Câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra trong một khung cảnh khá đặc biệt: sau một “set” tennis đẫm mồ hôi và đang chuẩn bị ăn trưa. Phan Chánh Dưỡng tươi cười báo tin anh đã rời chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận sau 15 năm thực hiện thành công các kế hoạch của công ty này.
Với anh, một trang đời đã lật qua dù vẫn còn giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Liên doanh KCX Tân Thuận, ít ra cũng trong vài tháng nữa. Hiện anh đang nghiên cứu một số đề tài kinh tế Việt Nam tại Đại học Harvard theo Chương trình Fulbright và lần này về nước để dạy học đồng thời “nạp thêm năng lượng” từ thực tiễn kinh tế Việt Nam. Nhưng chúng tôi không bắt đầu câu chuyện từ việc anh hoàn thành vai trò lịch sử…
____
Cơ duyên nào từ một nhà giáo, anh lại nhảy qua làm kinh doanh?
Đây hoàn toàn là chuyện ngẫu nhiên. Tôi tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Đại học Khoa học Sài Gòn và được bố trí về làm công tác giáo dục theo đúng nguyện vọng. Năm 1980, tôi đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tín Nghĩa thì được điều về làm nhân viên Liên hiệp xã quận 5.
Đầu năm 1980, để đối phó với tình hình kinh tế vô cùng khó khăn lúc bấy giờ, thành phố bắt đầu bung ra tìm đường vượt khó. Chủ trương xây dựng các công ty xuất nhập khẩu trực dụng được đề ra và lãnh đạo thành phố chỉ định quận 5 đi tiên phong làm thí điểm. Tôi được chuyển về ngành thương nghiệp, làm dưới trướng anh Hồng Tôn Như (Ba Hòa). Do tôi gốc thầy giáo nên được anh giao việc thảo ra phương án thành lập một công ty xuất nhập khẩu lấy tên là Cholimex.
Cho đến thời điểm ấy, kiến thức về kinh tế của tôi chẳng có bao nhiêu. Thật sự, tôi chưa hề biết gì về nội dung của một hợp đồng đúng nghĩa chứ nói gì đến đề án kinh tế. Còn việc thảo hợp đồng thì trong suốt đời mình, cho đến khi ấy tôi mới chỉ làm qua đúng một lần, đó là dịp thảo giúp tờ giao kèo mua bán cừ tràm cho một người quen. Về kinh doanh thì tôi có một ít kinh nghiệm trong chuyện mua bán nhỏ, mua đi bán lại vậy thôi. Thế mà cũng phải viết và từ đó cuộc đời tôi sang trang mới, đến giai đoạn “mất dạy, đi buôn”.
____
Tuy nhiên, hẳn là hồi nhỏ anh cũng đã có một sự mẫn cảm về kinh doanh, chính vì vậy khi thời cơ đến thì ngay lập tức anh như bắt được đúng tần số để mà phát huy?
Quả thật ngay từ khi còn nhỏ tôi đã rất nhạy bén về chuyện mua bán. Năm 15 tuổi, một lần trong dịp nghỉ hè, khi từ Cà Mau trở về làng quê nơi gia đình tôi có một cửa hiệu buôn bán tạp hóa nhỏ, tôi nhìn thấy chiếc ghe chở lu đi ngang qua. Tôi hỏi thăm giá cả thấy rằng rẻ hơn nhiều so với gia đình tôi mua ở chợ Cà Mau bởi vì họ mua từ gốc ở Lái Thiêu. Tôi bèn đề nghị mua toàn bộ khoảng 200 chiếc lu chở trên ghe.
Người chủ thỏa thuận giảm giá khoảng hơn 20%, tôi làm một con tính rợ rồi đồng ý mua, cho họ biết địa chỉ nhà và hẹn khi về đến nơi sẽ thanh toán đầy đủ. Sau đó tôi leo lên ghe cùng đi với họ về làng. Do đã thỏa thuận xong việc mua bán, từ lúc ấy chủ ghe không còn quyền bán lu nữa mà chỉ có tôi đứng ra bán. Thế là dọc đường đi, sau ba trạm ghé vào thì tôi đã bán gần hết số lu, khi về đến nhà chỉ còn lại chưa đầy 20 chiếc! Đó là bài học đầu đời về làm ăn.
Bằng hữu, đồng nghiệp chung quanh, những người có kiến thức nhiều hơn, sẽ là chỗ dựa vững chắc và quý báu vô cùng cho mình, nếu biết trân trọng học hỏi những hiểu biết của họ.
____
Có thể nói rằng việc kinh doanh đã tiềm ẩn trong huyết quản của anh rồi. Có phải chăng do anh gốc người Hoa, vốn vẫn được tiếng rất thông thạo trong thương trường?
Đây là điều tôi vẫn thường suy nghĩ, bởi người ta cũng hay nói rằng đã là người Hoa thì đều có óc kinh doanh. Theo tôi điều đó chưa hẳn đúng, vì người Hoa đã tha phương cầu thực từ hàng ngàn năm nay nhưng chỉ tham gia mua bán ở những miền đất mới vào thế kỷ XIX khi xu thế thương mại phát triển trong nền kinh tế toàn cầu. Có thể nói vào thời kỳ ấy, hầu như tất cả những người ly hương – không riêng gì người Hoa – bắt kịp xu thế thương mại ngay.
Lý do là vì họ có các điểm yếu: họ là người nơi khác đến, chưa rành chữ nghĩa nên không làm thầy cũng khó làm quan, họ không sở hữu đất đai nên không làm nghề nông được, công nghiệp lúc ấy lại chưa phát triển, vì vậy họ chỉ có con đường lựa chọn để kiếm sống là mua bán. Rồi nghề dạy nghề, họ phát hiện ra việc mua bán tạo ra giá trị gia tăng nhanh hơn cả sản xuất và từ đó trở thành một nghề truyền thống.
Tôi cho rằng việc người Hoa rành buôn bán không phải xuất phát từ yếu tố dân tộc mà chính là từ bối cảnh xã hội, bởi nếu nói rằng người Hoa rất giỏi mua bán sao họ không làm ăn ngay tại đất nước của mình mà lại chạy qua nơi khác mới phát huy được đặc điểm này? Rõ ràng cái nghề buôn bán được nảy sinh từ môi trường sống.
____
Dường như trong quá trình hoạt động của mình, anh đã dựa vào bạn bè rất nhiều, bởi ngay từ đầu anh không phải là người am hiểu nhiều về kinh tế. Vậy anh đánh giá thế nào về bạn bè trong công việc?
Khi được cử làm Trưởng phòng Kế hoạch của Công ty Cholimex, tôi may mắn thu nhận được một số các anh trí thức cũ cùng cộng tác, chẳng hạn như các anh Trần Bá Tước, Phan Thành Chánh, Đỗ Trung Đường… nhờ đó được học hỏi ở các anh kiến thức về kinh tế một cách bài bản và có hệ thống. Tất cả mọi vấn đề đem ra bàn bạc với các anh đều là những bài học quý giá cho tôi. Và thật thú vị khi phát hiện ra một điều: buôn bán là vi mô còn hành vi kinh tế mang lại lợi ích cho xã hội là vĩ mô.
Tôi nắm rõ được rằng trong buôn bán kinh doanh thì ông giám đốc chịu trách nhiệm về đồng vốn được giao, nghĩa là phải cố gắng làm sao cho có “lợi nhuận”. Còn hướng đến vĩ mô thì chú trọng nhiều đến phần “lợi ích” cho cả cộng đồng chứ không chỉ quan tâm đến phần tiền lãi đem về cho công ty. Đó chính là cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong suy nghĩ của tôi. Từ đó mọi việc điều hành, tôi đều làm theo một đường hướng chủ đạo và nguyên tắc rõ ràng. Đó là năm 1982.
Bạn bè đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời tôi. Mỗi khi nhận một nhiệm vụ nào, đầu tiên tôi xác định rõ trong công việc này điều gì mình biết và điều gì không biết, đồng thời vị trí mà mình đang giữ liệu có tương xứng với khả năng của mình hay không? Đây là điều cực kỳ quan trọng, nhất là khi khả năng của mình chưa tương xứng với cương vị đang nắm giữ.
Khi đó thì bằng hữu, đồng nghiệp chung quanh, những người có kiến thức nhiều hơn, sẽ là chỗ dựa vững chắc và quý báu vô cùng cho mình, nếu biết trân trọng học hỏi và tiếp thu những hiểu biết của họ. Kinh nghiệm sống giúp tôi nhận ra một điều là những người trí thức chân chính đều có một tâm niệm là mang hiểu biết của mình đóng góp cho sự nghiệp chung của đất nước.
Và chính những bạn bè trí thức đã cùng anh bắt tay vào xây dựng một đề án khu chế xuất cho Thành phố Hồ Chí Minh và là tiền đề của việc hình thành Khu chế xuất Tân Thuận sau này. Để thực hiện kế hoạch ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp đã có quyết định thành lập “Chương trình xây dựng khu chế xuất”. Tuy nhiên, chương trình này không hề được cấp vốn vì vậy chưa hình thành được bộ máy hoạt động. Nhân sự của chương trình gồm một số “tình nguyện viên” vốn là bè bạn của anh làm việc không ăn lương. Trang thiết bị duy nhất lúc ấy là một dàn máy vi tính giá 22 triệu đồng cũng phải mua chịu.
____
Có thể nói xuất phát điểm của một kế hoạch lớn lao như khu chế xuất lại chỉ là một tờ quyết định có đóng dấu?
Khoảng một năm sau, khi tất cả các đề án trình lên đã được Trung ương chấp thuận và cho phép hình thành công ty liên doanh thì thành phố mới quyết định nâng “Chương trình xây dựng khu chế xuất” lên thành “Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận” do tôi làm giám đốc, bởi theo quy chế của Nhà nước muốn hình thành công ty liên doanh phải có đối tác là một công ty trong nước.
Tôi cũng kiêm nhiệm Phó Tổng giám đốc Khu chế xuất Tân Thuận ngay từ những ngày đầu liên doanh này mới hình thành. Mãi đến lúc ấy, thành phố mới cấp cho một trụ sở cùng với khoản kinh phí 200 triệu đồng để hoạt động. Khoản tiền đó trước tiên là dùng để trả nợ mua máy vi tính và trợ cấp tiền lương cho các anh em lâu nay vẫn làm “chùa”. Sau khi thanh toán mọi thứ xong thì số tiền còn lại chỉ là 20 triệu đồng.
Tìm được một đề án có hiệu quả chính là tiền đề để quyết định tất cả mọi việc sau đó. Còn nếu không, cho dù anh có giỏi tiếp thị đến đâu đi nữa cũng khó làm nên chuyện.
____
Anh làm gì được với số tiền ít ỏi như thế?
Số tiền này tất nhiên không đủ để trang trải chi phí hoạt động cho công ty mà chúng tôi phải trông chờ vào khoản thu từ phí tiếp thị. Lúc bấy giờ có quy định là các bên đối tác đều có nhiệm vụ đi tiếp thị cho công ty liên doanh, áp dụng trích 5% trên doanh số thu hút vốn đầu tư nước ngoài để làm phí tiếp thị. Số tiền này được chia theo tỷ lệ 7/3 trong đó công ty chúng tôi được hưởng 30%. Khoản tiền này vừa sử dụng để chi phí cho hoạt động của công ty, mà quan trọng hơn là để có điều kiện nghiên cứu thêm các chương trình khác.
Có thể nói nôm na Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận được sinh ra từ một con dấu và một quyết định, nhưng hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên mà phải kinh qua cả một quá trình lâu dài, từ những nghiên cứu dò dẫm ban đầu nhằm chọn cho được một công cụ thích ứng để phối hợp việc mở cửa thu hút đầu tư và cuối cùng đi đến quyết định chọn mô hình khu chế xuất – khu công nghiệp. Sau đó mới bắt đầu nghiên cứu xem địa phương nào, vùng đất nào phù hợp hơn cả. Và từ đó cũng đặt ra một vấn đề là sau khi đã hình thành được khu chế xuất rồi thì phải có một loạt các chương trình phát triển nối tiếp theo nhằm đưa thành phố tiến về biển Đông.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều là tìm được một đề án có hiệu quả chính là tiền đề để quyết định tất cả mọi việc sau đó. Còn nếu không, cho dù anh có giỏi tiếp thị đến đâu đi nữa cũng khó làm nên chuyện. Sau 15 năm hoạt động hiệu quả, đến nay tính ra đồng vốn của Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận đã lên đến trên 400 tỉ đồng. Còn tính về hiệu quả kinh tế-xã hội, kể từ khi hình thành công ty để liên doanh với nước ngoài xây dựng nên Khu chế xuất Tân Thuận, mở rộng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, rồi khu Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước… thì tổng số tiền thu hút đầu tư nước ngoài – đã được cấp phép – vào nơi đây lên đến 1,5 tỉ USD. Điều này cho thấy giá trị vật chất của Công ty không chỉ đơn thuần là đồng vốn mà quan trọng là ở chỗ việc làm của công ty đã biến vùng đất này trước đây vốn nghèo nàn xơ xác trở thành một khu vực đầu tư lớn lao và hiệu quả.
____
Được biết thành phố vừa bổ nhiệm người thay anh làm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, như vậy công việc hiện nay của anh là gì?
– Đầu năm 2004, tôi được quyết định của UBND TP.HCM cho phép trở lại trường Đại học Harvard (Mỹ) tiếp tục theo học và nghiên cứu kinh tế đến cuối năm theo Chương trình giáo dục quốc tế Fulbright. Tháng 5-2004, do yêu cầu của Chương trình Fulbright tôi trở về nước để tham gia giảng dạy môn học “Tiếp thị địa phương” (Marketing place) tại trường Đại học Kinh tế TP.HCM, niên khóa 2003-2004. Đây là chương trình hợp tác giữa trường Đại học Harvard và Đại học Kinh tế TP.HCM.
____
Tiếp thị địa phương là một khái niệm khá mới trong kinh tế và nói cách nào đó thì anh có may mắn là một trong những người tiếp cận đầu tiên. Anh học được điều gì ở môn này?
Đây là một môn học sáng tạo của Chương trình Fulbright dành riêng cho Việt Nam, do đặc điểm nền kinh tế nước ta chuyển tiếp từ nền kinh tế bao cấp tập trung sang nền kinh tế thị trường. Theo các chuyên gia ở Harvard nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, một số địa phương của chúng ta tuy cơ sở hạ tầng khá tốt nhưng không thu hút được đầu tư trong cũng như ngoài nước, đó là do những nơi ấy không có một chương trình marketing thích hợp để quảng bá cho địa phương mình. Chính vì vậy họ đã xây dựng nên môn học Tiếp thị địa phương nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho các học viên Việt Nam để khi trở về nước có thể giúp ích cho địa phương mình trong yêu cầu thu hút đầu tư.
Môn học này đòi hỏi một kiến thức kinh tế tổng quát sâu sắc, phải am tường địa phương mà mình có nhiệm vụ làm tiếp thị hầu có thể đề ra một chiến lược phát triển phù hợp, đồng thời biết cách giới thiệu với khách hàng một cách hiệu quả nhất.
Mặt khác, khi các chuyên gia kinh tế của Harvard đến tham quan Khu chế xuất Tân Thuận và các đề án khu đô thị mới Nam Sài Gòn tại vùng Nhà Bè, họ cho rằng kinh nghiệm thành công của vùng Nhà Bè chính là bài học cụ thể cho nội dung môn học Tiếp thị địa phương, chính vì thế mà họ mời tôi đảm nhận việc giảng dạy môn học này.
Sau gần 30 năm công tác trong lĩnh vực kinh tế do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, tôi có dự định sẽ trở về với ngành giáo dục vốn là sở nguyện của mình xưa nay.
____
Cuối năm nay khi hoàn tất chương trình nghiên cứu tại Mỹ, trở về nước chắc anh cũng đã dự kiến nhiều việc sẽ làm?
Sau gần 30 năm công tác trong lĩnh vực kinh tế do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy, tôi có dự định sẽ trở về với ngành giáo dục vốn là sở nguyện của mình xưa nay. Nhưng để làm tốt công việc giảng dạy thì việc trước tiên tôi phải dành thời gian để tổng kết lại kinh nghiệm hoạt động kinh tế những năm qua để làm tư liệu bổ sung cho giáo trình. Ngoài ra, tôi dự kiến bỏ ra vài năm để nghiên cứu toàn bộ các tỉnh thành khắp cả nước với nội dung cụ thể từng vùng như: địa lý tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên), địa lý nhân văn (tiềm năng lịch sử, con người), hiện trạng kinh tế-xã hội, từ đó mà thử phác họa một hướng phát triển kinh tế cho từng địa phương. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích trong việc làm cơ sở cho công tác tiếp thị của các tỉnh thành.
Giờ đây nhìn lại 15 năm gắn bó với vùng đất thân thuộc và nghèo khó Nhà Bè, hẳn anh cũng cảm thấy vui khi chiều chiều vào giờ tan tầm ngắm nhìn hàng chục ngàn công nhân rời Khu chế xuất Tân Thuận tỏa ra khắp các nẻo đường như dòng nước của con sông Nhà Bè. Có thể nói anh đã khép lại một đoạn đời gắn bó với một nơi mình đã đặt niềm tin và quyết tâm làm được những gì đặt ra từ đầu. Và có lẽ lòng anh cũng không khỏi bâng khuâng khi nghĩ đến quê hương Trần Văn Thời của mình ở miệt Cà Mau đã không có được cơ may như vùng đất này.