Đó là một câu chuyện dài, từ nguồn gốc của cây vani cho đến cách thụ phấn, thu hoạch, cũng như “lời nguyền” nghiệt ngã đối với những người nông dân nghèo kiếm sống bằng nghề canh tác cây vani ở đảo Madagascar.
Gần đây, công ty Penzey’s Spices ở Wisconsin đã gửi các email được trang trí với bộ mặt biểu tượng emoji tiu nghỉu. Tự nhiên giá mỗi ounce (1 ounce = 28,35g) vani tăng lên vài đô la. Nhà sáng lập Bill Penzey đã viết một lời giải thích ngắn gọn: Madagascar, nơi sản xuất 80% vani cho thế giới, đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Một trận bão hoàn hảo gồm hạn hán và hai cơn lốc xoáy đã đánh mạnh vào các nhà nông trồng vani. Những hậu quả liên tiếp đã phá vỡ tất cả mọi thứ, từ các chuỗi cung ứng cho hàng loạt các công ty đa quốc gia lớn cho đến hương vị vani ảo.
Nguồn gốc của vani
Nhưng làm thế nào mà một hòn đảo có thể thống trị ngành công nghiệp vani? Và tại sao hiện nay một ký “vani nguyên chất” có giá trị hơn một ký bạc? Xét cho cùng, thậm chí nguồn gốc của vani không phải từ Madagascar. Nguồn gốc chính của vani (vannila xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha: vaina, có nghĩa là “trái đậu dài”) là hoa lan Vanilla planiflolia. Được trồng từ lâu ở Mexico, hương liệu từ những trái đậu dài của nó đã được sử dụng trong các nghi lễ và trong thức uống truyền thống của người Aztec. Khi những kẻ xâm lược người Tây Ban Nha phá hủy đế chế Aztec vào thế kỷ 16, họ đã gửi bạc, chocolat và vani Mexico trở lại châu Âu. Vani, với hương vị tinh tế của nó, đã nhanh chóng trở thành một món ưa thích, đặc biệt khi bổ sung cho chocolate và kem. Nhưng khi người châu Âu cố gắng trồng nó trong các vườn thực vật và tại các thuộc địa của họ, quả đậu dài đã không phát triển. Tác nhân thụ phấn chính của vanilla là ở Mexico: loài ong Melipona.
Không có thụ phấn, việc sản xuất vani chủ yếu được giới hạn ở Mexico. Ngoài ra, các khu vực khác không thể trồng được cây vani có giá trị, và cây vani được chuyên chở bằng đường thủy để tìm những nơi có khí hậu thích hợp trên khắp thế giới. Năm 1841, một nhà sáng tạo trẻ đã tìm ra một giải pháp ngoài mong đợi. Edmond Albius là một nô lệ 12 tuổi tại đảo Réunion do Pháp kiểm soát thuộc Ấn Độ Dương. Bằng cách dùng một cái que và ngón tay cái của cậu, Albius đã đẩy các bao phấn đực và nhụy cái của hoa vanilla vào với nhau, quá trình thụ phấn đã diễn ra hiệu quả. Chuyện sản xuất vani hàng loạt đột nhiên trở thành hiện thực, nhất là là ở các vùng khí hậu nóng ẩm. Hòn đảo nhỏ Réunion trở nên thịnh vượng, nhưng cách đó vài trăm dặm về phía đông, cũng có một hòn đảo khác lớn hơn nhiều, đó là đảo Madagascar.
Lý do khiến Madagascar vẫn đứng đầu cuộc chơi vani rất nghiệt ngã: theo tờ The Financial Times, đây là một trong số ít những khu vực có khí hậu phù hợp và cũng khá nghèo để thích hợp với công việc lao động thụ phấn bằng tay. Trong khi các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ, đã thử sản xuất vani số lượng nhiều, những dao động lớn về giá cả quốc tế đã khiến cho mùa màng của họ gặp nguy cơ đe dọa trên diện rộng. Vì thế, nhiều nông dân đã chọn gắn bó với những cây trồng khác. Sự tập trung của sản xuất vani làm cho ngành công nghiệp và giá cả thậm chí còn bất ổn hơn. Gần đây, những biến cố ở Madagascar đã khiến cho một số những cửa hàng bán kem bị thua lỗ tính trên từng muỗng vani.
Từ lâu vani đã là một trong những gia vị đắt nhất thế giới. Vani nhân tạo đã có nhan nhản qua các thế kỷ, chúng được chế biến với đủ thứ, từ các tuyến xương chậu của con hải ly cho đến những sản phẩm từ dầu mỏ. Nhưng với nhu cầu về hương vị tự nhiên đang bùng phát, giá thành cao đã dẫn đến nạn trộm cắp vani ở khắp mọi nơi tại Madagascar cho đến các hãng gia vị ở Michigan.
Trộm cắp vani và cách chống trộm
Vào một buổi chiều thứ bảy gần đây tại làng Sahabevava, trên bờ biển phía Đông Madagascar, một nông dân trồng vani tên Lydia Soa, 46 tuổi, đã trang bị một công cụ chống trộm: một cái chày bằng gỗ trên đó đóng hàng loạt những chiếc đinh thép nhỏ. Cô mới vừa đi qua những cây nho của đồn điền nhỏ của mình, dán lên hàng ngàn trái vani xanh với mã số sản xuất MK021 độc nhất của riêng cô. Trên lý thuyết, kẻ trộm vẫn có thể ăn cắp cây trồng của cô, nhưng những trái vani có dán nhãn sẽ tiết lộ sự xảo trá của chúng ở khu chợ địa phương. “Bây giờ tôi có thể ngủ vào ban đêm, và khi tôi thức dậy, vani của tôi vẫn còn ở đó”, cô nói, với nụ cười nhẹ nhõm.
Ngày nay, trộm cắp vani đang là một thương vụ đen béo bở ở Madagascar. Hậu quả của nó có thể thấy rõ tại cửa hàng bán món tráng miệng ưa thích của nhiều người trong mùa hè này. Sự thay đổi thời tiết, tội phạm và nạn đầu cơ đã làm cho giá của hương liệu này tăng vọt từ 20 USD một ký cách đây 5 năm lên tới 515 USD một ký vào tháng 6.2018. Những hãng sản xuất kem đang phải đối mặt với sự lựa chọn kinh khủng về việc tăng giá, lấy món kem vani ra khỏi các kệ, hoặc thậm chí thay thế vani thật bằng một phiên bản nhân tạo có nguồn gốc từ các sản phẩm dầu mỏ.
Một chương trình sáng tạo mới, do một số người mua vani lớn nhất thế giới, đang giải quyết vấn đề bằng cách làm giảm trộm cắp, giáo dục các nông dân, đồng thời làm cho các cây trồng trở nên dẻo dai hơn trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Mục đích nhằm ổn định giá vani để nông dân tiếp tục trồng trọt, và các công ty sẽ tiếp tục mua.
Vani đáng lẽ đã không còn từ lâu rồi. Bây giờ người ta đã trồng trọt từ một nơi xa so với quê hương Mexico của nó cũng như những con ong phụ trách việc thụ phấn cho nó, những cây hoa lan vani được thụ phấn bằng tay trong một quá trình tốn nhiều thời gian, những bông hoa nhỏ màu trắng chỉ nở mỗi năm một lần, chỉ trong vòng một ngày. Sau đó, phải mất 9 tháng nữa để cho những trái chín, sau đó phải được xử lý thêm vài tuần nữa bằng tắm hơi nước, ánh nắng xen kẽ với bóng râm trước khi có thể hợp nhất thành món kem vani lạnh ưa thích của người ăn kem.
Vani vốn vẫn được ưa chuộng. Không có nó, các bánh ngọt sẽ mất đi hương vị sinh động, món chocolate sữa và crème brưlée hết thơm ngon, ảnh hưởng đến vị ngọt độc đáo của món Calvin Klein’s Obsession. Và không có vani, khoảng 80.000 nhà nông ở Madagascar, nơi cung cấp 80% sản lượng vani cho cả thế giới, sẽ bị mất đi sinh kế của họ.
Thu hoạch vani xanh và cuộc sinh kế khắc nghiệt
Trong một cảnh báo rõ ràng về biến đổi khí hậu đang diễn tiến, hai trận lốc xoáy nhiệt đới đã phá hủy phần lớn mùa màng của Madagascar, khiến cho giá vani lên tới trên 600 USD một ký. Nhưng giá thành cao hơn không nhất thiết mang lại lợi ích cho những gia đình nông dân mà tương lai của họ vốn lệ thuộc vào loại trái cây không ổn định này. Với một đô la tính trên mỗi hạt tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, các nông dân đã phải đối phó với những tên trộm vani, bọn chúng cướp đi những trái vani chưa chín tới từ những dàn cây vì biết rằng chúng vẫn bán được giá cao cho dù trái chưa chín. Để chống trộm, các nông dân đã thu hoạch vụ mùa của họ sớm hơn, từ đó khiến cho thị trường tràn ngập những trái vani chất lượng thấp, bị thiếu hẳn hương vị đậm đà chỉ có được khi người ta thu hoạch vani vào giữa tháng bảy.
Kết quả dẫn đến chất lượng giảm và giá bán cũng giảm theo. Các nông dân hủy bỏ những cây leo của họ trong tâm trạng thất vọng, kế đến sự khan hiếm đã đẩy giá vani lên một lần nữa, tạo nên một chu kỳ luẩn quẩn của sự bùng phát và phá sản vani.
Theo ông Gilbert Ghostine, giám đốc điều hành công ty Firmenich, một hãng hương liệu và mùi vị của Thụy Sĩ, đã mua khoảng 300 tấn vani mỗi năm, hơn 1/10 lượng cung cấp trên toàn cầu, nói rằng theo thuật ngữ chi phí, vani là một loại gia vị dễ “bay hơi” nhất trên hành tinh. Những biến động đó khiến cho tương lai của vani gặp rủi ro. “Khi giá vani ở mức 20 USD, có rất nhiều nông dân nói rằng tôi không thể kiếm tiền bằng nghề này, tôi bỏ đi thôi. Nhưng khi giá của nó vượt quá 600 USD/kg, sẽ có nhiều công ty nói rằng tôi không muốn dùng vani tự nhiên nữa vì tôi không thể kiếm ra tiền”.
Lần cuối cùng, giá vani đã tăng vọt, tới 400 USD một kg vào năm 2003, gần 30% người mua quay sang dùng các vani nhân tạo và hương vị ảo, Dominique Roques, phó chủ tịch của Firmenich về hương vị tự nhiên tiết lộ. Cuối cùng, thị trường vani thực sự đã phục hồi, nhưng nhưng những biến động liên tục khiến các công ty thực phẩm cảnh giác. Việc thay đổi công thức chế biến không dễ, và việc thay đổi các nhãn hiệu là vấn đề tốn kém.
Những dây vani mới phải mất 3 năm mới chín tới. Trong thời gian đó, cô Soa đang nghĩ cách trừng trị bất cứ kẻ nào đang mưu toan ăn cắp cây trồng của mình. Vào thời điểm hiện tại, những tên trộm vani phải đối mặt với 3-4 năm tù giam. Nhưng theo suy nghĩ của cô thì mức phạt đó chưa đủ. Cô muốn chúng phải lãnh bản án tù chung thân. “Chúng tôi đầu tư suốt cả đời để trồng cây vani. Vì vậy ăn cắp nó có khác gì giết người”.