Từ Sài Gòn, chúng tôi sẽ băng qua những cung đường ven biển tuyệt đẹp Mũi Né, Vĩnh Hy, Cam Ranh… để đến với thành phố hoa Đà Lạt.
Dù bạn bận rộn, nhưng nếu sắp xếp được công việc và lên kế hoạch từ trước, hãy thực hiện một hành trình 7 ngày đi xe hơi với quãng đường di chuyển hơn 1.000km dọc theo những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà bạn khó có thể quên được.
Ngày 1: Mưa ở thiên đường gió, cát
Quen với cái nét chầm chậm, với cách sống không quá ư vội vã của Hà Nội, thế nên sau một ngày hòa mình vào nhịp sống của Sài Gòn, dường như chúng tôi vẫn chưa thích nghi được với sự náo nhiệt nơi đây. Vừa mới “gặp” nhưng lại muốn xa ngay để thoát khỏi nó, thoát khỏi sự ồn ào, đông đúc để đến với một nơi mà ở đó mênh mông nào là cát, gió và biển xanh.
Đúng như lịch trình đã định, chúng tôi rời Tp.HCM vào sáng sớm để vừa đi vừa tác nghiệp và kịp đến cái đích trong ngày đầu tiên là thiên đường biển Mũi Né (Bình Thuận).
Được sự hỗ trợ từ hãng xe hơi danh tiếng tại Việt Nam, đoàn chúng tôi đã có cơ hội trải nghiệm hai sản phẩm tiên phong của thương hiệu Ngôi sao ba cánh: Mercedes-Benz A250 và CLA200. Hai chiếc xe của Mercedes-Benz Việt Nam đều là những tuyệt phẩm về thiết kế và đều là những cỗ máy thực sự mạnh mẽ. Vì lẽ đó mà ngay từ những cái nhìn đầu tiên, cho đến khi bước vào trong xe, chúng tôi hoàn toàn yên tâm bởi sự tiện nghi, tính năng và những cảm giác tuyệt vời của 2 “người bạn đồng hành”.
Lái xe khoảng 170km tới địa phận Hồ Tràm thì cũng là lúc bạn nên đi chậm lại để thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của con đường này, một bên biển, một bên là đồi cát. Nhắm mắt lại, lắng nghe lời tâm sự của sóng và gió, bạn sẽ cảm giác được trút bỏ những bộn bề của cuộc sống mưu sinh nơi đô thị và khi đó bạn sẽ thấy được vẻ đẹp hoàn hảo mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Ăn trưa tại Hồ Cốc, dăm phút nghỉ ngơi, chúng tôi tiếp tục lên đường. Từ Hồ Cốc tiếp tục con đường ven biển đi về Bình Châu nhưng khi đến Bình Châu thì rẽ phải đi về Lagi, Hàm Tân. Hai bên đường cỏ cây xanh mướt một màu. Ngó qua cửa kính, đã bắt đầu thấy từng hàng cây phi lao cao vút, những hàng dừa cong theo gió. Gió cứ thế mạnh dần, kéo ngọn dừa theo ý nó. Điều mà chúng tôi lo ngại nhất đã đến, trời như thấp xuống, rồi trút nước xối xả.
Thế là không còn thấy nắng vàng, cát trắng, không còn thấy được những giàn thanh long đỏ rọi in trên nền trời xanh nữa rồi. Từ Lagi, Hàm Tân đi tiếp qua Dinh Thầy Thím khoảng 20km nữa sẽ đến Mũi Kê Gà, rồi bỏ qua Mũi Kê Gà mà về thẳng thành phố Phan Thiết, đến Mũi Né. Chúng tôi vẫn cứ đi trong tiếc nuối, hai chiếc xe “xé” mưa mà đi.
Ngày 2: Ngập tràn cảm xúc
Ngày thứ 2 trong hành trình cùng Mercedes-Benz A250 và CLA200 của chúng tôi là một ngày ngập tràn cảm xúc. Cảm xúc trước những bức tranh thiên nhiên tuyệt vời, đẹp đến không thốt nên lời.
Ở Mũi Né, chúng tôi lái xe trên con đường chạy dọc bờ biển. Giữa một bên là biển sóng rì rào, một bên là những đồi cát trải dài. Lúc này, sương mai vẫn còn vương vấn trên từng hạt cát và đang lấp lánh phản chiếu những tia sáng dưới làn nắng vàng óng của buổi sớm. Cảnh đẹp đến vậy nên nó mới là nguồn cảm hứng dồi dào đối với các nhà nhiếp ảnh và cả những người thích “xê dịch”, yêu cái đẹp của dải đất hình chữ S như chúng tôi.
Dừng xe lại, chèo lên một điểm cao rồi phóng tầm mắt ra xung quanh mới thấy đã. Kia là những đồi cát trắng miên man, đây đồi cát vàng rực rỡ, vàng tươi trong nắng và khi một cơn mưa bóng mây đổ xuống lại chuyển màu đỏ sẫm – một gam màu độc đáo chỉ có người họa sĩ đại tài là thiên nhiên mới pha chế nổi.
Từ Mũi Né, chúng tôi lái xe theo tuyến đường du lịch Mũi Né – Hòa Thắng mang tên ĐT 716. Đây là con đường chạy men theo biển nối Mũi Né với những điểm du lịch tuyệt vời khác như Hòn Rơm hay Bàu Trắng. Dọc theo hai ven đường vẫn là những đồi cát trắng phau, điểm xuyết vào tuyệt phẩm thiên nhiên này là những rặng thông xanh, những bụi xương rồng trông đúng chất miền Tây nước Mỹ, thi thoảng gió lại mang cả một cơn mưa cát ngang qua.
Đích đến trong nhật trình ngày hôm nay của chúng tôi là vịnh Vĩnh Hy. Nơi nghe nói là có thể thưởng ngoạn bức tranh phong cảnh tuyệt vời, nơi được xem là “sơn cùng thủy tận” của vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió. Để đến được Vĩnh Hy, chúng tôi sẽ phải vượt qua khoảng 20km đường đất, ra quốc lộ 1A qua địa phận huyện Tuy Phong, hướng về thành phố Phan Rang rồi mới tìm đường tới đích.
Lượn qua những cung đường như dải lụa ôm sát biển, một bên là màu nước xanh trong, một bên là những đồng cỏ non với đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ, xa xa là những cánh đồng muối trắng, cuối cùng thì chúng tôi bắt gặp một vùng biển trời xanh ngắt. Vịnh Vĩnh Hy hiện ra trước mắt đẹp như bức tranh thủy mặc, khiến bất cứ ai trong đoàn cũng phải ngỡ ngàng.
Ngày 3: Trên vịnh Vĩnh Hy
Sau một đêm ngon giấc, chúng tôi quyết định thức dậy sớm từ 5h sáng, “vác” Mercedes-Benz A250 và CLA200 chạy trên con đường khi thì vắt cheo leo trên núi đá, khi thì hạ xuống bám sát ra biển. con đường dẫn lên điểm ngắm vịnh cắt ngang qua Vườn quốc gia núi Chúa, tạo nên những đèo dốc thoai thoải quanh co, một bên là cánh rừng có quần thể đa dạng sinh học, được đánh giá là độc đáo và duy nhất của hệ sinh thái khô hạn Đông Nam Á.
Lên tới điểm thích hợp, từ trên cao nhìn xuống, một bên vịnh Vĩnh Hy hiện ra, như một thung lũng có làng mạc lô nhô nằm sát bên mép biển bình yên. Chúng tôi đón ánh bình minh trên một trong những vịnh có bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Để ngắm được toàn cảnh vịnh tươi đẹp, cùng những rạn san hô “đặc sản” ở đây, chúng tôi thuê một chiếc tàu đáy kính men theo vách núi chạy dài ra biển. Vừa bước lên tàu, phóng tầm mắt ra phía biển đã thấy hòn Cá Heo có “cái mõm” đá vôi lạ mắt nằm chắn ngang cửa vịnh, tạo nên bến neo đậu lý tưởng cho tàu thuyền bên trong.
Dọc hành trình, không chỉ thấy màu xanh trùng điệp đặc trưng của núi rừng, hòa trong đó là vẻ xanh biếc của biển nước có những đợt sóng nhẹ lăn tăn, mà còn thấy xen lẫn trong màu xanh thi vị ấy, thỉnh thoảng là những bờ cát trắng trải dài, hay những bờ đá lô nhô ngoài mép nước hết sức kỳ thú. Suốt hành trình thưởng ngoạn, từng làn gió biển mát trong bởi có trộn lẫn cả gió núi khiến không gian trong lành càng thêm khoáng đạt.
Ngày 4: Đầm Môn đẹp ngỡ ngàng
Ngày thứ 4 trong chuyến hành trình của chúng tôi là một ngày vỡ òa trong sự ngỡ ngàng vì cảnh đẹp ở bán đảo Đầm Môn.
Từ Vĩnh Hy chúng tôi về Cam Ranh, rồi đến Nha Trang. Từ thành phố biển, chúng tôi lái xe đi về hướng Bắc dọc theo quốc lộ 1A. Đoạn đường lúc xấu, lúc đẹp cứ thế kéo dài khoảng 60km và ngốn mất khoảng 2 tiếng đồng hồ của chúng tôi, cho đến khi gặp biển chỉ dẫn rẽ phải: “Đầm Môn: 18km” thì cả đoàn như “mở cờ trong bụng”.
Tháng 6/2002, một con đường được làm dài 18,5km bắt đầu từ dưới chân đèo Cổ Mã chạy suốt đến Đầm Môn, mở đầu cho việc phát triển khu du lịch vịnh Vân Phong. Trên con đường vừa rẽ vào này, chúng tôi đã có dịp ngắm nhìn những đụn núi cát trắng xóa cao vút một bên. Kể từ ngày con đường nhựa hoàn tất, những đồi dương cũng được trồng và đến nay cũng đã phủ xanh cả một vùng.
Hết khu vực cồn cát hiện ra con đường chạy dọc ven biển đẹp đến mê đắm. Biển vùng này còn rất hoang sơ và cũng khá sạch, do được bao bọc bởi một hệ thống đảo nhỏ hình cánh cung, nên biển khá lặng sóng, có thể nhìn thấy cả đáy biển. Điểm dừng cuối cùng trong hành trình ngày hôm nay của chúng tôi là một làng chài nhỏ nằm trong vịnh, kín đáo, quanh năm xanh rợp bóng dừa: Đầm Môn.
Đầm Môn nằm trong vịnh Văn Phong, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Bán đảo này hấp dẫn bởi những cồn cát chạy dài, khoảng 20 đảo lớn nhỏ có rừng nguyên sinh, những điều lạ, độc đáo ở làng chài Đầm Môn…
Đây cũng là một trong những điểm du lịch mà Tổ chức Du lịch thế giới đã tiến hành khảo sát và đánh giá rất cao. Ở đây có đầy đủ mọi điều kiện tự nhiên tối ưu cho sự phát triển du lịch sinh thái: khí hậu, bờ biển, rừng núi, cảnh quan, môi trường sinh thái, cảng biển, nguồn cung cấp hải sản… Và tất cả hầu như còn nguyên vẹn. Chính cái nguyên vẹn đến hoang sơ ấy đã làm chúng tôi thực sự ngỡ ngàng.
Ngày 5: Lên xứ sương mù
Sau bốn ngày rong ruổi trên những cung đường biển đẹp đến mê hồn, hôm nay chúng tôi quyết định “thượng sơn”, về với thành phố của ngàn hoa, của tình yêu và đầy mộng mơ – Đà Lạt.
Thức dậy sau một đêm ngon giấc ở bán đảo Đầm Môn, chúng tôi quyết định đi sớm vì hôm nay sẽ là cả một hành trình dài từ Đầm Môn, về lại Nha Trang rồi lên thành phố hoa Đà Lạt.
Trước kia,đi từ Nha Trang lên Đà Lạt hay ngược lại thì chỉ có một con đường duy nhất là đi ngược 100 km xuống thị xã Phan Rang – Tháp Chàm rẽ vào quốc lộ 27 vượt đèo Sông Pha (hay đèo Ngoạn Mục) đến huyện Đơn Dương. Nếu đi xe nhỏ như chúng tôi thì có thể đi qua đèo Dran về hướng Trại Mát với khung cảnh đẹp hơn rất nhiều. Đoạn đường này dài khoảng 228 km.
Tuy nhiên, hiện nay, đa phần cánh lái xe hay dân phượt chọn tuyến đường mới từ Nha Trang lên Đà Lạt theo hướng Diên Khánh – Khánh Lê – Khánh Vĩnh sang Đạ Sar huyện Lạc Dương. Đường có chiều dài khoảng 121km (tính từ quốc lộ 1A vào), rút ngắn được so với đường cũ khoảng 80 km, băng qua Vườn quốc gia Bi Doup nên khung cảnh phải nói là cực kỳ hoang sơ và tuyệt đẹp.
Đường mới lên Đà Lạt rất đẹp không chỉ bởi cảnh mà còn cả chất lượng mặt đường trải nhựa phẳng lì. Dãy sơn phân cách dưới đường trắng tinh. Đường đèo quanh co uốn lượn, hai bên đường cỏ lau mọc rất dày buông mình đong đưa theo gió rất đẹp và hoang sơ.
Cứ chạy xe cho đến khi ngó sang hai bên, chúng tôi thấy rừng thông bắt đầu ít dần và thay thế vào đó là những vườn rau, những ngôi nhà bằng gỗ hay bê tông với hàng rào là những loài hoa “quý phái” như hoa ly, hoa hồng… và cả những khu mộ hoành tráng. Tấm biển ven đường báo hiệu chúng tôi đã vào tới địa phận thành phố Đà Lạt.
Ngày 6: Dịu dàng Đà Lạt
Ngày thứ 6 trong hành trình của chúng tôi là một ngày được nghỉ ngơi sảng khoái. Nghỉ ngơi để ngày mai cùng Mercedes-Benz A250 và CLA200 chinh phục đèo Bảo Lộc trên chặng đường cuối dài gần 300 cây số từ Đà Lạt về Sài Gòn.
Đổi không khí sau 5 ngày lang thang bên biển, bên những gió và cát, và sau những ngày liên tục lái xe, chúng tôi đã có một đêm ngủ sâu trong cái lành lạnh của thành phố Đà Lạt. Sáng sớm những cơn gió lạnh ùa vào, cả đoàn chẳng ai muốn rời khỏi chiếc chăn ấm áp. Cố “giằng kéo” mà bước chân đến bên cửa sổ, trước mắt chúng tôi là khung cảnh phố núi ngập tràn trong sương khói. Sương sà mặt hồ Xuân Hương. Sương lãng đãng lũng cao lũng thấp. Sương e ấp ruộng rau vườn hoa. Sương bay cả vào phòng ngủ khi cửa phòng đã mở. Phải dậy thôi, phải “sống” từng giây với nơi này, không thì phí lắm!
Dạo đường phố Đà Lạt rồi lái xe băng qua những con đường quanh co xuyên qua những rừng thông xanh mướt tầm mắt. Nắng rải vàng trên những cung đường cao thấp, dù vậy cái lạnh se se vẫn ùa vào khứu giác. Những con đường ngoằn ngoèo lên dốc rồi lại xuống dốc, chạy ngang qua rất nhiều ngôi biệt thự xinh xắn đầy hoa. Những ngôi nhà được bài trí theo phong cách châu Âu cổ kính đáng yêu với những bụi hoa nở ngập tràn các lối đi, trên hàng rào, và dọc khắp các con đường ngược xuôi của thành phố…
Với rừng thông bạt ngàn, rất nhiều hồ nước, sông suối, Đà Lạt sở hữu khí hậu tuyệt vời. Bất chợt, cả đoàn dừng xe lại trong vô định, không ai bảo ai, cứ thế mở cửa bước xuống mà hít lấy hít để cái dư vị ngọt lạnh này. Không khí ở đây trong lành, mát mẻ, khác hẳn sự ngột ngạt, đông đúc của những đô thị lớn mà chúng tôi đã đi qua trong suốt hành trình.
Ngày 7: Chặng đường về
Chúng tôi chia tay Đà Lạt khi những ánh đèn đường thành phố đã dần tắt hết, xứ mộng mơ phủ trong màn sương lững lờ buổi sáng. Tối qua mấy anh bạn “thổ dân” đã dặn, đường từ Đà Lạt về Sài Gòn dài quãng 300 cây số, các anh nên đi sớm, một phần để tránh tắc đường khi gần về đến thành phố, một phần vì cung này có nhiều đoạn đường xấu, khó đi. Xuống núi, đổ dốc theo những con đường chạy xuyên qua những đồi thông xanh mướt, chẳng bao lâu mà chúng tôi cũng nhập được vào đường cao tốc Liên Khương.
Hết cao tốc Liên Khương hành trình qua 4 thị trấn, thị tứ từ Liên Nghĩa, qua Đức Trọng, Di Linh rồi đến thành phố Bảo Lộc, mặt đường có chất lượng khộng tốt, phương tiện di chuyển nhiều, đi một đoạn lại gặp giới hạn tốc độ nên cả đoàn đi mà như “bò” trên đường.
Nếu có chút cảm tình nào trên cung đường Đà Lạt – Sài Gòn theo quốc lộ 20 thì có lẽ chúng tôi dành cho đèo Bảo Lộc. Nghe anh bạn người Đà Lạt thường xuyên chạy tuyến này “khoe” Bảo Lộc là một con đèo đẹp, quanh năm mây phủ, lái xe vượt đèo cũng rất phê, nên khi vừa đến thành phố Bảo Lộc, cả đoàn dừng lại, kiểm tra xe cộ rồi háo hức vượt đèo.
Qua đèo Bảo Lộc, chúng tôi dừng ăn trưa tại một quán ven đường. Ăn uống qua loa rồi lên đường ngay vì nghe “dọa” đoạn quốc lộ 20 chúng tôi sắp đi qua khủng khiếp lắm. Đi qua những cái tên thú vị như Đạ M’ri, Ma Đa Gui nhưng đành phải hẹn lần sau sẽ đến.
Suốt tuyến quốc lộ 20 không biết bao nhiêu cái cảnh báo “Đi chậm, phía trước là công trường”. Cũng chẳng mấy khi được đi tốc độ cao vì liên tục là biển giới hạn tốc độ. Qua những đoạn sửa chữa, đường vốn đã chật hẹp, mặt đường còn xuất hiện đầy những ổ trâu, ổ gà. Nhiều đoạn công trình thi công mương thoát nước đào xới ngổn ngang. Xe phải liên tục lách tránh những đoạn mặt đường hư hỏng.
Về đến gần Sài Gòn, trên quốc lộ 1A, những km cuối cùng của chúng tôi càng trở nên mệt mỏi khi gặp cảnh tắc đường. Con đường ken dày những phương tiện lưu thông, tuy mới vào cận kề giờ cao điểm nhưng mật độ xe lưu thông trên con đường này đông khủng khiếp. Mercedes-Benz A250 và CLA 200 vẫn bền bỉ, kiên nhẫn đưa chúng tôi về đích an toàn.
Cảm ơn “hai người bạn đồng hành”. Chặng cuối đi lại đầy vất vả và mệt mỏi nhưng hai chiếc xe đủ làm chúng tôi tin tưởng.
Bài: Thế Đạt
Ảnh: Trần Huy Thắng