Một số quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nước ngoài chuẩn bị tái cơ cấu danh mục quý I-2019. Tuy nhiên, dự báo tác động của kỳ tái cơ cấu này lên diễn biến chung của thị trường sẽ không quá lớn.
Ngày 1-3, Quỹ FTSE Vietnam ETF (FTSE ETF) đã công bố danh mục FTSE Vietnam Index, theo đó sẽ không loại hay thêm mới bất kỳ cổ phiếu nào trong đợt tái cơ cấu danh mục quý I-2019. Quỹ FTSE do Deutsche Bank quản lý và đầu tư dựa trên chỉ số cơ sở FTSE Vietnam Index với tổng tài sản tính đến cuối tháng 2-2019 là 312,8 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, FTSE ETF sẽ thực hiện điều chỉnh tỷ trọng của nhiều mã cổ phiếu trong danh mục. Một số cổ phiếu có thể bị quỹ bán ròng là VIC, VNM, VHM hay VRE. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, những cổ phiếu có thể được mua ròng là VCB, NVL, BVH…Trong danh mục FTSE ETF, VHM đang là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất (16,4%), tiếp theo là VIC (16,13%), VNM (15,67%), MSN (9,95%)…
Ngày 8-3, MV Index Solutions cũng đã công bố kết quả cơ cấu định kỳ lần đầu tiên trong năm 2019 của chỉ số MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF). Không ngoài dự báo trước đó của các công ty chứng khoán, MVIS Vietnam Index đã không có sự thay đổi bất kỳ nào trong cơ cấu thành phần rổ chỉ số, đồng nghĩa với việc VNM ETF sẽ không thêm, bớt cổ phiếu nào trong kỳ cơ cấu này. Tuy vậy, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ được tăng thêm 1,18%, lên mức 72,33%.
Giá trị danh mục VNM ETF hiện đạt 406,6 triệu USD. Với kết quả danh mục được công bố, dự báo VIC và VNM sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (8%), tiếp theo là VHM (7%), NVL (6,5%), VCB (6%)… Trong đó, VNM, NVL, BVH, MSN, SSI là những cổ phiếu được tăng tỷ trọng đáng kể. Ngược lại, những cổ phiếu bị hạ tỷ trọng có VIC, VHM, VCB, VRE… Cả hai quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF sẽ hoàn tất việc cơ cấu danh mục trong tuần giao dịch từ 11-3 đến 15-3-2019.
Trong những kỳ đảo danh mục gần đây, các quỹ ETF thường không để cho việc thay đổi tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục có biến động giá quá lớn. Cụ thể, các quỹ ETF sẽ bám sát nhất với mức giá tại ngày cuối cùng của kỳ tái cơ cấu danh mục, đó là sử dụng lệnh ATC vào phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa. Ở một số trường hợp, các quỹ có thể mua/bán trước một phần trong khoảng thời gian cho phép, phần còn lại mới sử dụng lệnh ATC vào ngày cuối cùng của đợt tái cơ cấu.
Trên thực tế, thị trường đã quen dần với các kỳ tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF nước ngoài lớn nhất tại thị trường Việt Nam, do vậy hoạt động này không còn tạo ra các cú sốc tâm lý như trước. Thêm vào đó, việc thanh khoản thị trường tăng cao, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn là đối tượng quan tâm của các quỹ ETF, khiến mức độ ảnh hưởng của động thái tái cơ cấu danh mục nhanh chóng được hấp thụ và không gây ảnh hưởng lớn đến xu hướng của các chỉ số chứng khoán.
Thực tế, việc vận hành của các quỹ ETF có những quy luật và điều lệ riêng, các quỹ đều phải bám sát để thực hiện. Trong mỗi kỳ tái cơ cấu, những mã được thêm/bớt hay tăng/giảm tỷ trọng trong danh mục của quỹ ETF đa phần đều nằm trong dự báo của giới đầu tư trước đó, nên đã có các hoạt động đầu cơ giá từ trước đối với các cổ phiếu đó. Do vậy, khi các quỹ chính thức thực hiện tái cơ cấu thì giá các cổ phiếu này không tăng, có khi còn giảm. Ngược lại, cơ hội lại đến từ những cổ phiếu chịu áp lực bán của các quỹ trong ngắn hạn.
Theo đó, một số cổ phiếu mua thêm hay bán bớt có thể gây ảnh hưởng về giao dịch trong ngày tái cơ cấu cuối cùng, nhưng về tổng thể sẽ không mấy tác động đến xu hướng chung của giá cổ phiếu. Trong trường hợp các cổ phiếu được thêm vào hoặc bán ra với khối lượng lớn, không loại trừ khả năng các quỹ ETF sử dụng biện pháp kỹ thuật qua các “tài khoản vệ tinh”, từ đó tạo ra các lệnh mua/bán đối ứng trong ngày thực hiện tái cơ cấu danh mục, thậm chí là thực hiện mua/bán sẵn trước ngày công bố chính thức nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Với phương thức này, tác động của kỳ tái cơ cấu đến xu hướng thị trường nói chung càng được giảm bớt.