Mất một ngày cho di chuyển và nghỉ ngơi từ Hà Nội đến Vinh, chúng tôi dậy sớm và rời thành phố Vinh khi phố xá vẫn thưa bóng người.
Nhóm chúng tôi bảy người cùng hai “bạn đồng hành” là chiếc Honda CR-V và Nissan Navara với logo hành trình, cờ Việt, cờ Lào… theo QL 46 (đi Nam Đàn), đến cầu Rộ, ra đường Hồ Chí Minh rồi hỏi đường tới cửa khẩu. Cửa khẩu Cầu Treo những ngày Tết Lào khá vắng người. Chỉ thấy người Việt đi sang Lào thì nhiều, còn xe đi theo hướng ngược lại khá vắng vì người Lào còn “bận” đón tết (từ 13 đến 15-4 hằng năm).
Ba mươi phút xong thủ tục xuất cảnh, đoàn xe chạy chừng 1km nữa thì đến cửa khẩu Nam Phao (Lào) làm thủ tục nhập cảnh. Tòa nhà nơi chúng tôi làm thủ tục mang đậm kiến trúc Lào. Vài người dân ở những quán dịch vụ đang uống những chai bia Lào rất lớn. Nhạc Lào bật inh ỏi. Họ đang ăn Tết Lào.
Đặt chân lên đất bạn
Vừa đặt chân lên đất Lào, chúng tôi đã phải đổ đèo. Ấn tượng đầu tiên là đường ở Lào chất lượng rất tốt. Không lỗ chỗ, vá víu, nhiều ổ voi, ổ gà như đường miền núi ở ta. Đường dễ đi, ít xe cộ, hai bên đường thưa thớt người dân.
- Xem thêm: Hấp dẫn cung đường Vinh – Viêng Chăn
Chốc chốc lại thấy từng tốp xe máy chở hai, ba người, do những cô cậu thanh niên choai choai trông đen nhẻm điều khiển, đầu xanh, đầu vàng không đội mũ bảo hiểm, người nào người nấy ướt nhèm. Đi xuống đến chân núi, thỉnh thoảng ngó xuống dưới, thấy từng đám người tụ tập rất đông ven một con sông khá cạn nước.
Họ dựng lều trại dưới đó, bật nhạc lên nhảy nhót và ăn uống rất vui vẻ. Đã bắt đầu cảm nhận cái không khí Tết Lào sôi động ngay ở vùng biên.
Có lái xe trên đất Lào mới thấy dân Lào ít thế nào và đất Lào rộng nhường nào. Người dân tỉnh lẻ cứ bám lấy quốc lộ mà sống, nhưng cũng phải lâu lâu mới bắt gặp một thị trấn nhỏ. Người Lào xây nhà bằng gỗ, khá thấp và không mấy kiên cố.
Điều lạ là dưới những ngôi nhà có phần lụp xụp đó, thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc pick-up hiệu Toyota “đậu” trước cửa. Dọc tuyến đường chúng tôi đi rất nhiều Toyota Hilux, Prado, Hyundai Accent, Sonata, Strarex. Chốc chốc lại gặp một chiếc xe sang Lexus.
Chúng tôi đến Viêng Chăn khi thủ đô của nước bạn đã lên đèn. Khắp phố phường nhộn nhịp tiếng nhạc, tiếng ca hát chào năm mới của người Lào. Khải hoàn môn Patuxay chào chúng tôi bằng sự náo nhiệt khác thường. Có lẽ đêm nay, Viêng Chăn sẽ không ngủ!
Té nước ở Viêng Chăn và rong chơi ở Vang Viêng
Ngày chính của Tết Lào (Bunpimay), sau khi nạp năng lượng đầy đủ, chúng tôi lái xe ra Tháp Thạt Luổng hay That Luang khi đồng hồ mới chỉ 8g sáng. Trên đường ra Tháp, cũng không thể bỏ qua Patuxay – khải hoàn môn, một biểu tượng chiến thắng của người Lào.
Hầu hết khách du lịch khi đến với thủ đô của đất nước Lào đều ghé thăm Patuxay – công trình được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào.
Sau buổi sáng tắm Phật, đi chùa là quãng thời gian sôi động nhất của ngày tết khi người dân cùng nhau xuống đường đón năm mới. Người Lào quan niệm rằng, tạt nước nhằm xóa đi những xui xẻo, mệt mỏi của năm cũ để đón một năm mới tươi đẹp hơn. Ai càng bị tạt nhiều nước sẽ càng gặp nhiều may mắn.
- Xem thêm: “Hành xác” ở Lào
Nước sạch còn tượng trưng cho sự hòa thuận dân tộc, tất cả những thù hận, bất đồng của năm cũ sẽ tan biến đi theo từng giọt nước. Nước còn là vật truyền tải những tình yêu thuần khiết, khi được một chậu nước đổ lên người thì đôi nam nữ thanh niên đã từng quen biết nhau ấy sẽ nhìn nhau mỉm cười một cách ý tứ hơn. Nếu như cả hai bên đều có tình ý thì hạt mầm tình yêu của họ sẽ hé nhú trong dịp năm mới này.
Từ Viêng Chăn, chúng tôi theo quốc lộ 13 của Lào để lên Vang Viêng. Đường đi khá đẹp và ít xe. Ra khỏi thủ đô, không khí tết không vì thế mà bớt sôi động. Không khó để bắt gặp những chiếc pick-up, trên thùng chở cả chục người, họ xúm quanh một thùng nước, đầu đội tóc giả, mặt hóa trang trắng, đỏ rồi gặp nhóm nào đứng ven đường cũng té nước, bắn súng nước, hò hét rất vui vẻ. Các nhóm đứng ven đường, cũng giống ở Viêng Chăn, tay cầm chai bia nhảy nhót rất nhiệt tình theo điệu nhạc Lào từ chiếc loa bật to.
Vang Viêng cũng là một địa điểm ưa thích cho những người du lịch thám hiểm. Ở đây bạn có thể thuê xe đạp đi ra khu vực làng quê theo kiểu du lịch sinh thái. Cao cấp hơn thì mua vé lên khinh khí cầu ngắm hoàng hôn.
Nếu thích cảm giác mạnh, bạn có thể thuê xe máy địa hình loại hai bánh, bốn bánh vượt suối băng đồng chạy rất vui. Trò phổ biến và nổi tiếng nhất ở đây là Tubing (lướt sóng trong chiếc ống) và chèo thuyền Kayak. Nơi chúng tôi ghé nghỉ đêm là một resort có các bungalow nằm ven sông Nậm Song.
Thấy trò chèo thuyền Kayak khá thú vị mà lại pha chút mạo hiểm, chúng tôi xuống ven sông thuê thuyền dạo chơi. Tối đến là thời điểm hoạt động của nhan nhản các quán bar, câu lạc bộ trong thị trấn, các bạn trẻ lại được tiếp tục các cuộc vui miệt mài…
Đường đến cố đô Luông Pra Băng
Rời Vang Viêng, đích đến là cố đô Luông Pra Băng cách đó 230km, là cung đường đẹp và lãng mạn như Tây Bắc nước Việt. Đi được khoảng 60km sẽ có hai đường để lên cố đô, nếu theo đường cũ chất lượng mặt đường xấu hơn thì sẽ qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng, còn theo con đường mới làm dẫn tới Muang Nan thì đường “ngon” hơn và cảnh đẹp có phần hoang sơ.
Chúng tôi chọn đường mới với ý định là để đỡ mất thời gian, nhưng rồi cảnh đẹp lại ngốn của chúng tôi nhiều thời gian hơn cho việc dừng lại chụp ảnh. Sau đó, xe “bò” qua những con dốc quanh co liên tục với độ cao lên tới 12% với tốc độ chỉ đạt dưới 60km/g.
Đó cũng là cơ hội để chúng tôi dừng chân và thu vào ống kính máy ảnh những điều kỳ thú. Dọc đường đi, có lúc qua những cánh rừng đại ngàn, qua những thảo nguyên xanh bát ngát, lúc lại qua những dải lau trắng mềm mại, khi thì hai chiếc xe xuyên qua cả một rừng cây thẳng tắp.
Càng gần đến Luông Pra Băng, cái không khí của ngày cuối cùng trong Tết Lào thể hiện càng rõ. Luông Pra Băng chào đón đoàn bằng những nước và nước. Có nhóm thấy xe chúng tôi dán cờ Việt, còn ra hiệu cho xe dừng hẳn lại, bơm nước tứ tung khắp xe, hoặc dội ào cả một xô to lên kính lái.
Người dân ở đây cũng xuống phố té nước như ở Viêng Chăn, cũng những chiếc xe bán tải chở đầy người, đầy nước, cũng những đám thanh niên hóa trang đầu tóc, mặt mày xanh đỏ nhưng có vẻ họ còn “chiến đấu” nhiệt tình hơn người ở thủ đô.
Thấy họ trên phố là thấy những chiếc xe bán tải bật loa hết công suất, cả thùng xe người nhún nhảy theo điệu nhạc. Trên thùng xe, ngoài thùng nước lớn còn có trống, chiêng, cờ quạt. Nhóm nào không bật loa thì thay bằng tiếng hát, hết bài này sang bài khác đủ thể loại, bài nào cũng sôi động.
Buổi tối chúng tôi đi chơi chợ đêm ở ven sông Mekông. Ở đây bày bán rất nhiều hàng thổ cẩm, đồ trang trí gia đình, đồ handmade hoặc những món hàng lưu niệm cho du khách. Một thứ rất nổi tiếng ở chợ là bạc Lào bày bán khắp nơi.
Thăm cánh đồng Chum
Ngày thứ bảy trong hành trình Bắc Lào của chúng tôi là một ngày “nếm” đủ thứ gia vị của người Lào. Quãng đường từ cố đô Luông Pra Băng đến Phôn Xa Vẳn (thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng) trải đủ dốc, núi.
Đã từng xoay vô-lăng trên khắp các cung đường miền núi phía Bắc, chúng tôi vẫn phải “choáng” với độ dài của quãng đường trèo đèo, vượt núi ở đây. Chỉ 266km đường mà có tới 220km đèo dốc uốn lượn liên tiếp nhau. Đường rộng, chất lượng mặt đường khá tốt nhưng việc cứ phải xoay vô-lăng liên tục, đổ hết con dốc này đến con dốc khác khiến lái xe mệt mỏi và phải tập trung cao.
Vào đến cánh đồng Chum thì cũng đã bốn rưỡi chiều. Xiêng Khoảng nổi tiếng với cánh đồng Chum. Chum rải rác khắp nơi, tập trung ở ba địa điểm chính xung quanh Phôn Xa Vẳn là Bạn Ang, Lắt Sén và Bạn Sua, theo thứ tự cách Phôn Xa Vẳn 10km, 23km và 28km.
Nơi chúng tôi đến là Bạn Ang, cách trung tâm Phôn Xa Vẳn khoảng 10km về phía tây nam, là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất. Địa điểm này nằm trên một ngọn đồi có độ cao khoảng 1.000m, cây cối thưa thớt. Một khoảng đất trống làm chỗ đậu xe đồng thời là nơi bán vé và đồ lưu niệm.
Lối lên là những bậc thang làm bằng đá núi và bê-tông. Leo qua bậc thang cuối cùng, cả một cánh đồng Chum hiện ra trước mắt. Chúng tôi bước gấp gáp, thế là đã được tận mắt nhìn, tận tay sờ được những chiếc chum bằng đá huyền thoại…
Chúng tôi kết thúc hành trình khám phá Bắc Lào với cung đường cuối cùng trên đất bạn từ Xiêng Khoảng đi cửa khẩu Nậm Cắn. Tạm biệt đất nước Triệu Voi, tạm biệt cuộc sống chậm rãi và bình yên của người Lào, chúng tôi trở về với công việc, với những tất bật, lo toan, hối hả của ngày thường.