“Mùi của hạnh phúc” là vở kịch mới mở màn cho cách thay đổi lịch diễn theo mùa, sau đợt diễn chia tay khán giả bằng loạt kịch mà sân khấu Hoàng Thái Thanh đã khẳng định phong cách của mình.
Khán giả ngồi kín rạp và đón nhận nhiệt tình bằng những phản hồi tốt trong các suất “sneak show” cũng như các suất đầu tiên vào cuối tháng 9 vừa qua. Đây là tín hiệu vui trong những ngày đầu Hoàng Thái Thanh chuyển hướng và hy vọng niềm vui này sẽ kéo dài trong hơn hai tháng của mùa diễn này và cả những mùa sau.
Vở kịch được diễn vào thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, dự kiến đến hết tháng 11, tại sân khấu Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, quận 10, TP.HCM)
Nếu lắng nghe hạnh phúc
Mùi của hạnh phúc được Hoàng Thái Thanh và nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản từ ý tưởng gốc của Mai Thịnh – Ngọc Mẫn, do nghệ sĩ Thành Hội làm đạo diễn. Câu chuyện về những người đàn ông trung niên giàu có cặp kè với các cô gái trẻ đẹp của vở kịch không phải là đề tài mới mẻ. Vì vậy, cái hay để khán giả đến với vở kịch là xem tác giả, đạo diễn và các diễn viên xử lý các tình huống kịch như thế nào.
Bạch Vân – cô gái có vẻ đẹp mong manh – đang sống cùng anh người yêu tên Hải bằng tình yêu sôi nổi của tuổi trẻ. Nhưng rồi, bệnh tật là biến cố khiến cô phải chọn lựa cách sống lừa dối cả hai người đàn ông. Dĩ nhiên, sự thật nhanh chóng bị lộ ra bằng những tình huống được sắp đặt khá khéo léo của đạo diễn.
Một lần vợ ông Trí – người đàn ông giàu có – đi coi căn nhà định mua cho cô con gái vừa du học về, tình cờ ấy là căn nhà chồng mình thuê để lui tới cùng cô gái trẻ, và cùng thời gian ấy, người yêu của Bạch Vân đến căn nhà này sửa chữa hệ thống điện. Chỉ khoảng gần một phần ba thời lượng vở kịch, “các con bài” đã được lật lên, khán giả bắt đầu được xem cách các nhân vật giải quyết xung đột như thế nào.
Đằng sau câu chuyện về cô gái trẻ cặp bồ với một người đàn ông đáng tuổi cha mình là mô típ rất quen thuộc là nhiều câu chuyện khác để khán giả nghĩ ngợi. Chúng ta thường đơn thuần nghĩ rằng, tình yêu của Bạch Vân và Hải là rất đẹp, còn tình cảm của cô ấy và người tình già là sai trái, một bên dối gạt người yêu còn một bên phản bội vợ.
Thế nhưng, chúng ta sẽ khó chịu với sự rộng lòng của người đàn ông trải đời, lặng lẽ tìm hiểu rồi bình thản chuyển cho cô bồ trẻ một tỷ để trị bệnh và dặn rằng “phải kết hôn với một người tử tế nghe chưa”, hay dễ chịu với chàng trai trẻ chỉ quan tâm đến cú sốc của anh ta và khăng khăng nhìn vào lỗi lầm của người yêu? Nếu chúng ta đứng ở vị trí của người vợ hay cô con gái đã trưởng thành của ông Trí, người đàn ông giàu có, thì sẽ cư xử với ông chồng và “cô bồ nhí” như thế nào cho phải lẽ?
Cuộc sống đôi khi khiến ta rơi vào một mớ rắc rối cần tháo gỡ và chỉ có sự thấu hiểu và bao dung mới nhẹ lòng, còn không sẽ rất dễ dẫn tới sự phán xét. Vở kịch đã làm được điều ấy – khép lại bằng sự cảm thông giữa những người phụ nữ đã trải qua những tổn thương. Một người thừa sắc sảo để biết cách dằn vặt ông chồng ngoại tình và thao túng tâm lý cô nhân tình của ông; một cô gái trẻ sau những lỗi lầm chỉ ước ao một lần được đứng trước người đàn bà đã từng bị mình “giật chồng” để nói một lời xin lỗi chân thành nhất; còn cô con gái đã bình tĩnh lại sau cú chấn động mà ba mẹ gây nên đã biết nhìn vào khổ đau của cô gái đồng trang lứa thiếu may mắn…
Hạnh phúc có mùi gì?
Như tựa đề vở kịch, chữ “mùi” được nhiều nhân vật đề cập đến như một cách nói ẩn dụ về “tình trạng hạnh phúc” của mỗi người. Ở góc độ của Hải, khi bước vào căn nhà cần sửa điện, anh nghe thấy mùi tanh (mùi của tình yêu lén lút). Ở góc độ của người con, cô đã nhận thấy ẩm mốc trong căn nhà của mình (mùi của tình yêu đang bị “phân huỷ” mà được bày biện bằng một hạnh phúc giả tạo).
Ở góc độ của Bạch Vân, cô đã nhận ra mùi thuốc tẩy khi vào nhà người bạn thân của mình (nhưng làm sao có thể làm sạch được những giả dối của cả cô và cô bạn thân đã từng)… Và cũng chính ở từng vị trí khác nhau, người ta sẽ nhận thấy “mùi” của hạnh phúc rất khác nhau, như cách Bạch Vân nhận ra sau những gì đã trải qua rằng, hạnh phúc phải có mùi tinh khôi chứ không thể pha lẫn sự dối lừa dù bất cứ lý do nào. Và quan trọng là, trước một sự việc xảy ra, nên chăng ta không nên tốn quá nhiều công sức vào việc phán xét đúng sai mà hãy nhìn nó bằng sự bao dung và lắng lòng nghe thật kỹ hạnh phúc của mình đang có “mùi” gì để điều chỉnh.
Thuý Diễm – cô diễn viên đã được khán giả quen mặt trong các bộ phim truyền hình – lần đầu đến với sân khấu kịch đã được đạo diễn Thành Hội trao cho vai chính có tâm lý khá nặng. Không như những diễn viên dày dạn sân khấu, Bạch Vân của Diễm chưa có hình thể đẹp hoặc cách thoại khiến khán giả “nổi da gà” hay những khoảng lặng cần thiết trong suất đầu tiên nhưng cô như làn gió mới với nét diễn tươi tắn, mang tinh thần cầu thị và đã chuyển tải nội tâm nhân vật tốt hơn qua từng suất diễn sau đó.
Trong khi đó, nghệ sĩ Ái Như đã diễn tả chân thực cái lạnh lùng, sắc sảo của một bà vợ bị chồng qua mặt. Hai cảnh hay nhất của vở kịch đều có sự góp mặt của chị. Đó là cảnh vợ chồng ông Trí “đấu tố” nhau sau nhiều năm hai người chung sống bằng vẻ ngoài phẳng lặng và cảnh bà Thương hắt ly nước vào mặt Bạch Vân như một sự gột rửa cho những sai lầm của cô gái đáng tuổi con mình.
Ngoài ra, vở kịch còn có sự tham gia của các diễn viên trẻ quen thuộc của Hoàng Thái Thanh, tất cả đều thể hiện khá tròn vai diễn của mình.
Trong mùa diễn này, vở Mùi của hạnh phúc sẽ có hai ê-kíp diễn viên thay phiên nhau. Đây không phải là đúp vai khi diễn viên của ê-kíp chính kẹt lịch mà là cách để Hoàng Thái Thanh dễ dàng sắp xếp lịch diễn hơn và cũng để nhiều diễn viên của sân khấu có dịp gặp khán giả của mình. Chính vì vậy, cả hai ê-kíp đều phải tuân thủ lịch tập và lịch diễn như nhau để nuôi tâm lý nhân vật tốt và “chạy trơn tru” khi ra sân khấu.