Nhà thiết kế Nicole Stjernsward đã phát triển một giải pháp an toàn hơn, đơn giản hơn và lành mạnh hơn cho việc nhuộm vải bằng cách sử dụng phế liệu từ các loại trái cây và rau củ.
Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hơn 15 triệu “pound” (1 pound = 0,453kg) chất thải dệt được tạo ra mỗi năm. Để đối phó với những hành vi gây hại cho môi trường của ngành thời trang nhanh – một mô hình kinh doanh ưu tiên hàng may mặc sản xuất nhanh và rẻ so với chất lượng bền và thu nhập công bằng cho người lao động, một số thương hiệu và nhà thiết kế đang tạo ra những nguyên liệu bền vững.
Nicole Stjernsward, một chuyên gia về quy trình thiết kế ở London đã phát triển một hệ thống nhuộm vải có thể sớm trở thành một thiết bị quan trọng cho những công ty muốn tránh khỏi các hoạt động sản xuất có hại. Kaiku là một dự án biến vỏ trái cây và rau quả thành bột màu.
Thông qua việc sử dụng kỹ thuật hóa hơi, hệ thống của Stjernsward, về cơ bản có thể chuyển đổi những gì bạn thường dùng làm phân hữu cơ thành màu sắc sống động để nhuộm vải.
Bơ, lựu, củ cải đường, chanh và hành tây chỉ là một số loại trái cây và rau quả có thể được đưa vào Kaiku và biến thành nguyên liệu thô cho sơn, mực và thuốc nhuộm.
“Sơn từng được làm từ nguyên liệu địa phương bằng cách sử dụng vài thành phần của các công thức nấu ăn. Hầu hết các thành phần là những thứ thường được tìm thấy trong nhà bếp của bạn”, Stjernsward nói.
Trong khi các màu khoáng được tạo ra trong lịch sử từ các nguồn tự nhiên như đất và đất sét, “còn màu sắc khác lạ hơn được chiết xuất từ thực vật địa phương hoặc đời sống hoang dã”, cô nói thêm.
Ngày nay, các công ty sơn tập trung vào việc tạo ra các loại màu bền và rực rỡ nhất, thường chứa đầy các nguyên liệu hóa dầu rẻ tiền được sử dụng để tạo ra các thành phần sơn.
“Mặt trái của sơn hiện đại là tác động của nó đối với môi trường trong cả quy trình sản xuất sơn và ở cuối vòng đời sản phẩm. Ví dụ, chất thải bột màu thường rò rỉ vào cảnh quan xung quanh, gây độc cho nước, đất, cho người và động vật”, nhà thiết kế chia sẻ. Ngoài tác động lên môi trường, màu tổng hợp được coi là nguy hiểm cho sức khỏe của người và động vật.
Kaiku cung cấp một giải pháp thay thế cần thiết cho các màu hóa học này bằng cách sử dụng chất thải thực phẩm như một nguồn sáng tạo màu bền vững.
Hệ thống của Nicole Stjernsward bắt đầu như một khám phá của cô về tranh sơn dầu. Cô đã phỏng vấn một số nghệ sĩ về những vật liệu được sử dụng trong tác phẩm của họ.
Sau khi nhận ra rằng hầu hết các sắc tố này độc hại như thế nào, nhà thiết kế này đã bắt đầu nghiên cứu màu có nguồn gốc sinh học, được làm từ thực vật, hoa và vỏ cây.
Hệ thống Kaiku có khả năng làm biến đổi các nguyên liệu có carbon thành chất màu dựa trên kỹ thuật hóa hơi.
Mặc dù phương pháp này thường được sử dụng bởi các công ty lớn hơn, hệ thống của Stjernsward đã thu nhỏ cách tiếp cận này cho người dùng hằng ngày.
Hiện tại, Kaiku chỉ tạo ra các sắc tố dạng bột. Đây là một quyết định mà Stjernsward đưa ra để đảm bảo thời hạn sử dụng được lâu hơn.
- Xem thêm: Thời trang với tuyên ngôn không lông thú
“Tôi thấy rằng thuốc nhuộm tự nhiên nhanh chóng bị mốc và cần được sử dụng ngay lập tức, điều này không thực tế và gây khó chịu cho các nghệ sĩ hay nhà thiết kế vải. Chính điều này đã dẫn đến quyết định của tôi về việc tìm ra một phương pháp cơ học để làm khô thuốc nhuộm”, cô nói. “Sau khi tôi tìm ra cách loại bỏ nước gây ra nấm mốc, tôi đã có một loại bột khô hữu ích có thể được bù nước thành thuốc nhuộm”.
Vẻ đẹp của sự hóa hơi là nó loại bỏ thành phần chất lỏng từ vỏ trái cây và rau củ, cho phép các sắc tố tồn tại trong nhiều tháng.
Các bột màu này được bù nước bằng cách trộn chúng với những nguyên liệu sơn như màu empera, cho phép màu được sử dụng như sơn trên vải canvas hoặc dùng làm thuốc nhuộm trên quần áo.
“Hầu như bất cứ thứ gì được trồng trọt đều có thể được sử dụng để tạo ra thuốc nhuộm và màu sắc, nhưng một số loại thì tốt hơn nhiều so với những loại khác khi nói đến chuyện tạo màu. Trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao và vỏ mỏng cũng không có tác dụng tốt, vì chúng không có nhiều màu sắc và tạo ra màu sắc rất yếu hoặc không có màu, chẳng hạn như dưa chuột”.
“Bất cứ thứ gì có vỏ dày hoặc hạt lớn đều có thể được sử dụng để chiết xuất các hợp chất màu hữu ích. Ngoài ra, tôi đã có kết quả thực sự tốt với các loại trái cây có hàm lượng tannin cao (cũng là chất làm cho rượu vang đỏ) như vỏ bơ và vỏ bưởi, tạo ra tông màu đỏ và màu cam rất đẹp”.
Các loại cây trồng truyền thống như chàm và tùng lam thường được sử dụng để tạo ra thuốc nhuộm vải vì màu sắc phong phú của chúng.
Trong khi các vật liệu tự nhiên như vỏ gỗ có thể được xử lý qua Kaiku, độ dẻo dai của nó đòi hỏi nó phải được ngâm trong một tuần hoặc hơn trước khi xử lý.
Trong quá trình phát triển hệ thống hóa hơi phế thải thực phẩm này, nhà thiết kế có ý thức về môi trường nói rằng cô đã gặp một số thách thức liên quan đến áp lực nước phù hợp.
Và mặc dù cô vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cách thức hệ thống của mình tạo ra thuốc nhuộm từ thực vật, các thương hiệu quần áo và nhà thiết kế ngành dệt may đã bày tỏ sự quan tâm trong việc tìm cách đưa Kaiku vào quy trình sản xuất của họ.
“Nếu chúng ta hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần nghĩ về cách làm cho màu sắc có thể tái chế nhiều hơn, đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng màu sắc tự nhiên thì tốt cho điều này vì nó phai mờ theo thời gian”, Stjernsward nói.