Trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ sống của các bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số nước ta, Tập đoàn dược phẩm và chăm sóc sức khỏe dựa trên nghiên cứu và phát triển GlaxoSmithKline (GSK) hợp tác cùng tổ chức phi chính phủ lớn nhất hoạt động vì trẻ em trên thế giới Save the Children (SC) triển khai dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số”.
Với kinh phí hơn 8 tỉ đồng (356.000 USD), mục tiêu của dự án là tạo nên những thay đổi đáng kể tại các cộng đồng khó khăn trong ba năm tới.
Để tìm hiểu thêm về dự án, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông James Strenner – Trưởng Văn phòng đại diện GSK Pte Ltd và bà Dragana Strinic – Giám đốc quốc gia của tổ chức Save the Children tại Việt Nam.
Quý vị có thể chia sẻ mục đích của sự hợp tác giữa GSK và SC, để cùng thực hiện dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số”?
Bà Dragana Strinic: Hợp tác chiến lược của GSK và Save the Children mang tính đột phá, kết hợp nguồn lực, chuyên môn của cả hai tổ chức, hướng đến mục tiêu to lớn là cứu mạng sống của 1 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Cùng với nhau, chúng tôi đang tìm kiếm những giải pháp mới để giảm tử vong ở trẻ em.
Tại Việt Nam, tuy đã có sự cải thiện đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ sống của các bà mẹ, trẻ em trên cả nước nhưng riêng ở khu vực vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn cao gấp 2 hoặc 3 lần so với bình quân cả nước.
Một khảo sát mà SC thực hiện vào năm 2014 tại sáu xã dân tộc thiểu số thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho thấy, có đến 91% bà mẹ sinh con tại nhà mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhân viên y tế.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng các bà mẹ sinh con ngay trên sàn nhà, dây rốn được cắt bằng dao, kéo không được xử lý khử trùng… Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải có một giải pháp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng sâu vùng xa. Nhưng nếu chỉ thực hiện một cách đơn lẻ, sự thay đổi sẽ khó được như mong muốn.
Ông James Strenner: Hiện nay, trên thế giới có đến 5,9 triệu trẻ dưới năm tuổi tử vong vì những bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tại Việt Nam, cụ thể là các vùng sâu vùng xa cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể những ca tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh với những can thiệp đúng cách. GSK hiểu rằng có nhiều rào cản và trở ngại mà người dân gặp phải khi tiếp cận hệ thống y tế và chúng ta chỉ giải quyết được những khó khăn đó khi hợp tác với các tổ chức và cá nhân thích hợp.
GSK và SC đã có nền tảng hợp tác trên toàn cầu, do vậy, chúng tôi cũng đang phối hợp chặt chẽ để cùng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt khu vực tập trung nhiều dân tộc thiểu số như Yên Bái, nơi điều kiện chăm sóc sức khỏe còn nhiều thiếu thốn và hạn chế.
Cụ thể hơn về dự án này, GSK và SC đã đặt ra mục tiêu như thế nào?
Ông James Strenner: Chúng tôi hy vọng dự án này sẽ giúp nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, cũng như góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em sơ sinh tại Yên Bái. Chúng tôi mong rằng, cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ được tiếp cận nhiều hơn với chăm sóc y tế cơ bản, thông qua việc hỗ trợ các trung tâm y tế xã Trạm Tấu và huyện Nghĩa Lộ.
Bà Dragana Strinic: Với sự hỗ trợ của GSK, SC phối hợp với Bộ Y tế và chính quyền tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu và Nghĩa Lộ triển khai thành lập phòng đơn nguyên sơ sinh và áp dụng phương pháp Kangaroo chăm sóc trẻ sinh thiếu tháng tại nhà. Phương pháp Kangaroo thực hành rất đơn giản, ôm bé trên ngực mẹ và giữ ấm bằng hơi ấm tiếp xúc qua da mẹ.
Chúng tôi nâng cao nhận thức cộng đồng dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh bằng các hoạt động tuyên truyền thay đổi hành vi.
Song song đó là hỗ trợ cung cấp trang thiết bị cần thiết, kế hoạch đào tạo cô đỡ thôn bản, nâng cao tay nghề cán bộ y tế địa phương nhằm mở rộng nhiều cơ hội tiếp cận cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Mục tiêu của chương trình là 67.000 bà mẹ và con của họ sẽ được hưởng lợi từ sự cải thiện chất lượng y tế này.
Quý vị có lường trước những khó khăn gặp phải khi thực hiện dự án?
Bà Dragana Strinic: Theo tôi, khó khăn lớn nhất là nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân địa phương. Như tôi đã chia sẻ, tình trạng bà mẹ sinh con tại nhà vẫn rất phổ biến.
Thậm chí, có những ca sinh khó cần chuyển lên bệnh viện, gia đình lại chọn mời thầy mo, thầy cúng, gây nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ và con.
Một điều cũng rất quan trọng đó là cách tiếp cận phải phù hợp và tôn trọng văn hóa người dân để họ có thể hiểu rõ hơn các lợi ích từ việc thay đổi tập tục.
Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số ở Trạm Tấu, Yên Bái, sinh sống trong điều kiện khó khăn, nhà ở cách trạm y tế, đường sá di chuyển không dễ dàng, đặc biệt là vào mùa mưa gió. Chúng tôi dự kiến sẽ thiết lập hệ thống tham khảo và cung cấp phương tiện di chuyển trong trường hợp khẩn cấp.
Chúng tôi cũng hy vọng có thể kêu gọi nhiều phụ nữ tham gia vì hầu hết cán bộ y tế hiện tại là nam giới, về lâu dài điều này ít nhiều sẽ bất tiện khi tư vấn về sức khỏe cho các sản phụ.
Bên cạnh dự án tại Việt Nam, GSK và SC toàn cầu còn những hợp tác nào khác?
Ông James Strenner: Vào tháng 5 năm 2013, GSK và Save the Children đã hình thành một mối quan hệ đối tác mang tính đột phá để giúp cứu mạng sống hơn 1 triệu trẻ em.
Kể từ đó, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong các sáng kiến bao gồm việc phát triển các loại thuốc thân thiện với trẻ như cải tiến công thức chất khử khuẩn chlorhexidine để làm sạch và ngăn ngừa nhiễm trùng ở gốc dây rốn trẻ sơ sinh, nguyên nhân chính khiến trẻ tử vong tại các nước kém phát triển, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận với các loại thuốc, vắc-xin và đào tạo nhân viên y tế.
Đặc biệt, GSK và Save the Children đã giới thiệu “Giải thưởng Đổi mới trong Chùm sóc Sức khỏe” trị giá 1 triệu USD để công nhận và trao thưởng cho những sáng kiến giúp làm giảm tỷ lệ trẻ em tử vong tại các nước đang phát triển.
Tháng 3 năm nay, chúng tôi rất tự hào trao tặng tổ chức PATH Việt Nam giải thưởng trị giá 400.000 USD cho “Immreg” – một ứng dụng kỹ thuật số giúp quản lý việc tiêm chủng, sáng kiến này sẽ có thể cứu mạng nhiều trẻ em ở vùng nông thôn Việt Nam khỏi những căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng tiêm chủng.
Cảm ơn những chia sẻ của quý vị.