Lễ kỷ niệm 20 năm Unilever Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8-4 vừa qua. Trong chặng đường phát triển hai mươi năm, công ty không ngừng phát triển để trở thành một doanh nghiệp vững mạnh hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Nhân dịp này, ông JV Raman, Chủ tịch Unilever Việt Nam đã có một buổi chia sẻ thân tình và thú vị với chúng tôi.
Chắc hẳn ông có rất nhiều cảm xúc nhân dịp Unilever kỷ niệm 20 năm thành lập tại Việt Nam?
Hai mươi năm không phải là quá dài đối với lịch sử của một công ty, nhưng chúng tôi tự hào vì đã trở thành một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, cùng với cam kết mạnh mẽ trong sứ mệnh nâng tầm cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Xin ông cho biết thêm một vài thành tích vượt bậc của Unilever trong chặng đường 20 năm lịch sử vừa qua?
Vào năm 1995, Unilever chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm. Chúng tôi tự hào về những nỗ lực và thành tích của mình tại Việt Nam.
Chúng tôi đặt cho mình sứ mệnh cải thiện cuộc sống của người Việt Nam và trân trọng tinh thần đó trong tất cả mọi công việc. Các nhãn hàng nổi tiếng của Unilever như Omo, Lifebuoy, Sunsilk, Clear, Pond’s, P/S, Lipton, Knorr, VISO, VIM, Sunlight… nay đã trở thành nhãn hàng gia dụng số một Việt Nam.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 triệu người tiêu dùng trên toàn quốc tiếp cận và sử dụng sản phẩm của Unilever Việt Nam, thông qua mạng lưới phân phối rộng lớn, trong đó có 150 nhà phân phối và trên 300.000 cửa hàng bán lẻ.
Đó cũng là nguồn động lực lớn thôi thúc chúng tôi nỗ lực và sáng tạo không ngừng trong quá trình cải tiến sản phẩm, đáp ứng tốt hơn mọi nhu cầu của người tiêu dùng, giúp cải thiện điều kiện sống, sức khỏe và vệ sinh cho người dân khắp cả nước.
Tại Việt Nam, Unilever là hình mẫu về mối quan hệ hợp tác giữa một tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp trong nước nhằm giúp cả hai bên nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phải chăng đây là chiến lược để Unilever bắt rễ sâu vào nền kinh tế của Việt Nam?
Tại Unilever, chúng tôi cam kết đồng hành cùng sự thịnh vượng của Việt Nam. Minh chứng cho điều đó là công ty không chỉ thành công như một doanh nghiệp độc lập mà đã thâm nhập sâu vào nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi cũng đã xây dựng và nuôi dưỡng thành công các mối quan hệ hợp tác, đối tác chặt chẽ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, dù họ là các đối tác, các nhà cung cấp, các bên thứ ba hay các nhà phân phối.
Kết quả của sự cam kết đó trong suốt 20 năm qua chính là các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hai bên cùng có lợi với gần 2.000 các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước hiện đang hợp tác cùng chúng tôi.
Không chỉ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, Unilever Việt Nam còn được biết đến là một hình mẫu về tăng trưởng bền vững với những đóng góp tích cực cho xã hội và cộng đồng. Xin ông chia sẻ thêm về hành trình 20 năm “làm điều thiện để kinh doanh tốt” của Unilever tại Việt Nam?
Chúng tôi thực sự tin tưởng vào phương châm này. Kể từ khi thành lập tại Việt Nam năm 1995, chúng tôi đã gắn kết các nhãn hàng của Unilever với các sứ mệnh xã hội. Nhiều nhãn hàng như Omo, P/S, Lifebuoy, Comfort, VIM, Knorr… đã mang lại rất nhiều dự án nhằm cải thiện và nâng tầm cuộc sống cho hàng triệu người dân Việt Nam. Sứ mệnh này được tái khẳng định mạnh mẽ thông qua việc triển khai Kế hoạch Phát triển Bền vững của Unilever tại Việt Nam năm 2011.
Với kế hoạch đầy tham vọng này, Unilever Việt Nam đã đặt ra ba mục tiêu chính đến năm 2020 gồm: (1) Cam kết cải thiện điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 20 triệu người dân Việt Nam; (2) Giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào việc tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu tiêu phí nguyên liệu; và (3) Góp phần nâng cao điều kiện sống cho hàng triệu người dân Việt Nam cùng với sự tăng trưởng của Unilever.
Để thực hiện những mục tiêu này, Unilever đã đi tiên phong trong các chương trình hợp tác chiến lược dài hạn với các cơ quan chính phủ Việt Nam, cũng như với các tổ chức phi chính phủ, các đối tác và khách hàng của mình.
Có thể kể đến những dự án dài hạn đã mang lại nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng như dự án “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” hợp tác chiến lược với Bộ Y tế; dự án “Trường học Xanh – Sạch – Khỏe” hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo; “Phát triển nguồn chè bền vững” và “Xây dựng nông thôn mới” hợp tác chiến lược với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, “Nâng cao quyền năng phụ nữ” hợp tác với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Chúng tôi được biết, Unilever luôn nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường. Đây có phải cũng là một trong những cam kết mạnh mẽ của công ty hay không?
Kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến nay, đi đôi với phát triển hoạt động kinh doanh chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường và coi đây là định hướng mang tính bền vững cũng như trách nhiệm của Unilever đối với xã hội và cộng đồng.
Như tôi có đề cập, khi Kế Hoạch Phát triển Bền Vững được triển khai tại Việt Nam vào năm 2011, một trong ba mục tiêu của kế hoạch này là giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào việc tiết kiệm nước, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu tiêu phí nguyên liệu.
Do vậy, suốt thời gian qua, chúng tôi đã luôn nỗ lực trong lĩnh vực này và đã có những thành tựu đáng khích lệ trong công tác bảo vệ môi trường từ các nhà máy của Unilever.
Có thể kể đến là việc sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước, lắp đặt thiết bị thu gom và tái sử dụng nước mưa, xây dựng quy trình phân loại bao bì phế liệu, rác thải sinh hoạt, lắp đặt thành công lò hơi sử dụng nguyên liệu sinh khối… Đặc biệt, từ năm 2014, toàn bộ khu liên hợp nhà máy tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi hoàn thành cam kết “Không có chất thải không nguy hại xử lý bằng phương pháp chôn lấp”.
Với những thành tích đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, Unilever Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Trong đó đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong các hoạt động bảo vệ môi trường từ năm 2005 đến năm 2010. Mới đây nhất còn có giải thưởng Môi trường năm 2013 do Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng.
Ông vẫn thường nói, hai tài sản quan trọng nhất của Unilever chính là 2Bs – Brands and Brains – tức là các nhãn hàng và con người. Câu hỏi này tôi muốn dành cho chữ B thứ 2 – những nhân viên đang cống hiến hết mình cho sự thành công của Unilever ngày hôm nay?
Chúng tôi luôn tin rằng thành công ngày hôm nay của Unilever không thể đạt được nếu thiếu sự đóng góp to lớn của không chỉ 1.500 nhân viên hiện đang làm việc tại Unilever Việt Nam mà còn từ những người đã làm việc tại công ty trước đây.
Chúng tôi tự hào trong 20 năm vừa qua, Unilever Việt Nam là công ty đào tạo ra đội ngũ nhân sự đầy tài năng thông qua việc chú trọng xây dựng chương trình đặc biệt trong và ngoài nước từ nâng cao năng lực cá nhân đến định hướng nghề nghiệp cho nhân viên và chúng tôi cũng tạo điều kiện tốt nhất để nhân viên có thể học hỏi và phát huy tối đa năng lực làm việc của mình.
Chính vì điều này mà từ năm 2013 đến nay, Unilever liên tục dẫn đầu danh sách “100 nơi làm việc tốt ở Việt Nam” theo khảo sát của Công ty Anphabe và Nielsen.
Bên cạnh việc chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất, Unilever luôn tập trung vào việc tạo ra môi trường làm việc có sự đối xử bình đẳng, chân thành giữa những nhân viên trong công ty, không phân biệt thứ bậc, chức vụ. Chúng tôi coi đây là sợi dây gắn kết vô hình tạo nên nền tảng bền vững để công ty thực sự trở thành “ngôi nhà thứ hai” của mọi nhân viên.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập công ty vừa qua, ông có gọi tên công ty là VINALEVER. Xin ông có thể giải thích thêm ý nghĩa của tên gọi này?
VINALEVER – Đó là tên gọi tôi mong muốn nhất. Tên gọi như vậy thể hiện niềm tin và tình cảm mà công ty chúng tôi có được trong hành trình 20 năm đi lên cùng nền kinh tế Việt Nam. Điều này còn có ý nghĩa, Unilever là một công ty của người Việt Nam – cho người Việt Nam. Hãy gọi chúng tôi là VINALEVER!