Tạo nên bước ngoặt cho thời trang trong tương lai chỉ có thể là công nghệ mới, nhưng thực hiện nó bằng cách nào vẫn là câu hỏi khó. Liệu Google sẽ thành công khi hợp tác cùng Levi’s?
Trong gần một thế kỷ qua, thời trang đã có cải tiến ngoạn mục mà công nghệ góp phần không hề nhỏ. Trước tiên là những cỗ máy tạo nên sự đa dạng về nguyên vật liệu, chẳng hạn kỹ thuật dệt kim bằng máy, vải vóc làm bằng sợi tổng hợp. Gần đây nhất là kỹ thuật in 3D tân tiến cũng đã được ứng dụng trong thời trang. Công nghệ trong thời trang cũng là chủ đề chính của sự kiện thời trang đình đám Met Gala năm 2016 “Manus x Machina” nhằm tôn vinh những phát kiến trong thời trang mang dấu ấn của công nghệ.
Đã có những cuộc thử nghiệm, trong đó có “phi vụ” Apple Watch của Apple năm 2015 với kỳ vọng tạo ra một cuộc cải cách trong thời trang bằng công nghệ. Tiếc là những gì mà Apple mong đợi lại không phải là điều mà giới tiêu dùng đang tìm kiếm. Công nghệ đó hiện đại đấy nhưng lại chưa thực sự thiết thực. May mà thất bại không khiến người ta nản lòng và tiếng gọi của thời trang vẫn thúc đẩy nhiều thương hiệu kiên trì tìm kiếm những giải pháp mới.
Sự hợp tác giữa các thương hiệu lớn có thể đem lại những thành quả tốt đẹp hơn. Theo xu hướng đó, câu chuyện “hợp lực vì đại cuộc” đã diễn ra giữa một thương hiệu về công nghệ là Google và thương hiệu thời trang là Levi’s. Sự phối hợp giữa công nghệ “Jacquard” mới nhất của Google và trang phục jeans nổi tiếng của Levi’s có khả năng đem lại bước đột phá đáng giá.
Sản phẩm đầu tiên được hai thương hiệu này tạo ra là chiếc áo khoác jeans đậm được lắp đặt một bộ xử lý bên tay áo trái, cho phép người mặc có thể điều khiển chiếc smartphone của mình (chẳng hạn nhận cuộc gọi hay chuyển bài hát) mà không cần chạm vào màn hình. Điều đáng nói là các vi mạch được “dệt cùng” các sợi vải nên chủ nhân có quẳng chiếc áo vào máy giặt thì cũng không lo hệ thống điện tử bị hư hỏng. Chiếc áo khoác jeans Commuter Trucker của Levi’s được tích hợp công nghệ mới nhất của Google dự tính có giá bán khoảng 350 USD xem ra cũng không đến nỗi quá đắt đỏ.
Ivan Poupyrev – người sáng lập ra “Jacquard” đã tìm thấy sự tương đồng giữa cấu trúc của vải và cấu trúc của màn hình cảm ứng. Có vẻ như đây là phát hiện mới nhất để đưa công nghệ số vào thế giới thời trang mà không quá khó hiểu với thợ dệt vải, nhà thiết kế và cả người sử dụng. Bề mặt của trang phục vẫn là những sớ vải cotton dệt chéo, nhưng có khu vực đặc biệt được dệt lẫn với sợi vi mạch điện tử được kết nối với những bộ vi xử lý đặt trong nút áo hoặc giấu ở đâu đó trên trang phục. Nhờ đó, chiếc áo sẽ hoạt động như một bề mặt cảm ứng. Không chỉ dừng lại ở chất liệu jeans, nhóm phát triển vẫn còn tiếp tục nghiên cứu trên nhiều chất liệu khác để có thể ứng dụng công nghệ này cho nhiều loại trang phục nhằm phục vụ nhiều đối tượng hơn, trong đó những bộ suit lịch lãm dành cho giới văn phòng bận rộn sẽ được ưu tiên.
Dự án của Google và Levi’s vẫn đang được thực hiện, chưa rõ ngày nào sản phẩm mới sẽ ra đời và chính thức lên kệ. Tuy nhiên, những gì được “bật mí” tính đến thời điểm hiện tại đã tạo được sự hứng thú lẫn cả niềm tin về một bước ngoặt mới cho ngành công nghiệp thời trang trong tương lai không xa.
- Hoàng Lê