Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hàng triệu cái chết có thể được ngăn chặn mỗi năm bằng cách giảm thiểu những chất ô nhiễm ngắn hạn. Phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới ở Geneve nói rằng carbon dioxide là chất chính gây hiệu ứng nhà kính làm cho nhiệt độ trái đất gia tăng. Nhưng bụi than, hay bồ hóng, cùng với methane và ozone trong khói mù ở đô thị cũng góp phần gây ra nạn biến đổi khí hậu và có hại cho sức khỏe con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những loại khí thải có chứa các chất gây ô nhiễm không tồn tại lâu có thể gây ra các chứng bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp và ung thư phổi. Tổ chức này nói rằng các chất đó mỗi năm gây ra 7 triệu ca tử vong vì ô nhiễm không khí, chưa kể việc các chất ô nhiễm đó còn làm cho sản lượng nông nghiệp bị sút giảm.
Người đứng đầu bộ phận môi trường của Tổ chức Y tế Thế giới, bà Maria Neira, cho biết các chất ô nhiễm trong nhà cũng như ngoài trời có ảnh hưởng lớn đối với tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng các chất đó chỉ tồn tại trong khí quyển từ vài ngày cho tới 10 ngày chứ không giống như carbon dioxide là chất có thể tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm.
Vì những chất ô nhiễm này tồn tại không lâu, cho nên khi giải quyết được chúng thì có thể giảm thiểu lượng khí thải rất nhanh chóng và nhờ vậy có thể cải thiện phẩm chất không khí và làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu ngắn hạn. Từ đó sẽ có ngay một sự sút giảm của những bệnh tật phát sinh từ ô nhiễm không khí.
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra một số biện pháp ít tốn kém để giảm thiểu các chất ô nhiễm ngắn hạn, trước hết là giảm bớt lượng khí thải của xe cộ bằng cách áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn về khí thải và hiệu suất năng lượng.
Ô nhiễm không khí trong nhà cũng là một nguồn gây ra bệnh tật và tử vong. Theo các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 2,8 tỉ gia đình sử dụng những nguồn nhiên liệu bẩn, như than, củi và dầu hôi để nấu nướng và sưởi ấm.
Các chuyên gia của tổ chức này nói rằng sử dụng những loại lò sạch hơn và có hiệu suất cao hơn, hoặc sử dụng những loại nhiên liệu khác, có thể làm giảm đi những mối rủi ro cho sức khỏe.
T.K (DNSGCT)