Mặc dù thời trang ngày một phát triển với đủ cung bậc màu sắc và kiểu dáng nhưng cứ mỗi độ diễn ra Tuần lễ thời trang Haute Couture, người ta lại tìm thấy được vẻ đẹp nên thơ, thuần khiết trong từng bộ sưu tập.
Có thể nói Haute Couture là dịp để người ta tìm lại niềm đam mê thời trang, còn các nhà thiết kế thì thỏa sức sáng tạo và tiếp tục kéo dài những trang viết về câu chuyện thời trang đầy diệu vợi của họ. Đó là những câu chuyện cổ tích được kể bằng trang phục, lụa là cùng tay nghề cắt may thượng thặng mà không hề viển vông, khiến nhiều tín đồ thời trang phải ao ước ít nhất được thưởng lãm một lần trong đời.
Nổi bật nhất trong tuần lễ thời trang cao cấp lần này là buổi trình diễn kỷ niệm 50 năm làm việc tại Fendi của nhà thiết kế Karl Lagerfeld. Được tổ chức tại đài phun nước Trevi trứ danh của thành Rome, buổi trình diễn bộ sưu tập gồm 46 mẫu thiết kế được làm bằng lông thú mang đậm tinh thần mơ mộng của xứ sở thần tiên.
Là thương hiệu chuyên về thời trang lông thú, Fendi nắm trong tay những kỹ thuật xử lý lông cao cấp nhất mà không đâu có được. Những đóa hoa hay thậm chí là những bức tranh cổ tích East of the Sun and West of the Moon của họa sĩ Kay Nielsen được ghép bằng những mảng lông nhiều màu sắc. Sự pha trộn của những màu sắc bắt mắt và chất liệu khác bên cạnh lông giúp cho bữa tiệc thời trang càng trở nên thịnh soạn.
Tại Valentino, cặp đôi thiết kế Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccoli lại kể về câu chuyện từ thời Elizabeth nhân sự kiện kỷ niệm 400 năm ngày mất của đại văn hào Anh William Shakespeare. Bộ sưu tập của họ mang màu sắc hoàng gia, khiến người ta liên tưởng đến những vị giáo sĩ nhà thờ, giới quý tộc cũng như hoàng gia, đặc biệt là qua những chi tiết cổ nhún, trang trí bằng ngọc trai, khăn choàng lông ermine…
Trở lại với những chiếc đầm dạ hội, Jean Paul Gaultier lấy cảm hứng từ khu rừng mùa thu với các màu xanh đậm, cam, lá úa và nâu gỗ. Những chiếc đầm dạ hội hoàn hảo được dựng bởi kỹ thuật Haute Couture trên chất liệu lụa dệt vân gỗ khiến cho trang phục trông như một bức phù điêu bằng gỗ nhưng lại rất mềm mại và uyển chuyển. Không chỉ vận dụng kỹ thuật xếp vải, bộ sưu tập còn sử dụng kỹ thuật xử lý lông thú và lông vũ để làm cho bức tranh khu rừng cổ tích mùa thu lãng mạn của Gaultier thêm hấp dẫn.
Lãng mạn một cách lập dị, cặp đôi Viktor và Rolf đưa người xem đến với bữa tiệc trà trong truyện Alice ở xứ sở Thần tiên. Thế giới thần tiên của họ không phải là những chiếc đầm dạ hội đẹp như mơ, mà là những chiếc áo sweater, quần jeans rách rưới được họ sử dụng lại từ những bộ sưu tập cũ! Bộ sưu tập ấy kỳ lạ nhưng rất đẹp mắt nhờ sự bay bổng và lãng mạn của những chi tiết bèo nhún đồ sộ trên trang phục.
Ông hoàng của đầm dạ hội Elie Saab lại kể câu chuyện thần tiên ở khu bờ Đông New York. Trên mảnh đất của giới nhà giàu Manhattan ấy là ước mơ về một gia đình quý tộc kiểu mẫu, hình tượng mà Elie Saab hướng đến trong bộ sưu tập lần này. Trong bối cảnh thập niên 1940, hình ảnh mẹ và các cô con gái mang nhiều màu da (một thông điệp về nước Mỹ rất rõ ràng) trong những chiếc đầm dạ hội đẹp như mơ. Một chi tiết để khẳng định bộ sưu tập này “rất New York” là hình tượng tòa nhà Chrysler được đưa vào thiết kế.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến nhà Chanel khi câu chuyện cổ tích kỳ bí bên trong xưởng thời trang của họ được hé lộ. Karl Lagerfeld quyết định đưa 200 người làm nên bộ sưu tập đắt giá nhất hành tinh lên sàn diễn để người xem hiểu thêm về nghệ thuật Haute Couture. Bộ sưu tập sử dụng kỹ thuật dựng khối mạnh (có thể thấy rõ ở phần vai), phản ánh phong cách thập niên 1980 theo cách rất thanh lịch.
Lại một tuần lễ thời trang Haute Couture đã đi qua, nhưng vẫn còn đó sức mạnh bất diệt về niềm đam mê trong sứ mệnh tạo ra cái đẹp trên vải vóc của những con người giàu tâm huyết.