Những ngày này, bộ đôi HAG (Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) và HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) đang “gây náo loạn”. HAG thì trong tư thế đi xuống từ đầu năm ngoái, trong khi tân binh HNG (niêm yết từ tháng 7-2015) lao dốc kể từ đầu năm nay, có 14 phiên giảm sàn liên tiếp và dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị. Từ mức giá 28.700 đồng vào ngày 12-1, HNG chỉ còn 8.300 đồng vào ngày 18-2. Loại đi tuần nghỉ tết, HNG đã giảm đến 71% chỉ trong một tháng. Nghĩa là với khoản đầu tư 1 tỉ đồng cho HNG giai đoạn này, nhà đầu tư lỗ hơn 710 triệu đồng. Với HAG, mức giảm có đỡ hơn, từ khoảng 23.000 đồng/cổ phiếu cách nay gần một năm đã xuống mức 7.800 đồng vào ngày 18-2 và giao dịch trong dao động giá khá hẹp. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào ngày 19-2, khi cả hai đột ngột khởi sắc và tăng trần, với dư mua lên đến hàng triệu đơn vị. HNG còn lập kỷ lục về thanh khoản của thị trường khi có đến hơn 41,74 triệu cổ phiếu này khớp lệnh thành công trong ngày. Đến phiên giao dịch đầu tuần mới (22-2), bộ đôi HAG-HNG tiếp tục tăng trần với dư mua hàng triệu đơn vị.
Thực ra, không phải ngẫu nhiên mà hai cổ phiếu HAG, HNG bị các nhà đầu tư bán ra mạnh trước đó. Những vấn đề nội tại của hai doanh nghiệp, những khoản nợ vay khổng lồ, tình hình kinh doanh không khả quan cùng với tin đồn và hoạt động bán giải chấp của các nhà đầu tư là nguyên nhân của sự việc. Nhưng khi giá cổ phiếu giảm đến một mức nào đó, các nhà đầu tư “bắt đáy” sẽ vào cuộc mạnh mẽ, khiến cung – cầu dịch chuyển, và khi lực cầu bắt đáy mạnh hơn nhiều so với nguồn cung, sự đổi chiều diễn ra. Bên cạnh đó, cũng cần sự tham gia của những nhà đầu tư tổ chức. Chỉ có họ với tiềm lực tài chính hùng hậu mới “trong khoảnh khắc” mua hết hàng chục triệu cổ phiếu đang chất đống, từ đó kéo theo sự vào cuộc của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những nhà đầu tư cá nhân này đã chờ sẵn để bắt đáy và khi cảm thấy an tâm vì sự có mặt của các nhà đầu tư tổ chức, họ nhanh chóng tham gia. Hoạt động này đa phần mang tính đầu cơ, mua với mục đích “lướt sóng”, cổ phiếu về đến tài khoản mà được giá sẽ bị bán ngay.
Đây là một trường hợp khá điển hình cho thấy tầm quan trọng của dòng tiền đầu cơ đối với sự thanh khoản của một số cổ phiếu và của thị trường chung. Nhờ sức lan tỏa của HAG-HNG, thanh khoản của nhiều cổ phiếu đầu cơ khác cũng được cải thiện và ảnh hưởng lớn đến lực cầu của thị trường chứng khoán – đã giảm mạnh trong vài tháng qua và đang chờ một chất xúc tác để bật lên. Một khi xu thế chung được hình thành, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng giải ngân vào các mã cổ phiếu đầu cơ, chấp nhận mức độ rủi ro lớn để kiếm tìm lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Mặt khác, chất lượng tài sản của hai cổ phiếu HAG-HNG không kém, một khi nhà đầu tư lớn xác định chúng đang bị bán dưới giá, họ sẽ tiến hành mua vào.
Có thể nói, với tín hiệu từ HAG-HNG, dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt và cũng là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đầu cơ đang quay lại. Nếu HAG thành công trong việc tái cơ cấu nợ trong thời gian tới, việc cổ phiếu này trở lại vùng giá cách đây một năm hoàn toàn có thể và khi ấy, những ai “có gan làm giàu” sẽ được hưởng thành quả. Sau HAG-HNG, dòng tiền đầu cơ tiếp tục tìm đến các mã cổ phiếu đang ở vùng đáy khác. Sẽ có một sự gia tăng đột biến về giá của những cổ phiếu này nếu áp lực bán ra khi lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản thấp hơn lực cầu trong những phiên giao dịch tới. Quan trọng là, nhà đầu tư có dám đặt cược?
Tuấn Thành (DNSGCT)