Dù các chỉ số và thanh khoản thị trường vẫn có chiều hướng suy giảm, thì nhìn chung, việc VN-Index còn dao động quanh vùng giá 710 trong những ngày trung tuần tháng Tư được xem là khá tích cực. Cũng có nhà đầu tư thận trọng tạm rời khỏi thị trường để chờ xu thế rõ ràng, nhưng số người “tham lam khi thị trường sợ hãi” còn nhiều hơn, sẵn sàng nắm bắt cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ trong những phiên giảm điểm. Chính lực cầu mạnh ở vùng giá thấp này đã giúp cho VN-Index thường bật lên mỗi lúc chìm sâu trong sắc đỏ. Cũng phải kể đến tác động “giữ nhịp” của nhà đầu tư nước ngoài, khi họ vẫn đang giữ xu thế mua ròng, đem lại sự bình ổn tâm lý cho những ai còn lo ngại về một phản ứng đổ vỡ dây chuyền.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường chưa chấm dứt, bởi mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết sắp kết thúc. Thị trường chuẩn bị bước vào giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ, có thể dẫn đến sự điều chỉnh mạnh. Hay ít ra, cũng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu không có thông tin hỗ trợ có thể bị bán ra dồn dập và giảm giá sâu. Việc khối lượng giao dịch trung bình giảm xuống cho thấy rõ sự thận trọng của nhà đầu tư và cũng chứng tỏ hoạt động đầu cơ giảm xuống kể từ khi VN-Index điều chỉnh từ vùng 730 điểm.
Như vậy là sau SAB (Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn), VJC (Công ty cổ phần Hàng không VIETJET), mới có thêm một bluechip nữa “chào sàn”, đó là cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Ngay khi chính thức được giao dịch trên HSX (ngày 21-4), PLX đã trở thành hàng “hot” mới trên thị trường, là đối tượng được cả nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước quan tâm. Cổ phiếu của một tập đoàn phân phối xăng dầu lớn nhất nước với các trạm xăng lớn ở vào vị trí đẹp tại các tỉnh thành, chiếm thị phần áp đảo so với các đối thủ, nên “hút hàng” là điều dễ hiểu. Không những thế, câu chuyện của PLX còn hay ho ở chỗ đơn vị mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách này sẽ được Nhà nước thoái vốn trong thời gian tới.
Với mức vốn hóa nằm trong Top 10 trên HSX, PLX sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index, điều mà GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) hay SAB đã và đang làm được. Cũng như nhiều bluechip khác trong giai đoạn đầu niêm yết, PLX được dự báo sẽ khuấy động thị trường, tạo nên những phiên giao dịch sôi động, bởi mức giá hiện nay của PLX (xấp xỉ 50 ngàn đồng/cổ phiếu) là khá thấp so với mặt bằng chung của các bluechip khác, đồng nghĩa với việc PLX còn có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, khi chọn cổ phiếu mới này, nhà đầu tư phải chấp nhận độ rủi ro nhất định, bởi tập đoàn nhà nước cồng kềnh ấy thời gian tới còn phải đau đầu với việc thoái vốn những công ty ngoài ngành khá dàn trải ở nhiều lĩnh vực – ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản.
Thị trường chứng khoán nước ta dù đã có bước suy giảm nhẹ nhưng nhìn chung vẫn đang giao dịch trong vùng giá khá cao. Vậy nên, vẫn cần đề phòng chuyện thị trường đi xuống và thanh khoản tụt giảm mạnh. Có lẽ việc sử dụng margin trong ngắn hạn là điều cần tránh, bởi xu hướng giảm của thị trường chưa có dấu hiệu kết thúc. Nên giảm lượng cổ phiếu nắm giữ cho đến khi tỷ lệ cổ phiếu/ tiền mặt trong tài khoản xuống dưới 50%. Lựa chọn những cổ phiếu giá trị cho chiến lược trung và dài hạn sẽ phù hợp hơn trong lúc này và thị trường suy giảm luôn là cơ hội cho việc tái cơ cấu danh mục. Những cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong năm nay cần được ưu tiên.
- Ngọc Khang