Nhiều học sinh khi bắt đầu có ý định du học, nhất là với dự định “săn học bổng” đều khá bất ngờ khi gặp phải yêu cầu về các hoạt động ngoại khóa. Nếu ở Việt Nam, học sinh thường được khuyến khích tập trung vào chương trình học thì ở nhiều nước phát triển, học sinh phải thể hiện khả năng dưới nhiều hoạt động khác nhau. Tham gia đúng các hoạt động ngoại khóa để vừa có thể trau dồi các kỹ năng, vừa thể hiện bản thân một cách độc đáo nhất đối với hội đồng tuyển sinh là một trong những điều mà cả phụ huynh lẫn học sinh cần cân nhắc.
Hoạt động ngoại khóa – Tại sao quan trọng?
Chuyện nữ sinh Trường chuyên Amsterdam (Hà Nội) Lã Hồ Minh Khuê được nhận học bổng Harvard vừa qua đã làm không ít học sinh và phụ huynh ngưỡng mộ. Không thể phủ nhận Minh Khuê có thành tích học tập đáng nể, nhưng qua sự chia sẻ của cô, có thể thấy rõ điểm khác biệt và gây ấn tượng mạnh với ban tuyển sinh Đại học Harvard chính là các hoạt động ngoại khóa mà Minh Khuê đã tham gia như: vẽ tranh, chơi piano.
Các trường đại học, đặc biệt là những trường đại học hàng đầu thường tìm kiếm những ứng viên nổi bật nhất. Kết quả học tập là một phần rất quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả để nói lên về con người và khả năng của một ứng viên. Kết quả học tập cao có thể chứng tỏ rằng học sinh rất chăm chỉ, thông minh, nhưng lại không nói lên được sự năng động cùng nhiều kỹ năng mềm khác chỉ có thể được rèn luyện và chứng tỏ qua các hoạt động ngoại khóa.
Điểm đầu tiên trong các hoạt động ngoại khóa được ban tuyển sinh nhìn vào để đánh giá chính là sở thích và đam mê của ứng viên. Học sinh có thể có các môn học “ưa thích”, nhưng điều đó chưa đủ để được gọi là đam mê. Đam mê phải là thứ mà cho dù không bị bắt buộc trong chương trình học nhưng học sinh vẫn tự nguyện dành thời gian ngoài giờ cho các hoạt động đó. Một bạn trẻ có đam mê và biết theo đuổi đam mê của mình sẽ hiểu rõ hơn về sở trường và những việc mình muốn làm trong tương lai, từ đó cũng có sự lựa chọn chắc chắn và chủ động hơn về ngành học ở đại học.
Ngoài ra, có rất nhiều kỹ năng mềm mà các môn học ở trường khó có thể trang bị cho học sinh. Trong các hoạt động ngoại khóa, học sinh có cơ hội trau dồi khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian và áp lực, khả năng lãnh đạo… Các kỹ năng mềm này cũng đồng thời là các kỹ năng cần có ở bậc đại học. Một “bật mí” nữa về tâm lý của ban tuyển sinh là chính họ cũng muốn các học sinh năng động này khi đến trường đại học của họ cũng sẽ tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, làm cho đời sống của trường đại học ngày càng thêm màu sắc và sống động.
Phải bắt đầu từ đâu?
Muốn việc tham gia các hoạt động ngoại khóa của mình thật sự nổi bật và có ảnh hưởng tích cực đến bộ hồ sơ, học sinh cần có quá trình tham gia cũng như thể hiện được những thành tích đã đạt được. Dưới đây là một số gợi ý về các hoạt động ngoại khóa được ban tuyển sinh quan tâm nhất:
Các hoạt động tình nguyện, gây quỹ
Đây là một trong những hoạt động được nhiều bạn trẻ quan tâm nhất. Các hoạt động cộng đồng này không kén chọn và đòi hỏi. Người tham gia không cần có một năng khiếu hay kỹ năng nào cả, chỉ cần có nhiệt tình là đủ. Những bạn trẻ chọn tham gia các hoạt động này thường thể hiện được tinh thần vì cộng đồng, mong muốn cống hiến cho một lý tưởng cao đẹp và hơn hết, sống không ích kỷ. Mong muốn của các trường đại học là đào tạo ra những cá nhân có thể đóng góp tích cực cho xã hội, những bạn trẻ đã thể hiện mong muốn và khả năng này từ sớm, chính là những ứng viên sáng giá. Vì các hoạt động thiện nguyện này thường được tổ chức tập thể, đây cũng là môi trường khá lý tưởng để học hỏi, từ bạn bè, từ các anh chị đã tham gia trước để rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo…
Học sinh có thể tham gia vào các hoạt động ngay tại trường lớp. Các hoạt động đoàn tại nhà trường hiện nay cũng rất đa dạng và phong phú. Câu lạc bộ Thanh niên Quốc tế IYC của Thành đoàn TP.HCM cũng tuyển tình nguyện viên thường xuyên. Ngoài ra, trên website của Thành đoàn thường xuyên có những chương trình ngắn hạn cần tuyển tình nguyện viên, phù hợp với những học sinh có thời gian học bận rộn.
Các hoạt động nghệ thuật
Các hoạt động nghệ thuật khá đa dạng: nhảy, múa, hội họa, âm nhạc… Khác với các hoạt động cộng đồng và tình nguyện, các hoạt động nghệ thuật đòi hỏi bạn trẻ phải có đam mê. Nhưng cũng chính vì vậy mà các hoạt động này sẽ là một điểm nhấn rất đặc biệt trong bộ hồ sơ xin nhập học. Những cá nhân có năng khiếu nghệ thuật thường thể hiện được khả năng rèn luyện và tính kiên trì, cũng như óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ – những tố chất rất được ban tuyển sinh trân trọng. Lựa chọn bộ môn nghệ thuật nào để theo đuổi cũng là một câu hỏi cần đặt ra. Đầu tiên, cần phải cân nhắc về sở thích và năng khiếu của mình, sau đó là tính ứng dụng hoặc độ độc đáo của môn học mình chọn.
Ví dụ, nếu chọn nhảy hiện đại, đó sẽ là một môn rất dễứng dụng và biểu diễn được ở nhiều tình huống, không gian. Tuy nhiên, một môn học “ít đụng hàng” như saxophone hay trống cũng gây được ấn tượng khá mạnh. Và làm sao để minh họa khả năng nghệ thuật của mình cho ban tuyển sinh cũng là một vấn đề cần nghĩ đến.
Một trong những yếu tố giúp Trương Quốc Văn giành được học bổng 75% – mức học bổng cao nhất của Trường Đại học Fairleigh Dickinson (Canada) chính là nhờ biệt tài thổi saxophone. Là một trong những học viên saxophone đầu tiên của Trường MPU, Quốc Văn từ đó đã chọn gắn bó với nhạc cụ ít người học ở Việt Nam này. Và Quốc Văn đã lấy chính những video clip mình diễn trong các chương trình được dàn dựng ở Trường MPU để gửi cho ban tuyển sinh của nhà trường.
Hiện nay có rất nhiều trường dạy về nghệ thuật, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Các trường đào tạo chuyên nghiệp của Nhà nước như Nhạc viện, Trường Múa TP.HCM có hạn chế là đòi hỏi rất nhiều thời gian và chương trình học nặng. Các trường tư nhân có ưu điểm là linh hoạt hơn, tuy nhiên phụ huynh và học sinh phải lựa chọn mặt gửi vàng những trường có chất lượng tốt, tạo điều kiện cho học sinh thực hành và biểu diễn đúng với thực lực (vì ban tuyển sinh chắc chắn sẽ rất tinh mắt trong vấn đề này).
Các hoạt động thể thao
Nếu đã quen thuộc với các bộ phim về đời sống học đường tại Mỹ, chắc chắn phụ huynh và học sinh không thể bỏ qua chi tiết có rất nhiều nhân vật chính đã được vào học, thậm chí nhận học bổng từ các trường đại học danh giá chỉ vì chơi thể thao giỏi. Thể thao học đường là một phần rất quan trọng trong đời sống của sinh viên tại các nước phát triển. Thể thao cũng khá giống với nghệ thuật ở điểm đòi hỏi năng khiếu, đam mê và sự rèn luyện. Giỏi một môn thể thao tập thể cũng là bằng chứng cho khả năng làm việc nhóm của học sinh. Ngoài ra, các nhà vô địch thể thao thường có một đức tính rất đáng nể, đó chính là quyết tâm chiến thắng cho dù phải vượt qua những khó khăn và chấn thương. Còn nếu chưa đủ giỏi để trở thành một nhà vô địch, thể thao cũng sẽ mang đến cho học sinh một sức khỏe tốt và tinh thần sảng khoái hơn.
Nếu may mắn được học trong một ngôi trường có truyền thống thể thao và bản thân cũng đã có năng khiếu, hãy tận dụng thế mạnh này và tìm cách tham gia vào đội tuyển của trường. Ngoài ra, các CLB thể thao như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Phú Thọ… cũng là những điểm sinh hoạt lý tưởng với nhiều môn học ở nhiều cấp độ khác nhau.
Học thêm ngoại ngữ
Ngoài tiếng Anh ra, việc trau dồi thêm một ngoại ngữ cũng là một trong những điểm mạnh được ban tuyển sinh rất ưu ái. Việc chọn học thêm một ngoại ngữ chỉ vì sở thích sẽ là minh chứng rõ nhất cho sự ham học, cũng như sở thích khám phá, học hỏi văn hóa. Thật vậy, một người chỉ chọn học thêm ngoại ngữ khi ngoại ngữ đó có ích, hoặc khi bị cuốn hút bởi nền văn hóa và đất nước sử dụng ngôn ngữ đó.
Có rất nhiều trung tâm dạy ngoại ngữ uy tín như IDECAF – tiếng Pháp; Sakura, Đông Du – tiếng Nhật, Viện Goethe – tiếng Đức…
Không thể phủ nhận hoạt động ngoại khóa rất quan trọng trong một bộ hồ sơ. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh cần luôn luôn nhớ rõ nền tảng của các hoạt động ngoại khóa: dựa trên đam mê và sở thích của học sinh. Đừng tạo áp lực và tham gia vào những hoạt động mà mình không thích.
Nhật Hà