Cuối thập niên 1990, khi Fulton Leroy Washington phải thụ án tù chung thân bởi bị buộc một trọng tội mà ông không phạm, ông bắt đầu vẽ trong nhà tù. Không hề được học vẽ hay từng vẽ vời gì trước đó, nhưng từ những nét nguệch ngoạc và các phác thảo vụng về của buổi đầu đến với hội họa, dần dà “ông Wash” (biệt danh được nhiều người gọi Fulton Leroy Washington) đã vẽ được những bức tranh biểu hình gây ấn tượng mạnh cho những ai được xem. Sau 21 năm thụ án, chính hội họa đã giúp ông Wash ra khỏi song sắt các nhà tù lần lượt ở California, Colorado, Missouri và Kansas.
Có lẽ Washington bẩm sinh đã là một họa sĩ nhưng ông chỉ nhận ra được năng lực hội họa của mình khi trở thành tù nhân. Câu chuyện vẽ tranh trong tù của Fulton Leroy Washington đã trở thành đề tài một bộ phim tài liệu ngắn, với kịch bản của nhà văn Marisa Aveling, đạo diễn là nhà làm phim Sean Mattison và được Công ty sáng tạo WeTransfer tài trợ kinh phí.
Bộ phim đã chạm đến những vấn đề rộng lớn hơn của tình trạng các nhà tù quá tải tại Mỹ và sự hoàn lương, trong khi tập trung vào kinh nghiệm tù ngục của Washington. Những thước phim tài liệu dõi theo ông Wash từ năm 1976, khi ông bắt đầu ngồi tù sau khi bị kết án oan sai về tội dùng hóa chất chế tạo chất gây ảo giác mạnh. Với ba tiền án trước, dù không mang tính chất bạo động, tòa đã tuyên Fulton Leroy Washington mức án cao nhất: tù chung thân.
Tháng 2-2017, nhà văn Marisa Aveling lần đầu tiên tiếp xúc với ông Washington khi đang viết một bài về những tù nhân được Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hưởng khoan hồng. Bà Aveling nói: “Thật đáng buồn, trường hợp ông Wash không đến mức quá đặc biệt (để bị kết án tù chung thân) nhưng điều khiến ông thật sự đặc biệt chính là tài năng nghệ thuật của ông… Nghệ thuật giúp ông ấy thoát khỏi nhà tù (vật chất) và hơn thế nữa, những gì mà nghệ thuật của ông đã đem đến cho các bạn tù của ông mới thật có ý nghĩa”.
Lúc đầu, Washington vẽ những phác họa bằng chì màu, nhưng sau khi một bạn tù được trả lại tự do đã trao cho ông những tuýp sơn dầu thì ông bắt đầu vẽ tranh. Cũng chính những bạn tù là người đầu tiên chú ý đến tài năng hội họa của Washington. Ông đã vẽ trên các tấm bưu thiếp và bì thư để họ gửi về gia đình. Karen Smith, luật sư đầu tiên của Washington cũng nhận ra tài năng của thân chủ mình: bà yêu cầu ông vẽ từ trí nhớ một nhân chứng là người đã khẳng định Washington vô tội. Bản phác họa chân dung thật chính xác, nhờ đó những luật sư bào chữa cho Washington tìm ra thủ phạm thực sự và đã đưa y ra tòa xét xử năm 1997.
Thế nhưng điều đó cũng không giúp cho Washington được trả tự do ngay và ông không vì thế mà buông xuôi: “Từ ngày đó trở đi, tôi tiếp tục vẽ những phác thảo nho nhỏ và cố gắng chia sẻ cho các bạn tù về nghệ thuật hội họa, cũng như hướng dẫn cho người khác vẽ”, ông nói. Ông còn cầu nguyện và nghĩ rằng những gì ông làm đã được Thượng đế vạch ra, đó là: theo đuổi nghệ thuật, hướng dẫn và chia sẻ nó với các bạn tù cùng gia đình họ. Washington còn tin rằng chính nghệ thuật hội họa sẽ đưa ông ra khỏi nhà tù.
Trước khi bị kết án tù Fulton Leroy Washington là thợ hàn, làm việc trong ngành xây dựng, vào tù ông nhận một công việc tại phòng sở thích (hobby room) của nhà tù, vì ở đó ông có thể tập vẽ tranh: họ cho ông một chỗ bên ngoài phòng giam, nơi ông có thể tách khỏi những tù nhân khác để tập trung vẽ, làm đồ gốm hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Ông xin màu và cọ rồi tự học vẽ từ các băng video dạy hội họa.
Cứ mải miết học vẽ và vẽ, đến một lúc thì ông vẽ được các chân dung đẹp đẽ của các bạn tù, vẽ cả những gì được lấy cảm hứng từ chuyện họ vào tù như thế nào. Rồi ông nhận đặt hàng: vẽ chân dung từ ảnh chụp hay từ những gì được mô tả qua lời kể: “Tôi tự hào về khả năng ghi nhận những gì được người khác hình dung ra và đưa nó vào thực tại trong tranh”, ông kể. Washington còn vẽ những bức tranh phức tạp có tính chất kể chuyện dựa trên những tin tức và sự kiện đã, đang diễn ra cũng như từ chính trường hợp tù tội của ông: mỗi khi phải ra tòa, ông lại vẽ một bức tranh minh họa phiên tòa ấy. Khi tài năng phát triển, ông hướng dẫn bạn tù vẽ tranh.
Do phòng sở thích của nhà tù có kích thước hạn hẹp, Washington đã thuyết phục các quản giáo để có được một không gian khác cho lớp dạy vẽ của ông. Bằng kinh nghiệm cá nhân khi học phối màu, học vẽ phong cảnh, vẽ loài vật… từ các băng video, Washington đã chia sẻ với các học viên của ông các kỹ thuật vẽ và cho họ thực hành các bài tập vẽ. Với công việc mới này, ông có được phần lớn thời gian trong ngày tại phòng dạy vẽ, nhờ vậy ông có thể sáng tác từ năm đến sáu giờ mỗi ngày.
Tính ra, trung bình mỗi năm Washington vẽ được khoảng 50-75 tác phẩm, và khi số tranh đạt đến 900 bức thì ông không đếm nữa. Năm 2014, Washington thực hiện tác phẩm có lẽ là đáng tự hào nhất của ông: bức tranh có tên Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ (Emancipation Proclamation(*)). Lấy mẫu từ tác phẩm Lần đầu tiên Tổng thống Abraham Lincoln đọc Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ được họa sĩ Francis Bicknell Carpenter vẽ năm 1864, mô tả cảnh Tổng thống Lincoln chuẩn bị đọc bản tuyên ngôn lịch sử và chung quanh ông là các vị bộ trưởng trong chính phủ Hoa Kỳ thuở đó.
Tuy nhiên Washington đã vẽ bức tranh với nhân vật chính là Tổng thống Barack Obama, chung quanh là các quan chức đương thời như Phó tổng thống Joe Biden, các vị bộ trưởng tư pháp Eric Holder, Loretta Lynch (đều là người da màu). Ông cũng đưa cả vị luật sư James Felman và các thành viên trong gia đình thân yêu của ông vào tranh.
Bức Tuyên ngôn giải phóng nô lệ được Washington vẽ như một lời cầu xin được ra khỏi ngục tù sau hơn hai thập niên thụ án. Khi tranh hoàn tất, những người hỗ trợ pháp lý cho ông đã gửi ảnh chụp tranh đến ông Neil Eggleston, luật sư của Nhà Trắng. Sau đó, Washington biết được Tổng thống Obama đã có quyết định giảm án tù chung thân của ông vào tháng 5-2016, và đến tháng 6-2016 ông được ra khỏi nhà tù, chuyển đến sống ở một ký túc xá chờ ngày trở về với cuộc sống tự do. Khi phim tài liệu về ông Wash của Aveling và Mattison được chiếu cũng là lúc họa sĩ Fulton Leroy Washington có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Los Angeles.
Dù đạt được thành công về mặt nghệ thuật, ông vẫn chưa nguôi nỗi đau tù đày và cảm thấy những bất công đối với bản án sai lầm dành cho ông năm xưa vẫn còn đó. Ông vẫn muốn nhận được sự trả lời của những người đã kết án ông quá nặng nề và oan sai. Tuy nhiên Washington cũng không vì thế mà chối bỏ cuộc sống hiện tại cũng như tương lai: ông sẽ tập trung cho việc vẽ tranh đều đặn lại. “Thật lạ lùng khi trong nhà tù, để vẽ tranh tôi không bị cản trở gì cả. Thức dậy, làm công việc của trại giam, dọn dẹp vệ sinh chỗ làm việc, ngồi xuống và vẽ. Còn bây giờ tôi không có được sự tự do trong tâm hồn để thức dậy vào buổi sáng và chỉ việc bắt đầu vẽ. Tôi vẫn đang cố gắng để điều chỉnh việc đó”, Washington cho biết.
(*) Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ do Tổng thống Abraham Lincoln soạn thảo trong thời nội chiến Hoa Kỳ, ban hành ngày 1-1-1863, công bố trả tự do cho tất cả nô lệ trong các tiểu bang thuộc Liên minh miền Nam Hoa Kỳ chưa thuộc kiểm soát của Liên bang miền Bắc