Là một họa sĩ, nhà thiết kế nổi tiếng, Sĩ Hoàng luôn xuất hiện với dáng vẻ mực thước, chỉn chu và sang trọng, là ông chủ của nhà vườn tiền tỉ gây chú ý của dư luận, anh lại luôn tâm huyết với những dự án nghệ thuật hướng đến cộng đồng.
Tạo dựng một uy tín bền vững và một cái tên mà bất cứ ai nhắc đến thiết kế áo dài của Việt Nam đều không thể bỏ qua, anh luôn vững vàng và từ tốn trong từng quyết định công việc, cuộc sống của mình. Và hơn hết khi nhìn vào anh, người ta có lòng tin rằng cuộc đời vẫn còn những “cái đầu lạnh và quả tim nóng” cống hiến cho nghệ thuật.
Thưa anh, khi nhắc đến tên tuổi nhà thiết kế Việt Nam thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, anh là một minh chứng hùng hồn rằng người nghệ sĩ vẫn có thể làm giàu rất tài tình. Phải chăng sự nhạy cảm và tinh tế trong quan sát – vốn là thiên hướng nghệ thuật bẩm sinh đã giúp anh có những quyết định đầu tư đúng đắn?
Trong thực tế, có thể thấy người nghệ sĩ thường sống rất cảm tính, còn một nhà quản lý lại lý tính quá. Vì thế sau khi bắt đầu thành lập công ty tôi phải đi học, học một cách thực sự tại các khóa về quản trị kinh doanh của tổ chức Pace.
Khi làm quản lý, làm việc với con người là cả một nghệ thuật sống động. Tôi học việc quản lý công ty bắt đầu từ việc nuôi dưỡng cảm xúc của con người. Cảm xúc tốt được nuôi dưỡng sẽ có sức lan tỏa và đem lại hiệu quả không ngờ trong công việc.
Người nghệ sĩ và người doanh nhân, phải luôn đáp ứng được những yêu cầu luôn đổi mới của công chúng hay thị trường tiêu thụ. Họ có điểm chung là nhạy cảm trước những biến chuyển, thay đổi của thời cuộc, có khả năng sáng tạo, gắn liền mọi quyết định trước xu hướng nhu cầu của cuộc sống.
Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế chung của thế giới và trong nước kéo dài, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ vì đó cũng thiệt hại nặng nề. Ngành thời trang cao cấp cũng đình trệ. Dù vậy, nhận thấy được hai ngành nằm ngoài sự suy giảm kinh tế chung, lương thực và giáo dục vẫn nhiều cơ hội phát triển. Tôi quyết định triển khai một số dự án mang tính tư vấn, giáo dục để phù hợp với điều kiện và nguồn lực của công ty đã tích lũy trong nhiều năm qua.
Có bao giờ anh phải hy sinh phần nghệ thuật ít nhiều để phục vụ cho định hướng kinh doanh – vốn luôn là lĩnh vực khó khăn và ngày càng phải cạnh tranh quyết liệt?
Nhà kinh doanh, đúng ra cũng là nhà sáng tạo khi thị trường luôn luôn đòi hỏi cái mới.
Nên chính khi được sống trong môi trường kinh doanh, yếu tố sáng tạo trong nghệ thuật có thêm cơ hội được rèn luyện thêm.
Ngày nay khi nói đến kinh doanh, người ta không còn gói gọn trong khái niệm mua bán sản phẩm, hàng hóa mà còn định giá cả những giá trị vô hình như sinh thái, văn hóa, nghệ thuật… và thậm chí ở nước ngoài còn hình thành một ngành thiết kế hoàn toàn mới là ngành service design – thiết kế dịch vụ. Anh nhận định như thế nào về sự dịch chuyển trong tâm thế và nhu cầu của khách hàng hiện nay?
Mọi thay đổi đều phát xuất từ nhu cầu cuộc sống, ở đây là con người. Thế giới đang nói tới sức mạnh của kỷ nguyên mới nằm trong hệ tư tưởng và ý tưởng kiệt xuất, khai phá mở rộng và khai thác tiềm năng vô hạn của bộ óc con người.
Tôi chắc rằng thiết kế dịch vụ sẽ là một trong những mũi nhọn của thiết kế trong tương lai.
Xin được nhắc lại về bộ sưu tập Thiền Sen tại festival Huế mùa hè vừa qua, anh có thể mô tả rõ hơn về cảm hứng, chất liệu giúp anh thực hiện bộ sưu tập này được không?
Người Việt vốn trọng lễ. Khi thực hiện những nghi thức mang tính lễ nghi truyền thống hoặc tín ngưỡng, luôn cố gắng chọn những trang phục nghiêm túc và đẹp nhất. Tuy nhiên, hai tính chất quan trọng này không phải lúc nào cũng cùng xuất hiện trên một bộ trang phục. Băn khoăn đó đã khơi nguồn để ý tưởng bộ sưu tập Áo dài Thiền Sen ra đời.
Là một Phật tử, tôi trải nghiệm thật sâu sắc rằng đời đẹp hơn nhờ có đạo. Theo Giáo Pháp nhà Phật, tôi học được cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cuộc sống thật như nó vốn có. Là một họa sĩ – một nhà thiết kế trang phục, tôi tận hưởng vẻ đẹp lung linh ấy, thể hiện trên tác phẩm của mình như một lời tạ ơn, như một cánh sen thả vào dòng chảy của đời, của đạo.
Có lẽ là một sự kỳ diệu khi ý tưởng và hình ảnh của bộ sưu tập hiện ra thật rõ trong tâm trí lúc tôi đang ngồi thiền định trong khóa thiền Vipassana 10 ngày tại chùa Hồng Trung Sơn, dưới sự hướng dẫn của Sư cô Thích Nữ Hằng Liên. Với sự trân trọng và thân ái, bộ sưu tập Áo dài Thiền Sen xin gửi tới các nữ Phật tử khi thiền hành, đi chùa và tới những nơi thờ phượng trang nghiêm.
Bộ sưu tập được thực hiện trên chất liệu vải cotton, kiểu dáng từ áo của người tu hành, với hình tượng họa tiết hoa sen chọn ra từ các hoa văn chạm khắc trang trí trong các công trình kiến trúc đình – chùa thời Lý, Trần, Nguyễn.
Có thể thấy rõ hơi hướng thiền tịnh, ưa chuộng yên tĩnh đang chiếm lĩnh phần lớn thời gian và tâm sức của anh những năm gần đây. Nhiều người tự hỏi có phải đang tìm cách “lánh đời” dần dà?
Tôi không lánh đời, chỉ đang học cách “buông” những gì không còn cần thiết nữa, cho hành trang nhẹ lại khi bắt đầu đi tiếp một chặng đường mới về các dự án giáo dục về tư duy sáng tạo, phương án giáo dục sớm với Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người – The Institute of the Education for Human Potential Development (IPD).
Theo dõi những sự kiện tổ chức cho đông đảo những người đến thiền tại nhà vườn quy mô của anh, tôi lại cảm thấy anh đang dần mở rộng và chia sẻ nhân sinh quan của bản thân ra với cộng đồng, có thể mong đợi gì cho những hoạt động sắp tới tại nhà vườn Long Thuận?
Những hoạt động tư duy sáng tạo dành cho trẻ em, trong chương trình Hội trại năng khiếu mỹ thuật vừa được tổ chức cho 1.600 học sinh các Trường Việt Úc, Nguyễn Du trong dịp hè tháng 6 và 7 vừa qua. Các hội trại này sẽ tổ chức thường xuyên vào ngày cuối tuần.
Thường kỳ mỗi tháng hai lần có khóa Thiền từng phút tổ chức vào ban ngày, các chủ đề chăm sóc “Thân”, với các chuyên gia sức khỏe cho cộng đồng. Khóa Đêm thiền trăng tổ chức vào chiều tối, các chủ đề chăm sóc “Tâm” với những chuyên gia tâm lý, người tu hành… dành cho mọi người có mong muốn tự mình biết hướng tới sự sống vui, sống khỏe, triệt tiêu những phiền não, góp phần tiếp tục tạo ra giá trị sống cho chính mình và mọi người.
Nhân nói đến nhân sinh quan, đến giờ này khi nhắc đến tên anh, một thế hệ các nhà thiết kế vẫn trân trọng gọi “thầy Sĩ Hoàng”, thời gian dạy học ở các trường đại học mỹ thuật và thiết kế có phải là khoảng thời gian đáng nhớ của anh không? Anh có tìm được những “đệ tử chân truyền” nào từ quá trình dạy học của mình?
Tôi luôn quan niệm những học trò sẽ là đồng nghiệp của mình, trong đời mọi người đều là thầy của nhau. Vì thế thời gian nào cũng “đang là thời hiện tại” đối với tôi, ai cũng quan trọng đối với hoạt động và cuộc sống của mình.
Hiện tại hằng năm tôi vẫn hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, trong hội đồng chấm tốt nghiệp các trường có đào tạo ngành thời trang.
Tôi được biết đến dự định mở trường dạy học tại nhà vườn Long Thuận, đoan chắc đây là một dự án đầy tâm huyết của anh, bởi lẽ dạy cho người khác cảm thụ được cái đẹp là mục tiêu cao quý nhất của người thầy/ nghệ sĩ. Anh có thể nói ít nhiều về dự án này.
Cho tới lúc này sau 20 năm nỗ lực làm việc, tôi chỉ mới xây được cái nền móng căn bản. Bắt đầu từ nay mới xây tiếp phần giá trị đẹp đẽ thật sự là Dự án Giáo dục dành cho trẻ em và có thêm phần bổ trợ cho người về hưu – được học những môn về tư duy tích cực, tư duy sáng tạo, kích hoạt khả năng tiềm ẩn của trẻ trong độ tuổi mầm non, giáo dục sớm với dự án Nhân cách – Nhân tài đã được bắt đầu triển khai thể nghiệm trong một năm qua với giá trị mang lại cho người học thành người tự chủ với cuộc sống chính mình và biết trợ giúp được người khác.
Công việc này đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý trong hàng chục năm tới, mới thấy kết quả của việc xây dựng một điều Nhân Nghĩa Trí Đức cho một thế hệ mới trong đó có con cháu của mình.
Về phong cách cá nhân, anh rất chỉn chu, mực thước và sang trọng. Nói thật là nhìn anh có dáng doanh nhân hơn là… nghệ sĩ, anh đã bao giờ nhận được lời nhận xét tương tự chưa? Đối với anh, sự lịch lãm của một người đàn ông được đánh giá trên thước đo gì?
Chúng ta biết nội dung quyết định hình thức – hình thức là biểu hiện của nội dung.
Sự lịch lãm của một người đàn ông được đánh giá trên thước đo về trình độ giáo dục, văn hóa, thẩm mỹ, thu nhập, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, cá tính, trạng thái tâm lý… Vì thế dù ở cương vị nào, sự chú ý vào ngoại hình và thần thái của bản thân là một trong những giá trị giúp cho sự tự tin, góp phần thành công của bản thân trong cuộc sống – hay còn gọi là nhân hiệu, là hình ảnh và thương hiệu của một cá nhân.
Thực tế hiện nay, nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam do hoàn cảnh kinh tế nên chưa có điều kiện đầu tư nhiều đến trang phục khi giao tiếp. Tuy nhiên giới doanh nhân, là người đại diện cho doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, sự lịch lãm thể hiện ở ngoại hình với một số chuẩn mực căn bản như:
- Có thái độ tự tin, yêu thích cả những nét chưa hoàn thiện của cơ thể mình.
- Biết tự đề cao nét thu hút của bản thân.
- Chỉ cần chuyên nghiệp, không cần đúng mốt.
- Không theo thời trang một cách quá nhiệt tình.
- Kiểu dáng trang phục chắt lọc, gọn gàng.
- Nam với trang phục sao phải toát lên vẻ lịch sự, uy tín, đứng đắn, đáng tin cậy.
Anh có cho lịch lãm là một khái niệm của phương Tây, còn quý ông Việt Nam có những quan niệm, hành xử, thái độ sống và chuẩn mực khác nữa không?
Điều quan trọng nhất là sống phải có đóng góp trong lĩnh vực của mình. Có động lực sống thì sẽ biết mình phải làm gì cho cuộc sống. Những mục tiêu tôi đưa ra luôn hướng tới ích lợi cho bản thân, gia đình, các cộng sự và cộng đồng. Cuộc đời luôn có giới hạn, nhưng sống có ích cho đời thì giá trị để lại sẽ là vô hạn.
Người biết cách hiện thực hóa được ước mơ chính đáng của mình, nhằm mang lại hạnh phúc, no ấm, tạo dựng được một cuộc sống bình thường cho gia đình, đồng thời đóng góp thêm những giá trị trong lãnh vực hoạt động của mình cho cộng đồng là người đàn ông lịch lãm đích thực.
Khái niệm này giờ đây, đàn ông nào cũng cần nên không phân biệt Đông Tây.
Xin cảm ơn anh.