Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind hôm 2-3 tổ chức lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đến thăm nước này với 21 loạt đại bác chào mừng, là nghi thức cao nhất khẳng định vai trò then chốt của Việt Nam trong chính sách của Ấn Độ.
Hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau lễ đón, Chủ tịch nước Việt Nam tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam có vai trò then chốt và vị trí ưu tiên trong chính sách này.
Hai bên nhất trí thực hiện các cam kết chính trị ở cấp cao, thống nhất triển khai các biện pháp đột phá để đạt thương mại hai chiều 15 tỉ USD vào năm 2020, nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng – an ninh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam mong đón thêm dòng đầu tư từ các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng, giáo dục, công nghệ thông tin.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Các bên cần tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Triển vọng và tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước còn rất lớn. Hai nước tiếp tục thúc đẩy sự tin cậy cao về chính trị thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cấp, tăng cường triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015-2020.
Về mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỉ USD vào năm 2020, Chủ tịch nước Việt Nam nói hai bên cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu; đẩy mạnh kết nối hàng không và hàng hải, hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Ngoài ra, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết, hợp tác trên các lĩnh vực.
Theo ông, với những thuận lợi như có vị trí chiến lược ở Nam Á và Đông Nam Á, dân số trẻ, lực lượng lao động lớn, thị trường lớn, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, phát triển nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ nano, vật liệu mới…
Chủ tịch Trần Đại Quang mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Một động thái ngoại giao quan trọng khác đã diễn ra hôm đầu tuần khi Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cùng với các chiến hạm khác như USS Lake Champlain, USS Wayne E. Meyer của Mỹ chính thức cập cảng Tiên Sa của Đà Nẵng và có chuyến thăm Việt Nam năm ngày.
Chuyến thăm lịch sử của hạm đội tàu sân bay USS Carl Vinson thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Việt Nam nói riêng cũng như giới quan tâm trên toàn thế giới.
Sau buổi đón tiếp, khoảng 3.000 thủy thủ đội tàu tham quan Đà Nẵng và có các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm.
Hạm đội tàu sân bay cũng đã giao lưu, trao quà cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng nguyên tử, có hơn 3.000 thủy thủ, khi hoạt động ở ngoại quốc, USS Carl Vinson chở theo hơn 60 máy bay và thêm 2.000 thủy thủ nữa.
Dù không phải con tàu lớn nhất, USS Carl Vinson vẫn là niềm tự hào của hải quân Mỹ và đó không chỉ là một sản phẩm để phô trương sức mạnh. Đây là lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ ghé Việt Nam thời kỳ hậu chiến. Dưới con mắt của giới chuyên gia, chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson có nhiều ý nghĩa, qua đó muốn chứng tỏ với các nước rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực này.
Tờ Asia Times gọi việc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tới Đà Nẵng là “một chuyến thăm lịch sử”. Mỹ từng cử nhiều tàu khu trục tới thăm Việt Nam, USS Carl Vinson được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Tờ The Washington Post cũng dẫn lời ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, khẳng định, đây là một phần trong việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Trong một tuyên bố hồi tháng 1-2018, Trung Quốc cho thấy không phản đối chuyến thăm Việt Nam của hàng không mẫu hạm Mỹ khi bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được hãng thông tấn Reuters dẫn lời: “Chừng nào hoạt động trao đổi quân sự này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, khi đó, tất nhiên là chúng tôi không phản đối”.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm lịch sử của Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson không những củng cố quan hệ song phương mà còn đóng góp vào ổn định khu vực.
Nhận định về sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng điều này cho thấy “Việt Nam tiếp tục theo đuổi trao đổi quốc phòng với Hoa Kỳ một cách đều đặn và thận trọng”. “Tàu sân bay USS Carl Vinson là một biểu tượng sức mạnh hàng hải. USS Carl Vinson và các tàu tháp tùng mang sức mạnh tới Biển Đông còn hơn tất cả bảy hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Thayer nói.