Bước thứ nhất, khi mới ra trường được nhận vào làm việc trong một cơ quan công quyền, có lần người ta gửi cho anh một phong bì sau khi nhờ giải quyết xong một thủ tục khá rắc rối, anh từ chối phắt mà còn nói làm như vậy là xúc phạm anh. Đúng là một công chức mẫu mực.
Một khu đất dự án còn bỏ hoang
Bước thứ hai, anh cũng gặp trường hợp tương tự, anh cũng lại từ chối sau một phút suy nghĩ.
Bước thứ ba, lần này thì cũng suy nghĩ vài giây rồi anh nhận phong bì. Anh yên tâm rằng mình giải quyết công chuyện tốt đẹp cho người ta thì có nhận chút tiền “biết ơn” có sao đâu.
Bước thứ tư, lần này thì anh nhận phong bì nhưng không cần suy nghĩ và cảm thấy yên lòng vì mình chẳng gây phiền hà gì mà cũng chẳng đòi hỏi ai.
Bước thứ năm, cách đó không lâu, ai đến nhờ anh giải quyết công việc mà không mang theo gì cả là anh cảm thấy khó chịu ra mặt.
Chắc chúng ta dễ hình dung anh cán bộ nhà nước này đi thêm khoảng chục bước và sống nhiều năm trong cơ chế xin cho sẽ trở thành con người như thế nào.
Đó là “cung cầu hối lộ” của buổi bình minh đổi mới. Còn bây giờ thì sao?
Giữa tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo nghiên cứu thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp mà kết quả không hề gây bất ngờ cho giới làm ăn lẫn quần chúng. Dựa trên cuộc khảo sát 270 doanh nghiệp, bảy cuộc thảo luận nhóm và 12 cuộc phỏng vấn sâu tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Cần Thơ, nội dung cuộc khảo sát tập trung vào thực trạng tham nhũng trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan công quyền và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều thừa nhận, họ vừa là tác nhân vừa là nạn nhân gây ra tham nhũng.
Những số liệu sau đây là một dẫn chứng đầy thuyết phục: có đến 67% ý kiến doanh nghiệp cho rằng, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Số đông tin rằng, việc gửi quà, phong bì bày tỏ lòng cảm ơn với cán bộ là “thông lệ chung”.
Có tới 40% ý kiến cho biết chi phí không chính thức thường chiếm khoảng 1% trong tổng số chi phí hằng năm của doanh nghiệp; 13% doanh nghiệp cho rằng khoản này chiếm tới hơn 5%.
Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có tới 39,9% doanh nghiệp tin rằng phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất. Hơn 18% cho biết họ được cán bộ giải quyết gợi ý đưa phong bì khi làm các thủ tục trong lĩnh vực này.
Lâu nay chúng ta thường nghe nói đến tình trạng “lại quả” trong việc vay vốn ngân hàng, ngay cả trong một số chương trình của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Sẽ rất khó tiếp cận đồng vốn nếu không có được mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng. Gần 50% doanh nghiệp khẳng định, phải có tiền bồi dưỡng cán bộ tín dụng thì mới được vay vốn.
Còn vay vốn từ các ngân hàng thương mại, muốn được ưu tiên thì bắt buộc phải “lại quả” một khoản phí, nhiều khi phải trả theo tỷ lệ phần trăm, khiến lãi suất trên thực tế tăng cao hơn nhiều so với quy định.
Trong lĩnh vực cung cấp điện, nước cũng có tham nhũng, khi 8,55% doanh nghiệp cho biết ngoài thanh toán theo hóa đơn còn phải trả thêm chi phí không chính thức cho đơn vị cung cấp điện và 4,1% phải trả thêm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp cung cấp nước.
Riêng mảng đấu thầu, gần 42% cho rằng việc gửi quà biếu cho các cán bộ là rất phổ biến.
Việc đưa “phong bì” cho các cán bộ nhà nước, trước hay sau, dù mục đích là cảm ơn hay do “ngả giá” là khá phổ biến và xem như thông lệ được chấp nhận trong kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tham nhũng cũng được nhận diện dưới các quà tặng, cổ phần, cổ phiếu, mời đi du lịch…
Biếu tiền, mời tiệc chiêu đãi, mời đi du lịch, lại quả giá trị hợp đồng… là nhiều hình thức khác nhau mà doanh nghiệp phải sử dụng khi làm việc với cán bộ hay cơ quan quản lý nhà nước. Với tổn phí đầu tư không chính thức này, nhiều doanh nghiệp tự cho mình là nạn nhân của tham nhũng. Tuy nhiên, suy cho cùng thì trong mối quan hệ “cung – cầu” này không có ai là nạn nhân mà cả hai bên “đối tác” đều là thủ phạm, như dân gian vẫn thường ví von tại anh tại ả, tại cả đôi bên.
Năm 2011, Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp hạng ViệtNamđứng thứ 112/183 nước được khảo sát về nạn tham nhũng.
Góp phần giải quyết quốc nạn này, sáng kiến xây dựng tính nhất quán và minh bạch trong quan hệ kinh doanh (ITBI) đang được xem là dự án tiên phong trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, với mục tiêu huy động cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động.
Đây là dự án do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SDforB), thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai với sự tài trợ của Đại sứ quán Thụy Điển, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Tập đoàn Siemens và Công ty Ericsson Việt Nam, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT) thuộc Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI), Diễn đàn Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Quốc tế (IBLF), Baker&McKenzie và đại diện một số cơ quan Chính phủ Việt Nam.
Dự án này dựa trên bối cảnh là mối quan hệ doanh nghiệp – cơ quan công quyền, trong đó doanh nghiệp được coi như bên “cung” (đưa hối lộ) còn cơ quan công quyền như bên “cầu” (bên có điều kiện nhận hối lộ).
Bài toán mà dự án này đưa ra là phải chủ động giảm nguồn cung bằng cách nâng cao năng lực cho doanh nghiệp giúp họ nhận biết được các hành vi làm gia tăng tham nhũng. Khi đã nhận biết thì doanh nghiệp sẽ có thể thay đổi. Từ chỗ đưa hối lộ thì doanh nghiệp sẽ giảm bớt dần việc này, đồng thời cũng sẽ chủ động đưa ra kế hoạch, chương trình hành động, bộ quy tắc ứng xử phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp mình.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc SDforB trong bài trả lời phỏng vấn trên VNEconomy đã cho rằng “phong bì” đã trở thành phản xạ của doanh nghiệp khi đến nơi công quyền. Tình trạng này tồn tại một phần là do năng lực của chính doanh nghiệp còn hạn chế. Họ không nắm vững các quy định về các văn bản pháp quy, không nhận biết được các hành vi tiếp tay cho tham nhũng.
Do đó một trong những vấn đề đi đầu của dự án phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp là tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực, xây dựng và phổ biến những bộ công cụ, tài liệu cho doanh nghiệp.
NGUYỄN NAM