Nếu họa sĩ Mỹ Morris Katz là người vẽ nhanh nhất thế giới từ trước tới nay – với kỷ lục vẽ chỉ trong vòng 30 giây một bức tranh sơn dầu khổ nhỏ (DNSGCT đã có bài giới thiệu) thì Steve Keene giữ kỷ lục người “sản xuất” nhiều tranh nhất. Họa sĩ người Mỹ 60 tuổi sống ở New York này được ví như một nhà máy làm tranh chỉ với một người đứng máy (One-man art factory) và có được một thị trường riêng của mình.
Có gì khác biệt giữa một bức tranh, một poster và một bản in tranh? Đâu là đường ranh phân biệt giữa một bức tranh gốc và một phiên bản? Với Steve Keene thì những định nghĩa trên chẳng có gì quan trọng, chỉ mang tính kinh viện, hàn lâm. Trong hơn hai thập niên qua, một mình một cõi, ông đã sản xuất – đúng với nghĩa của từ này – cơ man những tranh là tranh và rao bán trên mạng eBay, trong khu campus các trường đại học và trong các cuộc triển lãm có tính chất lập dị, khác thường (trên hè phố chẳng hạn). Với cách vẽ tranh như thế, Steve Keene đã có được một cuộc sống sung túc. Sinh năm 1957, Stephen Keene học mỹ thuật tại Đại học Yale. Ông được tạp chí Time gọi là “Picasso sản xuất hàng loạt”.
Mùa xuân năm nay ở New York, khi đến với sự kiện “Không thể chờ đợi” (Can’t wait) được tổ chức cho Steve Keene tại gallery Marlborough Contemporary, khách thưởng ngoạn có cơ hội chứng kiến cách họa sĩ vẽ tranh. Trong một cuộc sắp đặt – trình diễn kéo dài suốt một tháng (từ 25-5 đến 24-6-2017), Steve Keene cho người xem tường tận cách làm nghệ thuật của ông, tận mắt khảo sát cảnh họa sĩ sáng tác. Sau đó, số tranh Keene vẽ trong một tháng được triển lãm và bán với giá 5-20 USD bằng tiền mặt. Các nhà sưu tập chỉ cần bỏ ra một khoản tiền không nhiều lắm đã có thể mang về một bộ sưu tập tranh kha khá! Về cơ bản, tranh của Keene mang tính minh họa và chỉ thể hiện những gì thiết yếu, không có chi tiết, có thể chỗ này chỗ khác được vẽ cẩu thả nhưng theo họa sĩ là với cảm xúc thực sự: “Bằng cách này cách khác, tôi phải giản lược bớt chi tiết trong tranh để mọi người hiểu dễ dàng hơn, và đó là điều tốt. Tranh tôi đẹp hơn vì giản dị hơn, chỉ gồm: chó, mèo, cây, màu xanh dương, màu đỏ, màu vàng”, họa sĩ cho biết thủ pháp sáng tác của ông. Nhiều bức tranh của Keene có kích thước chỉ nhỉnh hơn 30 x 30cm, nghĩa là cỡ vỏ ngoài của một chiếc đĩa than (Keene cũng từng nhận trình bày vỏ một số album nhạc, như album Wowee Zowee của nhóm Pavement, được thực hiện năm 1995). Họa sĩ cũng vẽ tranh phong cảnh đô thị. Nhưng với bất kỳ đề tài nào, cách ông làm là vẽ hàng chục biến tấu của cùng một bố cục, sau đó xếp chúng lên một giá gỗ và lần lượt hoàn tất những bố cục tranh khác nhau. Cứ như thế ông có thể vẽ vài chục bức tranh với thời gian ngắn nhất.
Steve Keene khởi sự công việc vẽ tranh như hiện nay tại Charlottesville, bang Virginia. Ngày ấy, vào đầu thập niên 1990, ông đã mang những túi đựng tranh đến các quán bar bán cho khách đã ngà ngà say, sẵn sàng lấy vài bức mua vui. Dần dà, cứ vẽ và bán tranh giá rẻ như thế, đã có “hàng chục ngàn” bức tranh của Keene được treo khắp nơi trong đô thị đại học này (Charlottesville có gần 50.000 dân, gần một nửa số đó là sinh viên của trường đại học bang Virginia) như một cách trang trí đỡ tốn kém, bất kể người xem tranh biết tác giả của chúng là ai, ngoài chữ ký tắt “SK” ở góc tranh. Từ Charlottesville, tranh của Keene lan rộng ra nhiều thành phố khác ở Mỹ nhờ dịch vụ thương mại điện tử (e-commerce), thông qua một website của họa sĩ đã có từ 16 năm trước. Ông cũng tổ chức triển lãm nơi công cộng, rồi bán tranh cho các khu campus đại học và gallery của các trường đại học. Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ với Keene những gì ông đã làm suốt nhiều năm qua. Khi họa sĩ được mời thực hiện một show về cách ông vẽ tranh hàng loạt tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Thiết kế Moore tại thành phố Philadelphia, với cử tọa là các thành viên giảng dạy của trường, người ta vẫn nghĩ đó là “một trò biểu diễn, chẳng phải hoạt động nghệ thuật nghiêm túc” như ông nhớ lại.
Ngay cả với sự kiện “Không thể chờ đợi” tại gallery Marlborough Contemporary, Keene cho biết người ta đã mời ông đến như dạng một nghệ sĩ trình diễn thay vì một họa sĩ. “Khi tôi vẽ 100 bức tranh trong một ngày, thì trong tâm trí tôi đó chỉ là một tác phẩm”, họa sĩ giải thích. Keene tự trào rằng người ta còn chẳng thèm ngó ông vẽ tranh, bởi vì xem động tác vẽ của ông giống như “đánh tennis trên tivi”. Ông cũng thoải mái ví von tranh của ông với những tấm hình vẽ vớ vẩn thường được bỏ vào bên trong bịch kẹo cao su cho trẻ con chơi. Nhiều năm làm công việc rửa chén tại các nhà hàng, Keene vẫn thường trở lại với những ngày ấy để mô tả công việc hiện nay của ông: “Nó gần giống với việc tôi đang tạo ra một hệ thống nhà hàng vậy. Tôi thường so sánh nó với đồ ăn: tôi đang làm cùng lúc 24 cái bánh nhân táo!”.
Khi có ai đó dè bỉu xưởng vẽ của Keene là một cái kho chất đầy những đống tranh, họa sĩ lại khẳng định: hầu hết tranh ông vẽ đã bán rồi. Chỗ ở cũng là xưởng vẽ hiện nay của Keene nằm trong một tòa nhà ở Greenpoint, Brookyn (New York), được ông mua nhiều năm trước. Ở đó, ông liên tục vẽ những loạt tranh mới. Có cả trăm bức hay hơn thế nữa đã được xếp chung, chờ được gửi đến một show sẽ thực hiện tại Trường Cao đẳng Roanoke ở bang Virginia. Chúng sẽ được bán không theo một tiêu chuẩn nào của thế giới mỹ thuật truyền thống mà theo những nguyên tắc của chính Keene. Ông thừa nhận những bức tranh nhỏ nhất của ông có thể bán mỗi bức chắc giá 20 USD thay vì 5 USD, nhưng như thế sẽ phá hỏng một điều mà ông cho là hệ trọng: “Nếu giá của chúng là 5 USD thì người ta sẽ mua bốn bức và họ mất nửa tiếng để cố tìm thấy chúng đẹp thế nào khi ở bên nhau. Họ sẽ tạo một tác phẩm bằng cách nhập bốn bức đó lại – họ đang hoàn tất một câu chuyện kể”. Và đây là triết lý nghệ thuật của ông: “Tôi muốn việc mua tranh của tôi giống như mua một đĩa CD: có giá rẻ, là nghệ thuật và giúp đổi thay cuộc sống của bạn… Các nhạc sĩ sáng tạo điều gì đó trong chốc lát, điều gì đó không có giới hạn và dạng bao quát như thế là những gì mà tôi muốn để lại ấn tượng trong tranh của mình”.
Bán tranh nhiều, Steve Keene cho rằng thói quen mua tranh tùy vào vùng miền và khuynh hướng tại chỗ. Ông cũng bán được nhiều tranh qua online. Riêng tại sự kiện “Không chờ đợi” ở gallery Marlborough Contemporary vừa qua, Keene đã bán được 1.500 bức tranh trong một tháng. Không giống như các show của ông tại các trường cao đẳng, đại học, khi đó người mua tranh đi xe hơi tới và sẵn sàng chất đầy tranh chở về, cư dân New York “mất cả tiếng để quyết định mua một bức tranh nhỏ”, nên thành công của ông tại triển lãm ở gallery Marlborough Contemporary là một tín hiệu đáng ngạc nhiên!
- Lê Bản