Từ năm 2006, một số nghệ nhân ở Đà Lạt đã thành công trong việc kéo dài tuổi thọ của những bông hoa lên đến hàng năm mà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp tươi tắn của hoa. Gần mười năm sau, một kỹ sư du học ở Pháp về Việt Nam cũng đã thành công trong việc giữ cho những bông hoa sen tươi đẹp trong nhiều tháng liền. Hỏi tại sao lại chọn hoa sen, Ngô Chí Công – Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công, người đã dày công tìm cách kéo dài đời sống của hoa cho biết bởi vì sen là loài hoa biểu tượng của đất Đồng Tháp quê anh. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn kinh doanh của anh, nhu cầu chưng hoa sen ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước châu Á là rất lớn.
Mong muốn đưa hoa sen Việt ra thế giới
Vài năm qua, tại các khách sạn lớn và những cửa hàng lưu niệm ở Đồng Tháp, một trong những mặt hàng trưng bày được nhiều du khách chú ý là hoa sen sấy khô – sản phẩm của Công ty Khởi Minh Thành Công. Sen này đã qua xử lý song vẫn giữ được độ mềm, mịn và màu sắc giống đến 90% so với hoa mới hái, đặc biệt là nhụy hoa vẫn tươi và có mùi thơm nhẹ. Tuy mức giá cao gấp vài chục lần so với hoa mới hái nhưng sen ướp tươi có thể giữ được cả năm. Bên cạnh hoa thì lá sen ướp tươi được chế tác thành ví cầm tay, đồ lót ly, làm tranh cũng khá được ưa chuộng.
Sau sáu năm học ngành hóa ở châu Âu, về nước Ngô Chí Công đem kiến thức từ trường đại học lẫn kinh nghiệm mấy năm làm thêm ở siêu thị và toàn bộ tiền dành dụm được vào kinh doanh. Đầu tiên là cửa hàng bánh ngọt phong cách mới ở TP. Hồ Chí Minh, rồi doanh nghiệp làm gốm giả đá khi trở về quê nhà Đồng Tháp. Thiếu kinh nghiệm thương trường, hai lần khởi nghiệp đầu thất bại. Dù vậy Chí Công không nản chí, chàng thạc sĩ sinh năm 1989 quyết tâm gây dựng lại từ đầu với ý tưởng kéo dài vẻ đẹp của hoa sen. Không chỉ bám sát nông dân trên các cánh đồng sen ở Tháp Mười, Tam Nông, Chí Công còn thường xuyên lên Đà Lạt tham khảo công nghệ ướp tươi hoa…
Trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, để đưa ý tưởng thành sản phẩm cụ thể luôn là một chặng đường dài. Để tạo nên sản phẩm sạch, an toàn thì bước đầu phải thắng được thói quen lạm dụng phân, thuốc đã ăn sâu vào ý thức người nông dân trong canh tác. Chí Công dành nhiều thời gian trò chuyện, khuyến khích người dân sử dụng phân hữu cơ từ đầu vụ, dùng vịt để diệt ốc và thăm ruộng sen thường xuyên để phát hiện diệt sâu khi sen chỉ mới có những lá nhỏ. Sau khi đã có được vùng nguyên liệu hơn 5ha từ việc liên kết và thu mua của nông dân Đồng Tháp, lập bộ phận R&D và xây được một phòng thí nghiệm nhỏ trong khu sản xuất, Khởi Minh Thành Công tập trung nghiên cứu biến hoa sen và lá sen thành những sản phẩm lưu niệm giá trị cao.
Những đợt sản phẩm đầu tiên chưa như ý muốn: màu hoa bị sậm, cánh hoa khô cứng, tuổi thọ kém, chưa xử lý được hoa đã nở và lá sen… Lại phải làm đi làm lại nhiều doanh nghiệp trẻ này mới tìm ra được công thức bảo quản hoa sen hoàn chỉnh, giúp sản phẩm trụ trên một năm mà cánh hoa, nhụy hoa vẫn tươi. Hoa là sản phẩm tâm huyết nên Chí Công dành nhiều thời gian và công sức để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, thời gian đầu chưa có thương hiệu sản phẩm không dễ bán. Doanh thu không đều đặn trong khi công ty luôn cần nguồn thu nhập để duy trì hoạt động. Trong lúc khó khăn về dòng tiền, Chí Công chủ động tạo thêm dòng tiền ngắn qua việc phát triển thêm dòng sản phẩm lá sen, gồm cả lá sen tươi và lá sen sấy khô dùng trong nhà hàng (để lót, gói thức ăn), các cửa hàng lưu niệm làm nền cho tranh vẽ hoặc trang trí. Mặc dù lá sen cho lợi nhuận thấp hơn nhưng mang về nguồn tiền đều đặn.
Vẫn còn nhiều tiềm năng từ cây sen
Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), giá trị xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hằng năm đạt khoảng 1,6 tỉ USD, chiếm chừng 1,5% thị phần thế giới. Có thể nói con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng điểm yếu nhất của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là thiếu sáng tạo. Những doanh nghiệp đầu tư mức độ chất xám cao cho sản phẩm mới như Khởi Minh Thành Công chưa có nhiều. Chí Công cho biết một trong những lý do khiến anh trở về Đồng Tháp khởi nghiệp là vì tại đây, anh nhận được nhiều sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Đồng Tháp cũng như các sở, ban ngành của tỉnh, cả sự hỗ trợ từ Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF). Dự án sản xuất và kinh doanh hoa sen ướp tươi của anh là một trong bảy dự án của tỉnh Đồng Tháp lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần hai năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Hiện tại, công ty của Chí Công đang sản xuất khoảng 2.000 bông/tháng, tạm thời phục vụ được cho thị trường trong nước. Sắp tới anh dự tính sẽ tăng lên 5.000 bông/tháng. Vừa qua, một công ty Nhật đã tiến hành đàm phán với Chí Công trong việc thực hiện quy trình bảo quản hoa sen tươi cắt cành, tuy nhiên việc này cần thêm thời gian để kiểm tra và nghiên cứu. Sau khi đạt được những yêu cầu về quy chuẩn đã thỏa thuận sẽ tiến hành đàm phán về giá cả. Theo Chí Công, nếu đạt được kết quả tốt, việc xuất khẩu hoa sen cắt cành không chỉ phục vụ cho thị trường Nhật, mà còn phục vụ cho nhu cầu trong nước và các nước lân cận như Campuchia, Myanmar vì nhu cầu là rất lớn.
Bên cạnh đó, Chí Công cũng đang thử nghiệm giới thiệu sản phẩm của mình ở Pháp thông qua những người bạn. Đặc biệt, anh rất chú trọng việc liên kết với các dự án khởi nghiệp khác để làm tăng giá trị sản phẩm và mở rộng số lượng khách hàng. “Tôi liên kết với dự án trồng lúa sạch để trồng sen sạch, cùng liên kết với dự án khăn choàng và tinh dầu làm thành các bộ quà tặng lưu niệm đậm chất địa phương. Đó là sự liên kết tương hỗ trước thách thức của thị trường đối với những dự án khởi nghiệp”, Chí Công chia sẻ.
Ngày 2-9 tới đây, Chí Công và nhóm doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp bằng các sản phẩm làm từ cây sen sẽ tổ chức đợt triển lãm Sắc Sen tại TP. Cao Lãnh.