Giáo sư Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John von Neumann (JVN) – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được mọi người biết đến không chỉ là một nhà khoa học, giảng viên mà còn là Chủ tịch Hội Việt Nam Triathlon Club, người tích cực phát triển cộng đồng ba môn phối hợp (triathlon) gồm bơi lội, đạp xe và chạy bộ. Dù rất bận rộn với việc quản lý và giảng dạy, ông vẫn dành thời gian tổ chức các nhóm chạy, các buổi tập luyện để mọi người cùng tham gia. Ông còn tích cực tìm nguồn kinh phí cho những người khó khăn được tham gia giải Ironman. Gặp GS Dương Nguyên Vũ trong bộ trang phục thể thao và mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ông cho biết:
Sáng nay, khi đạp xe trong khu công nghệ cao Saigon Hi-Tech Park (quận 9), tôi tình cờ phát hiện ra những con đường yên tĩnh và bằng phẳng, ít bóng người qua lại. Chúng tôi chỉ cần được lao xe trên những con đường đẹp như vậy thì lòng đã vui sướng đến lạ. Người luyện tập thể thao hầu như có thể tìm thấy niềm vui mỗi ngày. Niềm vui đơn giản từ việc chiến thắng bản thân, bước ra khỏi giường và xỏ chân vào đôi giày khi trời chưa kịp sáng hay khi vượt lên chính mình để hoàn thành những đường chạy dài và đầy thách thức.
Ông từng nói thể thao là một phong cách sống, xin ông giải thích rõ hơn?
Thể thao là phong cách sống trải nghiệm hết mình với đời thực. Bình thường, chúng ta rất dễ rơi vào cuộc sống mang tính khái niệm, chẳng hạn như chúng ta mơ mình trúng vé số rất nhiều tiền, rồi chúng ta mất thời gian suy nghĩ rằng mình sẽ dùng số tiền đó cho những việc gì. Đến khi tỉnh dậy, cuộc sống của chúng ta không có gì thay đổi. Còn lối sống năng động, chơi thể thao là cách chúng ta trải nghiệm để tìm cảm xúc thật. Đó là trải nghiệm từng bước chân trên một con đường mòn, đạp xe trên một cung đường yên tĩnh hay bơi qua những con sóng lớn… Chơi thể thao là dấn thân vào cuộc sống, không mơ tưởng viễn vông và nhận biết đâu là giới hạn thật sự của mình.
Người chưa chạy thường nghĩ mình không thể chạy quá 5km, nhưng nếu xỏ giày vào và bắt đầu luyện tập thì sau một thời gian, chúng ta có thể chinh phục cung đường 21km hoặc dài hơn. Người sợ ngợp nước thường không dám tập bơi nhưng chỉ cần nhúng mình xuống nước nhiều lần thì chúng ta sẽ không sợ chìm nữa.
Lần đầu tiên nghĩ về tham gia một giải Ironman 70.3, tôi cũng không tin mình có thể hoàn thành liên tục ba chặng bơi 1,9km trên biển, đạp xe 90km và chạy bộ 21km. Kết quả cho thấy giới hạn của con người vượt xa những gì chúng ta nghĩ!
…Chỉ khi trải nghiệm thật sự thì chúng ta mới thấy được đâu là giới hạn của bản thân?
Và trải nghiệm đem lại hạnh phúc, khi vượt qua giới hạn về thể chất, hoàn thành một đường chạy nào đó. Đôi khi, để hoàn thành một cuộc đua, chúng ta sẽ phải trả giá bằng sự kiệt sức, mệt mỏi cơ bắp, chuột rút đau đớn nhưng trải nghiệm “hạnh phúc trong đau khổ” sẽ là một cảm giác không dễ có được và rất khó quên.
Hơn nữa, khi chơi thể thao, cơ thể tiết ra endorphin, một liều thuốc giảm đau tự nhiên, cũng là hormon giúp chúng ta trở nên thư thái, vui tươi. Chính vì vậy, ai trong chúng ta cũng nên chơi thể thao, nhất là những người làm việc trí óc để giúp cân bằng cuộc sống.
Chính vì vậy mà ông luôn tích cực trong “dụ dỗ” mọi người cùng tham gia luyện tập thể thao, nhất là ba môn phối hợp?
Đúng vậy. Khi luyện tập ba môn phối hợp, tôi “chạm” được niềm hạnh phúc nên tôi muốn chia sẻ điều này với những người xung quanh. Tôi khuyến khích mọi người gặp nhau, cùng chia sẻ về niềm vui trong thể thao, về những kinh nghiệm, kỹ thuật đạp xe, chạy bộ, cách phòng tránh chuột rút, chấn thương, cách bổ sung năng lượng hiệu quả… Cộng đồng thể thao là một tập thể không phân biệt giới tính, tuổi tác hay địa vị trong xã hội. Luyện tập cùng nhau là động lực để các bạn mới tham gia có thể hoàn thành đường chạy, không bỏ cuộc giữa chừng.
Sự tích cực của ông trong việc truyền cảm hứng luyện tập ba môn phối hợp phải chăng là yếu tố giúp ông có được danh hiệu Đại sứ Ironman đầu tiên của Việt Nam?
Có lẽ vì các tiêu chí của đại sứ Ironman cũng phù hợp với những điều tôi đang làm đối với cộng đồng ba môn phối hợp ở Việt Nam. Danh hiệu này là một vinh dự đối với tôi, đồng thời cũng cho tôi những thứ mà có tiền cũng không mua được, đó là chiếc logo Đại sứ Ironman trên trang phục, điện thoại và tôi tham gia các giải thi đấu không… tốn tiền!
Hy vọng cùng với tâm huyết của ông, phong trào ba môn phối hợp ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn…
Phong trào ba môn phối hợp ở Việt Nam đã có những bước phát triển khả quan. Cách đây tám tháng, chúng tôi thành lập Hội ba môn phối hợp Việt Nam (Việt Nam Triathlon Club) chỉ có khoảng 100 người tham gia. Đến nay, hội đã có khoảng 1.000 thành viên trên mạng, trong đó có 120 người tập luyện tích cực, thường xuyên theo dõi nhau trên Strava, một ứng dụng smartphone. Chúng tôi đang đặt mục tiêu đến năm 2020, cộng đồng ba môn phối hợp Việt Nam sẽ chạm mốc 10.000 người.
Các giải ba môn phối hợp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế. Giải Challenge Vietnam Family tổ chức ở Nha Trang chỉ còn là mới bắt đầu, còn giải Ironman 70.3 tại Đà Nẵng hiện đã có vài thành công nhất định.
Xin ông chia sẻ thêm những kinh nghiệm giúp vận động viên hoàn thành Ironman 70.3?
Ai cũng có thể hoàn thành Ironman 70.3, chỉ cần dám tham gia (đúng như khẩu hiệu “dare to try”) và tập luyện nghiêm túc từ bốn đến sáu tháng. Bằng chứng là tôi đã hoàn thành giải Ironman 70.3 Bintan tháng Tám vừa rồi trong tình trạng chân bị chấn thương. Tôi hay nói đùa rằng chúng ta có thể vừa đạp xe vừa huýt sáo, vừa chạy vừa hái hoa, nắm tay cười nói cùng bạn bè mà vẫn đến đích trước giới hạn thời gian (8 giờ 30 phút).
Với Ironman nói riêng và thể thao nói chung, mọi thứ đều có thể (Anything is possible), khi đã bước ra khỏi vùng an toàn thì khả năng của con người là vô hạn, cũng giống như con ếch nhảy ra khỏi đáy giếng sẽ thấy một vùng trời bao la…
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.
- Bài Thanh Nhã, Ảnh Lê Minh Quốc & Nguyễn Toàn Thắng
Xem thêm:
- Vượt lên giới hạn của bản thân cùng Ironman
- IRONMAN – Cuộc thi khắc nghiệt và hấp dẫn
- Ai cũng có thể trở thành “người sắt” – Ironman