Nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa Ngân hàng Đông Á vào diện “kiểm soát đặc biệt”.
Trong thông báo công bố kết luận thanh tra với Ngân hàng TMCP Đông Á (EAB) và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này từ ngày 13-8-2015, NHNN cho biết nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của EAB sẽ bị miễn nhiệm.
Thông báo viết: NHNN đã thanh tra toàn diện về EAB. Kết quả thanh tra cho thấy từ năm 2012 trở về trước EAB đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của EAB.
Theo đó, NHNN cũng sẽ miễn nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của EAB và phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo vệ pháp luật, xử lý nghiêm minh các tập thể cá nhân vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân ở đây.
Cơ quan quản lý cũng sẽ cử những cán bộ có năng lực chuyên môn từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đảm nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt của EAB để thực hiện điều hành quản trị và kiểm soát đối với ngân hàng này.
NHNN sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ và cần thiết để đảm bảo hoạt động an toàn và đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, các quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan. Đồng thời NHNN sẽ cơ cấu lại toàn bộ EAB để đưa ngân hàng này hoạt động an toàn và phát triển bền vững.
Thông tin tại đại hội đồng cổ đông của EAB họp vào ngày 21-7 cho thấy EAB cũng gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong các năm trước. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận 2014 trình các cổ đông thì lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt 26,9 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế được phép phân phối chỉ còn 21,4 tỉ đồng.
Nợ xấu tính đến 31-12-2014 là 1.947 tỉ đồng, giảm 170 tỉ đồng so với năm 2013 nhưng vẫn còn ở mức 3,76% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm 15-8 dẫn lời ông Lê Kim Hòa, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), đơn vị tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á, khẳng định “thanh khoản của Ngân hàng Đông Á tiếp tục được đảm bảo, lợi ích của người gửi tiền được bảo vệ”.
Ông Hòa cho biết việc tham gia của BIDV vào Ban kiểm soát đặc biệt Đông Á là do NHNN chỉ định.
Trong một diễn biến khác, NHNN đã có công văn chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đồng thời ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Sacombank, phải ủy quyền cổ đông cho NHNN và không được tham gia quản trị, điều hành sau sáp nhập.
Ngân hàng Nhà nước cũng nói rõ trong suốt quá trình xây dựng và triển khai thực hiện đề án, NHNN luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Như vậy, sau khi ông Trầm Bê cam kết ủy quyền cổ đông cho NHNN, Thống đốc NHNN đã chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. NHNN cũng yêu cầu hai ngân hàng này hoàn tất hồ sơ theo quy định để trình Thống đốc NHNN xem xét, chấp thuận việc sáp nhập.
Theo đề án sáp nhập, ngân hàng sau sáp nhập có kế hoạch tổng tài sản hơn 290.860 tỉ đồng trong năm 2015, thu nhập lãi thuần 5.130 tỉ. Tỷ lệ nợ xấu 3%. Tỷ lệ trả cổ tức từ 2015-2017 dự kiến là 3%/năm.
Gia Minh (DNSGCT)