm không biết mệt mỏi cái tuyệt đối, cái chân thật.
Một buổi sáng trong lành ở Nhà hàng Mục Đồng trên đường Võ Thị Sáu, ông kêu món cháo trắng dưa mắm, và kể cho tôi nghe về sở thích lót dạ buổi sáng bằng món cơm rang. Nhìn ông vui, vóc dáng gầy hơn xưa, tôi hỏi nhỏ: “Điều gì giúp anh “thon thả” hẳn ra như thế?”. Ông lại cười, nụ cười bình thản: “Hãy coi tất cả mọi việc đều không có gì là quan trọng, bạn sẽ được giải thoát…”.
____
Sức khỏe anh dạo này ra sao? Cuộc “chuyển giao thế hệ” cho con gái anh thực hiện đến đâu rồi?
Dạo này đỡ lắm rồi, đã hết phải chích thuốc. Nhưng có lẽ là nhờ tôi đã tự thoát ra dần công việc, để cho con gái làm, mình chỉ cố vấn, góp ý. Mình cứ lấy tuổi trẻ của mình ra mà so sánh, người khôn ngoan là người biết lấy bài học, kinh nghiệm thất bại của người khác làm kinh nghiệm của mình. Thất bại nào cũng phải trả giá mới có giá trị. Chứ cứ sợ con làm không được thì làm sao nó trưởng thành? Thực tế nỗ lực chuyển giao thế hệ, nỗ lực tự đào tạo này, tôi đã đeo đuổi suốt mười mấy năm trời nay, không chỉ cho con gái mình đâu, mà cho cả một thế hệ trẻ trong công ty. Bởi tôi cực kỳ thất vọng về nền giáo dục của ta, nhất là bậc đại học.
Người ta không chuẩn bị cho sinh viên một tác phong công nghiệp, một tri thức đã kinh qua cuộc sống, khiến họ không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào. Từ một sinh viên tốt nghiệp, để trở thành một người tài năng thật sự rất khó. Tuổi trẻ ngày nay thường thiếu ý chí phấn đấu, thiếu học hỏi, ngược lại muốn hưởng thụ. Trong khoảng 40-50 sinh viên ra trường đến làm việc tại công ty tôi, chỉ khoảng 3-4 người trụ lại, và đó là những người có thực tài. Chính vì vậy, nỗ lực liên tục của tôi là muốn tạo ra một môi trường học cho sinh viên ngay chính trong công ty của mình. Công nghệ, máy móc, nhà xưởng đều có thể bỏ tiền mua được, nhưng con người mới là yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp.
____
Hai cha con anh đã có lần cự cãi nhau quyết liệt về chuyện điều hành công ty, anh có lấy quyền hành làm cha để “áp đặt” con, một cô gái học từ Mỹ về, chịu ảnh hưởng từ một nền giáo dục khác?
Bây giờ là thế kỷ XXI, đòi hỏi trí tuệ, năng động, được đào tạo cơ bản về kỹ thuật, dám khai phá, không bảo thủ… Tôi luôn tạo một không khí làm việc dân chủ trong công ty, và cho con tôi có quyền nói lên tiếng nói của mình. Những lần tranh cãi thẳng thừng như thế là nó đang “khai thông” cho tôi đó (cười). Con gái với tôi như là người bạn thân thiết nhất. Một cô gái trẻ sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng con tôi không bao giờ ỷ lại, mà tạo sự nghiệp bằng chính tài năng của mình, có trách nhiệm với người khác, rất để ý đến đời sống cũng như những khó khăn của công nhân.
Cháu là người chịu khó, chịu khổ, sống cực kỳ đơn giản, ăn mặc cũng giản dị… Tôi chỉ muốn con tôi đến già vẫn giữ được đức tính đó. Mong muốn của tôi với người kế nghiệp mình là làm sao biến xí nghiệp thành một mái ấm gia đình, mọi người xem nhau như người thân. Tôi luôn căn dặn con tôi là muốn quy tụ được anh em, phải đến với họ trước bằng chính tấm lòng của mình.
Đừng sợ người xấu, đừng vì điều xấu mà phụ những người tốt. Gieo gì sẽ gặt nấy. Khi làm quan không lấy đó làm vinh, khi làm lính cũng không lấy đó làm nhục. Vinh hay nhục do mình, chứ không phải ở quyền lực. Khi còn trẻ, mình cũng ước mơ biến bạch ốc thành lâu đài, nhưng sức người có hạn, mình đành quay về xây dựng một xí nghiệp nho nhỏ, một số người in ít…
Đã là kinh doanh thì đầy bất trắc, mà cái dễ gặp nhất là chơi không đúng luật, chọn không đúng người.
____
Anh có thể nói một chút về môi trường sống của gia đình ngày xưa, để có thể tạo ra những người con thành đạt trong kinh doanh như hôm nay?
Đã là kinh doanh thì đầy bất trắc, mà cái dễ gặp nhất là chơi không đúng luật, chọn không đúng người. Ngay từ bé, tôi đã làm quen với một môi trường kinh doanh đầy bất trắc trong gia đình, khi cha mẹ tôi là tổng đại lý phát hành báo tại miền Trung. Đồng vốn bỏ ra thì nhiều, nhưng thu lời không bao nhiêu, ngược lại không biết trong cả ngàn đại lý, có ai bất thần phản mình, bởi mình chỉ quan hệ với họ dựa trên cơ sở lòng tin. Điều tôi học được lớn nhất từ gia đình là cha mẹ tôi luôn tạo điều kiện cho con cái tự do định đoạt số phận của mình, không bao giờ áp đặt điều gì.
Tôi là con đầu lòng, xuất thân từ một gia đình khá giả, thi đậu Đại học Sư phạm, tương lai đang rộng mở, nhưng tôi đã quyết định bỏ tất cả để đi theo cách mạng. Bố chỉ khuyên: “Con chọn điều gì tùy con, nhưng trước hết phải yêu nước và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình”. Mẹ tôi thường dạy: “Ăn một chén khi no là cướp cơm của kẻ đói”.
Đến giờ này tuy có tiền, nhưng tôi không bao giờ hoang phí. Sáng đi làm vẫn ăn cơm rang, có khi vợ xót ruột la rầy, tôi nói: “Ăn để nhớ lại những thời gian khó khăn cực khổ của mình”. Tôi rất tâm đắc với bác sĩ Phan Thanh Hải, ông đi chiếc xe Honda cà tàng, vì hồi đó gia đình ông nghèo, mẹ sắm cho ông chiếc xe này, ông muốn giữ mãi để làm kỷ niệm… Chính vì hấp thu một nền giáo dục như thế của cha mẹ, mà con tôi bây giờ cũng rất tự lập.
____
Những năm tháng đi làm cách mạng đã giúp anh điều gì khi làm kinh tế?
Một kỷ niệm ảnh hưởng rất lớn đến cách làm việc của tôi là khi tham gia cách mạng, tôi may mắn được làm việc thẳng với anh Hai Nghị, tức Hồ Hảo Hớn – Phó Bí thư Thành đoàn (đã hy sinh). Mỗi lần làm việc anh thường hỏi tôi trước. Tôi thắc mắc: “Là lãnh đạo, lẽ ra anh phải chỉ đạo tôi, tại sao anh lại hỏi tôi trước?”. Anh cười: “Bởi vì cậu nói trước mà đúng hơn tôi, thì tôi học được cậu. Tôi nói sau, mà đúng hơn cậu, thì cậu học được tôi”. Giữa người lãnh đạo và thuộc cấp, điều đầu tiên phải để cho cấp dưới của mình thật sự phát huy được năng lực, trí tuệ, có thế mới tập hợp được sức mạnh quần chúng.
____
Vậy phẩm chất nào của thuộc cấp mà anh coi trọng nhất?
Trung thực. Ai cũng vậy, đã làm là có đúng, có sai. Nhưng người trung thực là khi sai biết nhận sai, và phản ánh đúng nguyên nhân thất bại, có thế mới tìm được biện pháp xử lý đúng. Còn người không trung thực thì không thể biết nguyên nhân từ đâu, làm sao đề ra biện pháp khắc phục. Đối với anh em trẻ, tôi luôn động viên làm đi, suy nghĩ cho kỹ và chịu trách nhiệm với hành vi của mình, trật thì phải tìm biện pháp sửa. Tôi không bao giờ kỷ luật anh em làm sai mà phản ánh trung thực.
____
Nhưng thực tế hiện nay, điều kiện xã hội đã thực sự cho người trung thực được sống một cách trung thực chưa, theo anh?
Chưa. Ngay một doanh nghiệp, để có thể kinh doanh trung thực trong môi trường không minh bạch như hiện nay là rất khó. Mà dường như trong dư luận xã hội, nguy hiểm nhất bây giờ là người ta không tin là có nhiều người trung thực, trong sạch.
____
Kinh doanh về xuất nhập khẩu đồ gỗ cao cấp, điều gì khiến anh bức xúc nhất khi làm thủ tục nhập hàng, xuất hàng?
Bức xúc nhất là chuyện… phải đút lót! Không còn cách nào khác. Ấy là chưa kể nhỡ điện cắt, máy hư, thời gian giao hàng trễ, điều đó đâu có lường trước mà báo cáo hải quan? Trong trường hợp đó đáng lẽ phải bắt đền công ty điện lực, thì mọi cái đều đổ lên đầu doanh nghiệp, cộng thêm tiền chạy chọt. Vào WTO, môi trường cạnh tranh khốc liệt, nếu cứ kéo dài những “chi phí vô hình” mà cơ quan thuế không thừa nhận, trong khi lợi tức thấp, thì làm sao hạ giá thành? Một thực tế kéo dài nhiều năm như thế không còn làm mình bức xúc nữa, bởi bức xúc là chuyện đoản kỳ, sợ nhất là khi nó trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” rồi, gây cho doanh nghiệp sự mệt mỏi triền miên.
Công tâm mà nói thuế của mình rành mạch, nhưng cách hành thu chưa phù hợp với hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, như chuyện biên lai giả, hay khống chế của thuế về chi phí quảng cáo quá thấp, trong khi kinh tế thị trường, vấn đề truyền thông quảng cáo rất quan trọng. Chuyện tái đầu tư sản xuất là chuyện cần khuyến khích, không nên phải xin mới cho, như thế lại tạo tiêu cực… Đến chuyện làm công tác xã hội cũng phải xin, cho mới được làm, mà lại không được tính miễn trừ khi đóng thuế. Nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa được thực hiện.
Trong quản lý nhà nước, muốn chống tiêu cực phải giao quyền tự chủ, tự định đoạt cho từng thành viên xã hội, doanh nghiệp. Nếu ai làm sai, phải mạnh dạn xử lý. Việc ngăn chặn bằng nhiều thủ tục rườm rà qua nhiều tầng nấc kiểm tra như hiện nay, việc trao quyền hành quá lớn cho cá nhân… chỉ tạo môi trường cho tiêu cực. Tôi cho rằng đó là lý do khiến cuộc cải tổ hành chính chưa đi đến đâu. Về phía doanh nghiệp, hiện các tổ chức ngành nghề chưa là người đại diện thực sự cho ngành nghề ấy. Mạnh ai nấy làm, gây ra bao thiệt hại cho xã hội, cho doanh nghiệp…
Thủ tục rườm rà qua nhiều tầng nấc kiểm tra như hiện nay, việc trao quyền hành quá lớn cho cá nhân… chỉ tạo môi trường cho tiêu cực. Tôi cho rằng đó là lý do khiến cuộc cải tổ hành chính chưa đi đến đâu.
____
Ngay từ nhỏ, anh đã là một hướng đạo sinh tham gia tích cực công tác từ thiện, và bây giờ con gái anh cũng vậy. Dường như công tác xã hội, từ thiện là một phần ý nghĩa của cuộc đời anh?
Đúng vậy, đó là cách tốt nhất để giáo dục con cái. Những lời thề của hướng đạo sinh còn ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của tôi: Trung thành với Tổ quốc, tôn giáo, và những người cộng sự. Tôn giáo với tôi chính là đức tin của mình, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào. Hướng đạo có 10 lời hứa đều là làm lợi cho người khác. Tôi luôn nhắc nhở con tôi: Hãy yêu người thì người yêu mình, hãy tin người thì người tin mình, hãy cho đi thì được nhận lại.
____
Từng là Tổng thư ký Hội Trí thức miền Nam Việt Nam, khi đất nước giải phóng, anh giữ chức Tổng thư ký Hội Trí thức Sài Gòn, nhưng cuộc đời anh đầy thăng trầm, làm thế nào anh giữ được đức tin đó?
Cuộc đời tôi đã từng lên voi xuống chó nên bây giờ tôi bình thản lắm. Tôi đã từng phải ra tòa trong vụ án CIMEXCOL hợp tác với Lào và bị kết án ba năm tù treo vì tội cố ý làm trái. Nhưng tôi luôn tự hào là trong thời gian làm giám đốc, tôi đã làm hết sức mình và đặt lợi ích của đất nước lên trên. Nhưng không may thời ấy quan điểm bao cấp còn nặng nề, nên tôi trở thành nạn nhân của cơn lốc đó. Tôi chấp nhận điều đó với bản thân tôi. Tôi ví mình như chiếc lá rơi bị cơn lốc cuốn đi và cuối cùng vẫn chạm được vào mặt đất. Tôi lại đứng dậy, bước đi bằng chính đôi chân của mình, khởi nghiệp từ con số không. Chính trong cơn hoạn nạn của mình, tôi mới thấy biết bao người tốt.
Có lần đọc tin trên báo thấy một em bé tật nguyền cần giúp đỡ, tôi đưa con gái tới, nhưng hóa ra trước tôi đã có rất nhiều người giúp bé rồi. Tôi nói với con tôi: “Con thấy chưa, hãy tin vào cuộc đời đi, vẫn còn biết bao người tốt một cách âm thầm, lặng lẽ như thế”. Phải vậy mới có thể lạc quan mà sống chứ. Một ngày 30 Tết, tới thăm những em bé trong cô nhi viện, được các bé để phần cho một khúc bánh tét và khúc thịt mỡ, tôi ăn ngon lành. Ăn để thấm tấm lòng của các em. Tôi đã bỏ hết mọi chương trình để ở bên các em ba ngày Tết, và tôi thấy lòng thật nhẹ nhàng.
Tôi không bao giờ cô đơn, vì bên tôi luôn có bạn bè, con gái, những người chia sẻ với tôi mọi vui buồn… Tôi cho rằng đã là con người thì phải làm đúng thiên chức của một con người. Điều sợ nhất là đến tuổi 60, phấn đấu không dễ, vì quy luật càng lớn tuổi, người ta càng ích kỷ. Tôi tự hứa với lòng mình cho đến khi nhắm mắt không bao giờ làm điều gì có hại cho người khác, không gây điều khổ cho ai, kể cả người đã gây cho tôi nhiều khốn khổ. Tôi cố gắng sống có ích cho đời và cầu mong cho mọi người đều có niềm tin, tin ở những điều tốt. Tôi là người lãng mạn lắm đấy (cười). Cuộc sống mà không lãng mạn thì chán lắm.
Tôi như chiếc lá rơi bị cơn lốc cuốn đi và cuối cùng vẫn chạm được vào mặt đất. Tôi lại đứng dậy, bước đi bằng chính đôi chân của mình, khởi nghiệp từ con số không.
____
Lúc nãy thấy anh ăn cháo trắng, dường như nhu cầu của cá nhân anh rất ít?
Bạn bè thường bảo tôi không có nhu cầu tiêu dùng. Căn nhà của tôi rất đơn giản, chiếc giường tôi nằm có tuổi thọ trên 40 năm nay, dù tôi làm ngành gỗ. Chiếc ti vi cũ rích cũ rơ. Trong phòng tôi chỉ có sách. Tôi thấy cuộc đời còn ngắn quá, coi ti vi rất tốn thời gian, nên chỉ đọc sách. Tôi đọc đủ mọi loại sách, từ văn học, đến sách chuyên môn, kinh Phật… Cuốn sách gối đầu giường của tôi là Tân ước.
Tôi thích những câu chuyện ngụ ngôn đơn giản, nhẹ nhàng mà thâm thúy trong đó… Đã đến lúc phải tính đến quỹ thời gian. Tôi dự kiến cuối năm nay sẽ làm một nhà tranh đơn giản để ở, để luyện tập, chiêm nghiệm về cuộc đời, viết ra những gì cần thiết cho những người thân của mình, không phải viết hồi ký, chuẩn bị cho cuộc ra đi nhẹ nhàng. Mình nghĩ khi ra đi đâu có đem theo được cái gì, mà sao khi còn sống người ta cứ vì quyền vì lợi mà mưu hại lẫn nhau? Sự điên rồ của con người chính là cứ đuổi theo cái bóng của mình…
____
Những điều đó liệu có phù hợp với một nhà kinh doanh? Một người nói thẳng, nói thật như anh hẳn phải gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đời này?
Tôi cho rằng một nhà kinh doanh chân chính phải luôn rèn luyện, giải quyết hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, và đặt lợi ích đồng loại lên trên. Tôi nghĩ người dám sống theo suy nghĩ của mình, sống trung thực với chính mình thì phải trả giá. Nhưng người hạnh phúc nhất là người biết được hạnh phúc có cả tiếng cười và nước mắt.
Cách đây ba năm, tôi đã trải qua một cơn khủng hoảng lớn cả nửa tháng trời, tưởng có thể chết đi được… Tôi tình cờ đọc được lá thư tuyệt mệnh của một người bạn Pháp sống cách tôi vài căn nhà. Anh ta tự tử vì thấy cuộc đời vô nghĩa quá, không khác gì con thú, như thế quá mệt mỏi… Tôi cũng bị cảm giác đó. Nhưng lá thư ấy đã cho tôi ngộ được cách giải quyết bế tắc của mình, bằng cách hãy sống, để làm lợi cho người khác…
Tại sao có những con người không biết khóc trước sự lầm than của đồng loại? Tôi nói thế sợ có người lại cho rằng mình cao đạo, bởi có khi mình nói tốt mà người ta không tin, nói xấu mà người ta tin… Tôi là một doanh nhân rắc rối quá phải không? Tôi rất thích những lời trong bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Được mất của riêng mình đời người ai cũng có. Hãy thương nhau nhiều hơn, hãy yêu nhau nhiều hơn”.