Đọc nhiều sách, quan tâm đến nghệ thuật, hướng tới sự cân bằng, và đừng lo ngại về những điều khác biệt… chính là những bài học cuộc sống rất thú vị mà nhà thiết kế huyền thoại Gianni Versace để lại cho chúng ta.
Trong hai thập niên kể từ khi ra mắt thương hiệu thời trang mang tên mình năm 1977, Gianni Versace đã thật sự tạo nên một cuộc cách mạng mới. Ông tạo ra một cái nhìn mới mẻ về thời trang cao cấp; với loạt họa tiết được lấy từ nền văn hóa đại chúng và tác phẩm nghệ thuật. Mỗi bộ sưu tập mà ông cho ra mắt đều rất đáng khát khao; khi được thể hiện cùng nội hàm khiêu khích; trên thân mình loạt siêu mẫu đình đám; để tạo nên một đường hướng mới hoạt động cho các nhà thiết kế.
Dù Gianni đã qua đời sau vụ án thảm khốc cách đây 20 năm, nhưng di sản mà ông đã để lại vẫn vô cùng mạnh mẽ và trường tồn hơn bao giờ hết. Bên cạnh việc loạt phim American Crime Story: The Assassination of Gianni Versace đang được phát sóng trên kênh truyền hình FX, bản thân nhà thiết kế cũng là chủ đề của sự kiện khai trương Kronprinzenpalais ở Berlin trong thời gian gần đây.
Sau khi tổ chức buổi triển lãm đầu tiên tại Berlin năm 1994, Kronprinzenpalais được xem như buổi triển lãm lớn nhất về tác tác phẩm của Gianni cho đến ngày hôm nay. Cũng nhân sự kiện đó, Bazaar xin điểm lại những bài học cuộc sống đến từ Gianni Versace; như tưởng nhớ một trong những nhân vật tài hoa nhất lịch sử làng thời trang thế giới.
Hiểu giá trị của thương hiệu cá nhân
Đến với Versace, cũng là đến với một thương hiệu luôn in đậm dấu ấn của cá nhân lên từng bản thiết kế. Bên cạnh tên thương hiệu, logo Versace cũng được lấy cảm hứng từ mái đầu vàng Medusa từ thị trấn ven biển Ý Reggio Calabria, nơi từng là thuộc địa của Magna Grecia và là quê nhà của chính ông. Nhận diện thương hiệu ấy được nhìn thấy ở khắp nơi; từ món đồ bằng vàng trang trí trên đường băng hay mẫu đồ lót siêu ôm của nam giới; cho đến cả những tấm lát sàn trong bể bơi của Gianni ở ngôi nhà Miami.
Không bao giờ e ngại điều khác biệt
Versace luôn nổi tiếng là một trong những sàn diễn nổi trội và rực rỡ bậc nhất. Từ những họa tiết phủ kín chân, cho đến những món đồ ôm trọn sát thân hình người mẫu; Gianni Versace là một trong những nhà thiết kế đầu tiên đưa sự ham muốn, gợi dục và gợi cảm lên hàng đầu trong những bản thiết kế, để tạo nên những món đồ rất được giới thời trang ưa chuộng. Một trường hợp điển hình trong số mẫu thiết kế của ông chính là chiếc đầm đen cut-out có khóa vàng mà Liz Hurley diện đến buổi ra mắt Four Weddings and a Funeral năm 1994. Vẻ đẹp của chiếc đầm kinh điển đến mức nó còn có cả trang Wikipedia của riêng mình.
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật và văn hóa đại chúng
Bộ sưu tập của Gianni hầu hết là các tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ XX; trong đó có cả bộ được bán bởi Sotheby với giá 10 triệu bảng Anh năm 2009. Qua những bộ sưu tập như thế, Versace đã tỏ lòng tôn kính đến các nghệ sĩ trong phong trào nghệ thuật đại chúng – như Roy Lichtenstein và Andy Warhol. Bộ sưu tập Pop SS91 của ông đã tái hiện lại bức ảnh chụp của Irving Penn; hay họa tiết của Warhol về Marilyn Monroe và James Dean; để cuối cùng làm chúng sống lại trên các lớp trang phục và còn tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay.
Là chính mình
Vào đầu những năm 90, những người cùng thời với Gianni, như nhà thiết kế Martin Margiela, Calvin Klein, Jil Sander và Ann Demeulemeester, rất ưa chuộng các phom dáng lưỡng tính, đường cắt gãy gọn cùng vẻ tối giản gợi tình – điều rất khác với những thiết kế rực rỡ đậm chất maximalist trong thiết kế Versace. Song, điều đó không hề làm thay đổi góc nhìn của Gianni về thời trang, để rồi tạo nên thành công vang dội cho nhà mốt suốt thời kỳ mà ông lên điều hành. Bài học ở đây là gì? Hãy là chính mình.
Thiết lập mạng lưới
Mạng lưới những gương mặt hạng A của Versace cũng rộng lớn như chính danh mục thiết kế của ông vậy. Được sự bảo chứng của Anna Wintour để xác thực sức nặng của hàng ghế đầu show diễn, không khó để tìm ra những cái tên như Elton John, Madonna và Sting số đó. Nhưng phải đến mùa Thu-Đông 1991, show diễn Versace mới chính thức được mệnh danh “Super”. Khi Cindy Crawford, Naomi Campbell, Claudia Schiffer, Helena Christensen và Carla Bruni bước ra, tay trong tay, cùng cất miệng hát theo ca khúc Freedom của George Michael; Versace đặt thiết kế của mình vào tâm chấn của nền văn hóa pop. Và vì thế, hãy thiết lập mạng lưới của riêng bạn nếu muốn thực sự tạo nên một điều gì đáng kể.
Điều quan trọng nhất là tạo sự cân bằng (và đọc sách)
“Để đọc Proust tôi có căn nhà trên hồ Como. Ở đây, Miami, tôi không muốn sống trong một tu viện nào cả. Tôi muốn có nơi để đọc cuốn Truman Capote”. Đây là đoạn trích bài phỏng vấn rất nổi tiếng của Gianni với tờ tạp chí Time, như một lời phác họa lại lối sống đa dạng và sự trân trọng ông dành cho văn hóa – từ đại chúng đến tri thức tầm cao. Không ngạc nhiên khi cả hai yếu tố đó đều liên kết chặt chẽ với thiết kế của ông. Và càng không có gì ngạc nhiên, khi ông thuê cả một người quản thư toàn thời gian để quản lý năm thư viện trải dài khắp bốn căn hộ từ Milan, New York, Miami cho đến Italy.
– Theo Harper’s Bazaar