Chợ cá rộng 66.000m2 cổ nhất ở Seoul, một nơi hầu như du khách quốc tế nào cũng muốn tới thưởng thức tại chỗ món bạch tuộc trộn dầu, mè, nhất quyết không chịu chuyển đến chợ mới xây cất hiện đại lộng lẫy. Bởi những người bán cá ở đây muốn giữ trọn cái hồn nơi làm ăn thịnh vượng gần nửa thế kỷ qua. Baek Kiyng-boo, 73 tuổi, cùng vợ bán sò ở đây từ năm 1971, nói: “Noriyangjin là cuộc sống của tôi. Ba giờ rưỡi sáng đã có mặt, cứ thế ở chợ suốt 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày”.
Mặt khác, những người bán hàng thấy mặt bằng bán hàng của họ ở chợ mới bị thu hẹp lại mà lại phải thuê với giá cao hơn.
Chợ mới bằng kính – nhôm, hình cá heo, do Công ty Suhyup quản lý với số vốn đầu tư 384 triệu euro xây cất ngay sát cạnh chợ cũ Noriyangjin. Chợ cũ không những xập xệ mà còn nguy hiểm cả với người bán lẫn người mua.
Dẫu đã qua 23 phiên thương thảo, chợ mới vẫn cứ là “chợ ma”, hoạt động chỉ mỗi bãi đậu xe và hệ thống kho lạnh ngầm. Luôn vang tiếng loa chèo kéo, đe dọa hạn chót chuyển sang chợ mới là giữa tháng Ba năm nay. Thế là bùng nổ cuộc tranh luận ồn ã, khi người dân thủ đô Hàn Quốc nô nức cải tạo, hiện đại hóa thành phố.
Chợ cá Noriyangjin ở phía nam Seoul nơi sừng sững những nhà chọc trời bề thế. Chợ mở cửa suốt 24/24 giờ. Hải sản ở đây không thiếu một thứ gì và tươi rói, đủ cả bán sỉ ở chợ đầu mối lẫn bán lẻ ở chợ dân sinh. Trung bình mỗi ngày đón 30 ngàn khách đi chợ. Lên tiếng bảo vệ những người buôn bán cá, Lee Seung-ki cho rằng dọn sang chợ mới là làm tiêu tan hoàn toàn thanh danh Noriyangjin, chỉ nên quy hoạch lại chợ cũ là tốt rồi.
Những người buôn bán chợ cũ mỗi tuần hai lần thay nhau diễu hành quanh các lối đi trong chợ và gõ mõ, thỉnh chuông, tụng kinh đòi giữ lại chợ cũ Noriyangjin.
Lê Lành theo L’OBS société (DNSGCT)