Triển lãm Làn sóng mới – Nghệ thuật hiện đại Việt Nam tại Hong Kong sẽ trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ đến từ “làn sóng thứ hai” của mỹ thuật Việt.
Từ nay đến hết ngày 24-1-2020, Bonhams sẽ có buổi triển lãm “Làn sóng mới – Nghệ thuật hiện đại Việt Nam” tại Hong Kong. Đây là buổi triển lãm đầu tiên ở châu Á về thế hệ thứ hai của họa sĩ Việt Nam hiện đại. Sẽ có hơn 25 tác phẩm của 10 nghệ sĩ nổi bật nhất được trưng bày.
Một thế hệ họa sĩ “mới”
Thế hệ của Lê Phổ (1907-2001) và Mai Trung Thứ (1906-1980) đã sống và làm viêc trong thời kỳ tương đối bình lặng. Ngược lại, những họa sĩ được nhắc đến trong buổi triển lãm lại chứng kiến những thay đổi sâu sắc của xã hội và con người Việt Nam trong suốt nửa sau của thế kỷ 20. Điều này được phản ánh sâu sắc trong các tác phẩm của họ.
Những người nghệ sĩ này đã sống qua thời chiến và thời bình. Từ giữa năm 1950-1970 cũng như thời kỳ Đổi mới với hàng loạt cải cách mở cửa đất nước. Trong ba thập niên đó, hoàn cảnh sống cũng như định hướng nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ này có những chuyển biến sâu sắc. Cái tôi cá nhân và xúc cảm được thể hiện chân thực và đa dạng trong các tác phẩm. Buổi triển lãm là cơ hội để công chúng hiểu hơn về mối liên hệ giữa đời sống và sáng tác nghệ thuật.
Khi công chúng đến gần hơn với nghệ thuật của thế hệ thứ hai
Wang Zineng, Giám đốc của Viện nghệ thuật hiện đại và đương đại châu Á cho biết: “Qua triển lãm này, chúng tôi muốn ghi nhận sự rộng lớn và sâu sắc của nghệ thuật Việt Nam. Thị trường nghệ thuật hiện tại vẫn tập trung vào một số nghệ sĩ Pháp – Việt thế hệ đầu như Lê Phổ và Mai Trung Thứ. Nhưng chúng tôi muốn đem nghệ thuật của các thế hệ nghệ sĩ sau đến gần hơn với công chúng. Những tác phẩm và sự nghiệp của họ phản ánh thực tế cuộc sống ở Việt Nam trong nửa sau của thế kỷ 20.
Những nghệ sĩ của buổi triển lãm gồm có: Hoàng Tích Chù (1912-2003), Nguyễn Văn Bình (1917-2004), Nguyễn Tư Nghiêm (1919-2016), Bùi Xuân Phái (1920-1988), Nguyễn Sáng (1923-1988), Trần Lưu Hậu (sn 1928), Nguyễn Trung (sn 1940) và Nguyễn Phước (sn 1943).
Những nghệ sĩ nổi bật của triển lãm
Nguyễn Trung (1940)
Nguyễn Trung là gương mặt đại diện của thế hệ thứ hai của nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Ông sáng tác theo hai phong cách khác nhau: hội họa tượng hình và hội họa trừu tượng tượng trưng. Những bức tranh tượng trưng của ông, ví dụ như Gia đình ngư dân được săn đón rất nhiều ở châu Á. Các bức tranh trừu tượng của ông thường kết hợp tinh thần chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng với các biểu tượng và yếu tố được rút ra từ Phật giáo. Đây chính là điểm thu hút sự chú ý của thị trường.
Bùi Xuân Phái (1920-1988)
Bùi Xuân Phái có lẽ là nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng quốc tế thuộc thế hệ thứ hai. Ông cũng là một trong những sinh viên tốt nghiệp cuối cùng của Đại học Mỹ thuật Đông Dương, cùng với Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm. Chúc mừng năm mới bộc lộ niềm hy vọng mới và sức sống của nghệ thuật Việt Nam những năm 1980. Đó là thời điểm nền kinh tế mới được tự do hóa và mở cửa. Điều này lẽ dĩ nhiên mang đến tinh thần phấn khích và hồi sinh trong thế giới nghệ thuật. Trong bối cảnh đó, các tác phẩm của Bùi Xuân Phái cũng được chấp nhận hơn.
Hoàng Tích Chù (1912-2003)
Lão làng nhất trong số các họa sĩ Việt Nam thế hệ thứ hai phải kể đến Hoàng Tích Chù. Các tác phẩm của ông nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây. Họa sĩ đã sống qua thời kỳ hỗn loạn của Thế chiến II và các cuộc đấu tranh giành độc lập trong những thập niên sau đó. Đóng góp quý giá nhất cho nghệ thuật Việt Nam nằm trong những bức tranh lịch sử của ông. Ông cũng là một người ủng hộ thể loại tranh sơn mài. Tác phẩm Bắt giữ tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ là sự phản ánh chiến thắng của Việt Nam trong thời kỳ hỗn loạn. Đây cũng là một trong những bức tranh sơn mài đẹp nhất của họa sĩ.
_______
Làn sóng mới – Nghệ thuật hiện đại Việt Nam
Bonhams Hong Kong Gallery
20F, One Pacific Place, 88 Queensway, Hong Kong
Từ nay đến hết 24-1-2020
Chuyên gia: Wang Zineng, Giám đốc của Viện nghệ thuật hiện đại và đương đại châu Á của Bonhams
https://www.bonhams.com
_______