Lý Lập Ông, một triết gia Trung Quốc thế kỷ thứ XVI đã viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể, hết thảy đều cần thiết… chỉ có hai cái không cần thiết mà Trời phú cho ta là cái miệng và cái bao tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa đến nay.
Có cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải đặt ra hình pháp…” (Sống đẹp, Lâm Ngữ Đường – bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Còn Lâm Ngữ Đường cũng cho rằng cái bao tử – mà ông gọi là cái bao không đáy đó – ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại: các hội nghị quốc tế dù căng thẳng đến đâu, tới giờ cũng phải dừng lại để ăn… Rồi ông còn ao ước giá mà con người có được cái diều như diều chim, có được cái dạ dày như dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành…
- Xem thêm: “Người quân tử ăn chẳng cầu no…”
Ông nói: “Gà trống cũng thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ…”. Nghĩ tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là bao tử hay dạ dày đó của chúng ta! Nó là một bộ phận quan trọng của bộ tiêu hóa, đảm nhận việc “nạp năng lượng” để ta duy trì sự tồn tại và hoạt động suốt cả cuộc đời!
Cái bao không đáy đó thực ra đã phải làm việc vất vả suốt ngày đêm để cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng tạo ra năng lượng cần thiết cho cuộc sống. Nó làm việc hùng hục mà âm thầm. Khi nó lên tiếng “cằn nhằn” thì đã có chuyện rắc rối! Phải bác sĩ, phải siêu âm, nội soi, sinh thiết… và uống một đống thuốc đủ loại có khi hằng chục năm trời không hết vì bệnh thường tái phát!
Chuyện kể một bác sĩ già điều trị cho một ông nhà giàu bị đau bao tử cả chục năm không khỏi, một lần nọ, bác sĩ đi công cán ở nước ngoài thì ở nhà người bác sĩ con tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân, chỉ có mấy ngày đã khỏi. Bác sĩ con chê bác sĩ cha chữa bệnh dở quá, ông cười rằng con có biết lâu nay con được học hành thành đạt là nhờ ai đó không? Dĩ nhiên đó là một chuyện cười ngành Y.
Tuy âm thầm làm việc, có vẻ như ngoài ý thức của con người nhưng hệ tiêu hóa chịu ảnh hưởng trực tiếp của thần kinh. Khi lo lắng, giận dữ, buồn phiền, ta ăn không tiêu, “nuốt không trôi”! Người ta cho một con thỏ ăn rồi theo dõi sự tiêu hóa của nó.
Mọi sự đang diễn tiến ngon lành thì thả vào một con chó. Thỏ sợ hãi, co rúm người lại, dịch vị tắt ngấm. Bao tử tê liệt. Thức ăn đóng cục. Nhiều giờ sau khi đã đưa con chó đi chỗ khác, sự tiêu hóa mới bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng thức ăn đã hỏng, đã thành độc chất! Ta hiểu vì sao mà nhiều bữa ăn của chúng ta bây giờ cũng biến thành độc chất như thế, khiến ta bị sình bụng, lình bình, tiêu chảy hoặc táo bón.
“Vệ sinh an toàn thực phẩm” có lẽ là vệ sinh… tâm thần, an toàn… tâm thần trước hết. Thường thì ta ít khi thương hại cái “bao không đáy” của mình. Sẵn sàng nhồi nhét vào đó càng nhiều càng tốt. Sẵn sàng đổ vào đó hàng lít rượu đế, vài chai whisky, vài két bia và… các thứ lỉnh kỉnh khác. Đôi khi bao tử chịu không nổi nôn thốc tháo ra nhưng cũng có khi người ta chủ động tự móc họng để mửa ra cho hết, để làm trống bao tử trước khi làm một chầu khác hoặc kéo đến một quán khác để tỏ rõ “bản lãnh của đàn ông” thời hiện đại.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy ở châu Á có sự thay đổi rõ rệt trong lối sống, trong cách ăn uống nên ngày càng gặp nhiều những vấn đề y tế khó khăn như bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch, xương khớp… Trong khi ở Âu – Mỹ phong trào “slow food” phát triển mạnh mẽ thì ở phương Đông, các nước Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… người ta đổ xô vào các cửa hàng “fast food”!
Slow food không phải là thức ăn… chậm tiêu mà là một triết lý sống, phản ứng lại nếp sống tốc độ làm cho con người biến thành cái máy sản xuất và tiêu thụ. Ăn không còn là một sảng khoái, một hạnh phúc của con người nữa! Người ta không ăn vì đói, vì ngon, vì vui mà vì để giao tiếp, để làm việc, để tranh luận, thương thảo. Ăn mà không biết mình đang ăn. Thực bất tri kỳ vị. Như Trư Bát Giới “xực” một lúc cả quả nhân sâm mà không biết mùi vị ra sao!
- Xem thêm: “Đói ăn rau…
Tản Đà nói: “Đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn không ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon; đồ ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon, người ngồi ăn không ngon, không ngon…”. Cho nên cái “sự ngon” không phải là ăn cái gì mà còn là ăn cách nào và… ăn với ai. Bạn tôi, một người “bận rộn” nói rằng cái thời còn lang thang ở Đà Lạt, ngấu nghiến một trái bắp nướng, nhâm nhi một hột mít lùi tro bên bờ hồ Xuân Hương buốt lạnh, hay cái thời vất vả tìm việc trên đường Duy Tân cây dài bóng mát “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” là những ngày hạnh phúc nhất của anh.
Cái vị ngọt bùi, ấm áp của miếng khoai lang, của hột mít lùi… nó thấm vào tận tâm hồn chớ không chỉ trên đầu lưỡi. Khi đã là người “bận rộn” thứ thiệt, tiền của không thiếu, anh vẫn thấy thiếu một thứ gì đó. Ăn mà không biết mình ăn. Uống một thứ mà mình không thích. Cười đùa. Nói năng. Nhai nuốt. Như cái máy. Ồn ào, rôm rả mà đầy những toan tính, lo âu.
Còn ở trong gia đình thì các bữa ăn được dọn ra bằng những nỗi đợi chờ, những lời trách móc, hoài nghi… Và thức ăn cũng đông lại thành những độc tố. Anh thèm một củ khoai nướng, một hột mít lùi tro… sướng khoái cũng không còn dễ nữa vậy!
Hẹn thư sau. Thân mến.