Đến Lào, quốc gia không có biển duy nhất ở Đông Nam Á, du khách có rất nhiều điều để chiêm ngưỡng và thú vị, từ thiên nhiên hoang sơ, người dân hiền lành, thân thiện, vẫn sống kiểu truyền thống, đến những thực đơn “rất Lào và chỉ Lào mới có”.
Tuy nhiên, sự cuốn hút thâm trầm mà mạnh mẽ trên tất thảy mọi thứ chính là vô vàn di sản Phật giáo đang có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Và có lẽ, nói “di sản” vẫn chưa đủ, bởi Phật giáo không chỉ là ngày hôm qua, mà còn là hôm nay và mãi mãi mai sau của dân tộc này. Một dòng chảy tâm linh – văn hóa – lối sống truyền đời trong từng con người Lào.
Người viết bài này may mắn có những chiều thu lạc bước trong vườn Phật bên bờ sông Mekong, hay đón ánh bình minh tỏa “hào quang” trên các tháp chùa Vientiane, Luangprabang để chợt ngộ cuộc sống đâu có gì “quá khổ” như lâu nay mình vốn tưởng. Nhìn vào ánh mắt của đức Phật, người ta chợt hiểu rằng khổ đau hay vui sướng đều do tự tâm mình sinh ra…
Mà đâu chỉ có khách ta chìm đắm với di sản Phật giáo tại Lào, ngay cả nhiều khách Tây cũng mải mê lạc bước trước sự huyền diệu này. Từ chùa cổ Thạt Luổng nổi tiếng từ 600 năm trước ở thủ đô Triệu Voi, đến chùa Mẹ linh thiêng, chùa Sisakhet với bảo tàng tượng Phật, chùa Ho Prakeo rất đẹp mà chẳng cần sư chủ trì, công viên Phật kể chuyện tôn giáo này bằng hàng trăm bức tượng lớn nhỏ bên bờ sông Mekong… Thật thú vị khi nhìn những cô gái tóc vàng, mắt xanh, cổ đeo Thánh Giá, đứng suy tư trước ánh mắt từ bi của đức Phật. Sự khác biệt văn hóa, tôn giáo, biên giới, chủng tộc như không còn nữa. Sự bình an trong tâm hồn và tình thương bao trùm tất cả!
Xin mời hãy đến Lào, đối diện với ánh mắt từ bi của đức Phật và lặng nghe tiếng chuông chùa…