Các hãng hàng không giá rẻ đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt với ngành hàng không thương mại tại châu Á. Song song với sự tăng trưởng nhanh chóng, ngành sửa chữa máy bay cũng diễn ra cạnh tranh gay gắt khi Indonesia và Thái Lan nhảy vào lĩnh vực vốn lâu nay là thế mạnh của Singapore.
GMF AeroAsia, công ty con chuyên phụ trách về kỹ thuật của Garuda Airways đã chính thức khai trương một xưởng sửa chữa máy bay lớn nhất thế giới dành cho loại máy bay thân hẹp vào năm 2015 đặt tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, một cửa ngõ hàng không quan trọng của Indonesia ở ngoại ô Jakarta. Có diện tích phục vụ cùng lúc 16 chiếc máy bay, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sửa chữa cho Hãng hàng không Garuda và hãng hàng không con là Citilink, xưởng này còn thực hiện những dịch vụ sửa chữa dành cho các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài khác như AirAsia, IndiGo của Ấn Độ và Nordwind của Nga.
Theo một khảo sát vào năm 2017, lợi thế về dân số đông và trẻ đạt 261 triệu người lớn nhất khu vực Đông Nam Á cùng với mức lương trung bình dành cho kỹ sư hàng không chỉ bằng 1/6 so với Singapore, Indonesia có nhiều ưu thế để có thể vượt qua nước này.
Hàng thập niên qua, ngành kỹ thuật hàng không thương mại, thị trường sửa chữa và đại tu máy bay tại Đông Nam Á hoàn toàn bị kiểm soát bởi những doanh nghiệp hàng đầu Singapore tại sân bay quy mô hàng đầu thế giới là Changi. Những công ty bảo trì này đã cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì cho nhiều hãng hàng không cả trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, hiện họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Thị trường hàng không giá rẻ đang nắm giữ quyền lực đằng sau sự bùng nổ về tăng trưởng thị trường tại châu Á, nhưng hầu hết thậm chí kể cả như AirAsia – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực, cũng chỉ sở hữu những cơ sở kỹ thuật tối thiểu và sử dụng những dịch vụ sửa chữa quy mô nhỏ cùng với các đối thủ khác hoặc những nhà cung ứng dịch vụ độc lập.
Các dòng máy bay thương mại đều đòi hỏi sự giám sát cao về khả năng hoạt động sau mỗi chuyến bay cũng như việc bảo trì định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, do không tạo ra lợi nhuận trong lúc phải sửa chữa hay kiểm định máy bay cùng với việc áp dụng phương thức xoay vòng nhanh giữa các chuyến bay để tận dụng tối đa thời gian khai thác, nên việc sở hữu lượng nhân sự cao sẽ chiếm nhiều ưu thế để rút ngắn tối đa quy trình này.
Nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng phát triển của thị trường hàng không nội địa tại Indonesia tùy thuộc vào cấu trúc địa hình của quốc gia này – gồm những chuỗi đảo nằm rải rác trong một diện tích lãnh thổ rộng lớn. Đây cũng là một lợi thế cho những dự án phát triển đầy kỳ vọng của các công ty kỹ thuật hàng không của quốc gia này trong tương lai. Công ty GMF cũng lên kế hoạch đầu tư 400 triệu USD trong năm năm tới để mở rộng những cơ sở vật chất của doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào phục vụ cho dòng máy bay thân hẹp – một dòng máy bay chiếm đa số tại các hãng hàng không giá rẻ. Hiện tại, GMF đang có bốn xưởng sửa chữa đặt tại sân bay Soekarno-Hatta và sẽ tiếp tục khai trương những cơ sở dịch vụ mới tại đảo Batam gần với lãnh thổ của Singapore vào năm 2019.
Chi phí lương bổng cho nhân sự tại các đảo cũng thấp hơn rất nhiều so với tại Jakarta đồng thời vị trí địa lý cũng gần với những thị trường chủ lực mà doanh nghiệp này đang hướng tới như Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngành công nghiệp hàng không tại châu Á, sự tăng trưởng của phân khúc hàng không giá rẻ có sự cạnh tranh khốc liệt về giá tạo nên một môi trường kinh doanh khắc nghiệt cho phân khúc hàng không truyền thống như Garuda vốn từng phải rơi vào mức báo động phá sản vào năm 2017.
Những công ty này hiện đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư phát triển vào những đối thủ thấp tầm hơn thông qua lĩnh vực bảo trì kỹ thuật. Tập đoàn ANA của Nhật Bản cũng sẽ nhảy vào lĩnh vực này bằng việc công bố khai trương những dịch vụ bảo trì tại sân bay Naha thuộc tỉnh Okinawa gần với lãnh thổ châu Á vào năm 2019. Hãng hàng không quốc gia của Thái Lan – Thai Airways bị lỗ nặng vào năm 2017 cũng đang xúc tiến việc vay ngân hàng để đầu tư mở rộng lĩnh vực bảo trì máy bay. Trong tháng 6 vừa qua, hãng này đã ký kết với Airbus để mở một trung tâm bảo trì trong khu vực hành lang kinh tế phía đông, một khu vực kinh tế đặc biệt nằm trên vịnh Thái Lan với tổng số vốn đầu tư dự kiến 11 tỉ baht. Cũng trong tháng 6, Thai Airways cũng được Rolls-Royce cấp chứng nhận là trung tâm bảo trì đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ bảo trì kỹ thuật đối với những động cơ dòng Trent của thương hiệu nước Anh này.
Trong khi đó, những xưởng sửa chữa của người Singapore lại đang chuyển sang những dịch vụ công nghệ mang tính cao cấp hơn như sự tự động hóa để cung cấp những kỹ thuật chất lượng cao và giữ vị thế cạnh tranh của họ. Công ty Singapore Technologies Engineering – nhà cung cấp dịch vụ bảo trì thân máy bay lớn nhất thế giới đã bắt đầu triển khai những đợt thử nghiệm thiết bị không người lái bay cao hơn máy bay để phát hiện ra những vấn đề của thân máy bay ngay khi đang bay như vết nứt, sự co giãn hay vết rách… Mặc dù chi phí nhân sự tại Singapore khá cao nhưng bù lại quốc gia này lại sở hữu những kỹ thuật viên có kỹ thuật cao để thực hiện những sửa chữa phức tạp và hoàn hảo hơn rất nhiều.
Sự mở rộng của thị trường bảo trì kỹ thuật máy bay đáp ứng sự gia tăng thần tốc về số lượng máy bay khai thác trong khu vực. Số lượng máy bay giao mới cho các hãng hàng không tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm đến 40% so với tổng lượng của toàn thế giới từ năm 2018 đến năm 2037, ước tính đạt 42.000 chiếc theo số liệu dự kiến của Boeing, trong đó khu vực Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ là những khách hàng lón bên cạnh những đại gia từ Ấn Độ và Trung Quốc.