Vào 7g15 sáng ngày 23-1, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận cấp cứu ông Nguyễn Văn N. (65 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Khi đang tập thể dục thì ông bị đột ngột đau ngực trái dữ dội, lan lên cổ và xuống cánh tay bên trái, có cảm giác khó thở. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhập khoa Cấp cứu và được chẩn đoán là bị nhồi máu cơ tim cấp.
Sau khi nhập viện 20 phút, trong khi các bác sĩ đang giải thích cho việc can thiệp động mạch vành cấp cứu với người nhà, bệnh nhân đột ngột lên cơn rung thất, huyết áp không đo đươc, mất ý thức và ngừng thở kèm mất mạch (rung thất xảy ra khi tim đập nhanh, xung điện thất thường, làm cho buồng tâm thất rung động vô ích, không bơm được máu). Trong quá trình rung thất, huyết áp bị giảm đột ngột, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến cơ quan quan trọng. Các bác sĩ đã kịp thời thực hiện shock điện phá rung và cứu được tính mạng người bệnh.
Bệnh nhân được chuyển đến phòng can thiệp, được chụp và can thiệp động mạch vành vì nhánh liên thất trước động mạch vành trái tắc hoàn toàn 100%, đoạn giữa động mạch vành phải bị hẹp 60%. Các bác sĩ đã tiến hành nong nhánh động mạch và đặt stent cho người bệnh. Chỉ 30 phút sau khi ngừng tim, bệnh nhân được can thiệp mạch vành theo phương pháp vô cảm là gây tê tại chỗ. Kết quả là người bệnh nhanh chóng hồi phục, tỉnh táo, không có biến chứng, hết đau ngực, hết khó thở.
Qua tìm hiểu, người bệnh tập thể dục đều đặn nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp cao, rối loạn mỡ máu và có thói quen hút thuốc lá (đã hút liên tục 40 năm, mỗi ngày một gói). Với nhiều nguy cơ như vậy nhưng người bệnh lại không theo dõi sức khỏe thường xuyên và không đi khám sức khỏe định kỳ nên dễ xảy ra các biến chứng liên quan đến tim mạch.
Từ trường hợp này, ThS-BS Nguyễn Quốc Việt khuyến cáo rằng những trường hợp sức khỏe ở nhóm nguy cơ cao (huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá nhiều, có tiền căn gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm, thói quen lười vận động…) cần phải đi khám sức khỏe định kỳ để hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp có triệu chứng nhồi máu cơ tim (đau ngực dữ dội, khó thở, tụt huyết áp hay ngất) thì cần đi cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”. Ngay cả những người bệnh đã được can thiệp tim mạch và đặt stent cũng không nên chủ quan, cần uống thuốc đúng chỉ định và tái khám đúng hẹn để được các bác sĩ theo dõi định kỳ.