Vào các ngày từ 26 đến 31-8, hội nghị thượng đỉnh của Phong trào các nước không liên kết (NAM) sẽ diễn ra tại Teheran dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Iran. Chính vị thế tế nhị của Iran trong tình hình quốc tế hiện nay, khi nước này đang chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã dẫn đến nhiều quan điểm và nhận định trái chiều trên chính trường thế giới. Người ta dự đoán các nước phương Tây sẽ có những phản ứng tiêu cực trước sự kiện này, như họ từng làm vậy trước hội nghị thượng đỉnh NAM do Cuba chủ trì vào năm 1979. Israel là một trong những quốc gia đi đầu không chỉ trong lập trường riêng rẽ của họ mà còn đi xa hơn qua việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu kêu gọi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon không tham dự vì Iran là “một chế độ tiêu biểu cho nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình thế giới”. Trong khi đó, nguyên đại sứ Sri Lanka tại LHQ Ernest Corea lại cho rằng nếu tham dự hội nghị Teheran sắp tới, ông Ban Ki-moon sẽ là cầu nối giữa LHQ và 120 thành viên của NAM. Ông Ban có thể tiến hành các cuộc thảo luận song phương với phía Iran về những vấn đề trong khuôn khổ quy định của Hội đồng Bảo an LHQ.
Hội nghị khoa học quốc tế đầu tiên của NAM tại Teheran tháng 7-2012
Trong lĩnh vực truyền thông, nhận định của tờ Washington Post (Mỹ) thu hút được sự quan tâm khi cho rằng “hội nghị sẽ là một festival chống lại Mỹ, Hội đồng Bảo an LHQ và Israel” và ông Ban có thể thuyết phục Iran chấm dứt việc chạy theo vũ khí hạt nhân, vì ông có đủ tư cách hơn ai hết để thực hiện một nỗ lực cuối cùng về mặt ngoại giao đối với Iran. Chakravarthi Raghavan, một nhà báo kỳ cựu từng theo sát hoạt động của LHQ tại New York và Geneva trong mấy mươi năm qua, cho rằng NAM là một tập hợp chính trị đại diện cho nhiều quốc gia trong đó phần lớn là thành viên của LHQ, do đó bất kể quan điểm chính trị của nước chủ nhà, sẽ là một sự điên rồ nếu người đứng đầu Ban Thư ký LHQ không đến Teheran để bày tỏ quan điểm chính thức của LHQ. Ngược với quan điểm của Raghavan, “Liên minh chống phỉ báng” (Anti-Defamation League – ADL), một tổ chức thân Israel đề nghị Tổng Thư ký LHQ không đến Teheran. Trong bức thư gửi đến ông Ban Ki-moon, ADL cho rằng chuyến đi của ông, nếu diễn ra, “sẽ cản trở các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm buộc Iran phải phục tùng những quy định của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và từ bỏ tham vọng (chế tạo) vũ khí hạt nhân của họ”.
Về phía ông Ban Ki-moon vẫn chưa có câu trả lời có dự hội nghị này hay không. Các nhà bình luận cho rằng đây là một trong những tình huống tế nhị nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Ban Ki-moon.
Phong trào các nước không liên kết hiện có 120 nước và lãnh thổ thành viên (trong đó có Việt Nam) cùng 20 nước giữ cương vị quan sát viên.
Lê Nguyễn tổng hợp