Thông thường trong cuộc sống, kết quả hay giá trị mà chúng ta nhận được sẽ có khác biệt tùy theo sự lựa chọn trước đó của mỗi người. Học đại học hay đi làm, làm trái ngành hay làm công việc đúng ngành được đào tạo, mua nhà hay ở nhà thuê, đầu tư hay gửi tiết kiệm… Mỗi quyết định đều tạo ra những kết quả khác nhau.
Tất nhiên, không ai có thể biết được chính xác kết quả nào ẩn sau mỗi sự lựa chọn ấy, nhưng với sự hỗ trợ của các chuyên gia phân tích, chúng ta có thể dễ dàng hình dung kết quả hơn, đặc biệt trong vấn đề tài chính.
Dưới đây là hai vấn đề tài chính thú vị mà chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng, qua đó thay đổi các giá trị tài chính mà bản thân có thể nhận được.
Tỉ phú thường khởi nghiệp bằng nghề… bán hàng
Theo một phân tích của Công ty tuyển dụng Aaron Wallis, dựa trên việc nghiên cứu sự nghiệp của 100 tỉ phú giàu nhất thế giới (theo danh sách của Forbes), đã phát hiện ra rằng, 53% tỉ phú bắt đầu hành trình làm giàu của mình bằng việc làm thuê, và công việc đầu tiên của họ chính là bán hàng (chiếm tỷ lệ 10%, cao nhất, xếp trên các công việc khác là chuyên viên môi giới chứng khoán – 9%, chuyên viên phát triển phần mềm – 5% hay kỹ sư – 5%).
Thông qua việc bán hàng, các tỉ phú có thể sớm làm quen, học được các kỹ năng trong đàm phán, giao dịch, đối thoại trong kinh doanh. Chính việc học được các kỹ năng bán hàng sớm, ở ngay thời điểm đầu tiên trong sự nghiệp, giúp cho họ sau này có thể ký kết được những hợp đồng giá trị hàng triệu USD.
Tiêu biểu nhất cho hành trình này chính là George Soros, sở hữu khối tài sản 23 tỉ USD và Michael Dell, với khối tàn sản 23,3 tỉ USD (theo Forbes). George Soros bắt đầu sự nghiệp từ một nhân viên bán hàng cho cửa hàng đồ chơi, còn Michael Dell khởi đầu hành trình lừng lẫy với vai trò nhân viên bán hàng cho một tờ báo (theo Business Insider).
“Giới trẻ ngày nay thường xem bán hàng là công việc tầm thường, đôi khi còn là công việc dành cho những người không thể chen chân vào những công việc khác, bởi chẳng có trường đại học hay cao đẳng nào mở khoa chuyên về bán hàng cả. Chỉ toàn về tài chính – kế toán, tiếp thị, quản trị kinh doanh,… Tất nhiên, để bán hàng, bạn không cần nhiều bằng cấp, nhưng để trở thành người bán hàng giỏi, bạn cần nhiều thứ và những thứ ấy thậm chí cả Harvard cũng không thể dạy bạn” – nhóm nghiên cứu thuộc Aaron Wallis chia sẻ.
Bạn có thể đã bỏ quên 1 triệu USD ở nơi làm việc
Một báo cáo của Tập đoàn Nomura, dựa trên việc thống kê 2.400 nhân viên làm việc ở khắp nơi trên thế giới, đã chỉ ra rằng, các nhân viên thường có sự thay đổi trong công việc (nhảy việc) có thể có thu nhập cao hơn người cùng vị trí nhưng làm việc lâu năm ở một công ty, ít nhất là 1%/năm. Lý do chính là vì những người làm việc lâu năm ít có cơ hội đàm phán về lương hơn những cá nhân hay thay đổi công việc.
Lynn Taylor, chuyên gia tài chính cá nhân, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Lynn Taylor Consulting, đã trực tiếp kiểm chứng thử nghiệm này, khi theo dõi dữ liệu của hai nhân viên là Taylor và Alex, những người có sự tương đồng về bằng cấp, học thức, trình độ, từ khi họ 22 tuổi cho đến khi họ 67 tuổi.
Alex chấp nhận mức lương khởi điểm ở công ty là 45.000 USD và được tăng 1% mỗi năm. Còn Taylor đã thương lượng thêm 5.000 USD với mức lương khởi điểm là 50.000 USD, được tăng 1% lương mỗi năm và thương lượng mức lương mới đều đặn sau mỗi ba năm. Kết quả, đến thời điểm họ nghỉ hưu, Taylor có mức lương 121.370 USD/năm, trong khi Alex có mức lương 70.416 USD/năm. Tổng quan hơn, trong suốt sự nghiệp của mình, Taylor kiếm được hơn Alex 1,06 triệu USD.
Giải thích cho kết quả này, Lynn Taylor cho rằng, chúng ta thường không có thứ mình xứng đáng được nhận, mà chỉ có thứ chúng ta thương lượng được. Sự khác biệt giữa Taylor và Alex chỉ nằm ở một điểm, đó là khả năng đàm phán mức lương của hai người. Trong khi Taylor thực hiện việc này đều đặn, thì Alex lại khá thờ ơ với thành quả của mình. Đó cũng là lý do vì sao những cá nhân thường nhảy việc sẽ có mức lương cao hơn, bởi vì họ phải thường xuyên đàm phán về lương bổng.
“Theo tôi, chỉ có hai kiểu nhân sự, đó là những người đi làm vì tiền và những người đi làm vì rất nhiều tiền. Khi bạn yêu, đam mê một công việc, bạn sẽ làm nó vì rất nhiều tiền, bởi tiền bạc lúc này không chỉ nuôi sống bạn, mà còn là thứ khẳng định giá trị, ước mơ, mục tiêu của bạn với xã hội, với cộng đồng. Vì thế, đừng ngại ngùng khi thương lượng về lương và tiền bạc, đó là giá trị của bạn. Tất nhiên, tôi không nói chúng ta nên nhảy việc mỗi hai hay bốn năm, nhưng thông thường, sau mỗi hai năm, bạn nên nhìn lại hành trình công việc của mình một lần, để có những tính toán hợp lý” – Lynn Taylor chia sẻ.
- Tuấn Thành