Có ba trong số tám nhà khoa học được trao giải Nobel khoa học năm nay (gồm Vật lý, Hóa học và Y học) thuộc về châu Á, gồm hai công dân Nhật Bản và một người Trung Quốc, điều đó cho thấy một sự vươn lên của khu vực vốn bị coi là còn nhiều trì trệ về mặt nghiên cứu và thực nghiệm khoa học.
Giải Nobel Vật lý về hạt neutrino
Giải được chia đều cho nhà khoa học Nhật Bản, tiến sĩ Takaaki Kajita, sinh năm 1959, giám đốc Viện Nghiên cứu tia vũ trụ thuộc ĐH Tokyo và nhà khoa học Canada Arthur B. McDonald, sinh năm 1943, tiến sĩ thuộc Viện Công nghệ California, Mỹ. Công trình nghiên cứu của hai ông liên quan đến hạt sơ cấp neutrino, một loại hạt có rất nhiều trong không gian, chỉ ít hơn hạt photon (ánh sáng). Nhờ những phát hiện mới này, nhiều bí ẩn sẽ được khám phá có thể làm thay đổi những hiểu biết của chúng ta về lịch sử, cấu trúc và tương lai của vũ trụ.
Giải Nobel Hóa học về sự sửa chữa của phân tử DNA
Giải được trao cho ba nhà khoa học:
- Tiến sĩ Tomas Lindahl, quốc tịch Thụy Điển, sinh năm 1938, giáo sư Y khoa và Hóa sinh tại ĐH Gothenburg, Thụy Điển.
- Tiến sĩ Paul Modrich, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1946, giáo sư môn Hóa sinh Trường Y khoa ĐH Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ.
- Tiến sĩ Aziz Sancar, quốc tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sinh năm 1946, giáo sư môn Hóa sinh Trường Y khoa ĐH Bắc Carolina, Mỹ.
Hằng ngày, phân tử DNA trong cơ thể chúng ta thường xuyên bị tổn thương bởi bức xạ tia cực tím, các gốc tự do và các chất gây ung thư khác. Những năm đầu thập niên 1970, các nhà khoa học tin rằng DNA là một loại phân tử vô cùng ổn định trong cơ thể con người nên không thể tác động lên cơ chế hoạt động của chúng. Thế nhưng, mới đây, giáo sư Tomas Lindahl và hai nhà khoa học trên đã chứng minh ngược lại rằng DNA có thể bị phân rã ở một mức độ khiến cho sự phát triển của đời sống trên Trái đất không diễn ra được nữa. Cơ chế sửa chữa ghép đôi mở ra nhiều hướng mới cho việc điều trị bệnh ung thư vốn xuất phát từ sự phát triển vô tổ chức của tế bào trong cơ thể, trong đó có tác động của phân tử DNA trong tế bào.
Giải Nobel Y học về các bệnh ký sinh
Năm nay, giải Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học về những nghiên cứu và thực nghiệm trong việc điều trị những căn bệnh ký sinh vốn không lấy gì làm mới mẻ. Hai nhà khoa học William C. Campbell (sinh năm 1930 tại Ramelton, Ireland, lấy bằng tiến sĩ năm 1957, hiện là nhà nghiên cứu tại ĐH Drew, bang New Jersey, Mỹ) và Satoshi Omura (sinh năm 1935, có bằng tiến sĩ Dược học, hiện là giáo sư danh dự Trường ĐH Kitasato, Nhật Bản) được trao giải Nobel nhờ những công trình nghiên cứu và điều chế thuốc trị bệnh do loài giun tròn ký sinh gây ra.
Nhà khoa học nữ người Trung Quốc Youyou Tu sinh năm 1930, hiện là giáo sư trưởng tại Viện hàn lâm Y học cổ truyền Trung Quốc, được vinh danh nhờ việc nghiên cứu và điều chế thuốc trị bệnh sốt rét đạt công hiệu tốt.
Giải Nobel văn chương cho nhà văn Belarus
Bà Svetlana Alexievich, sinh năm 1948 tại thị trấn Ivano-Frankivsk, Ukraina, cha người Belarus, mẹ người Ukraine đã dành nhiều năm liền thu thập chất liệu cho tác phẩm đầu tay Cuộc chiến không mang gương mặt đàn bà, dựa trên các cuộc phỏng vấn hàng trăm phụ nữ đã tham gia vào Thế chiến thứ 2 (1939-1945). Những năm 1990, bà tìm hiểu về hậu quả của tai nạn hạt nhân Chernobyl (1986) và viết tác phẩm Những tiếng nói từ Chernobyl – Biên niên sử về tương lai (1999). Riêng quyển Những tiếng nói Xô viết từ một cuộc chiến tranh bị quên lãng, bà viết về sự tham gia vào cuộc chiến tại Afghanistan của Liên Xô vào những năm 1979-1989.
Giải Nobel Hòa bình cho một bộ tứ ở Tunisia
Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia gồm bốn tổ chức xã hội dân sự: Tổng liên đoàn Lao động Quốc gia Tunisia (UGTT), Liên đoàn Công nghiệp, Thương mại và Thủ công nghiệp Tunisia (UTICA), Liên minh Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Hội Luật gia Tunisia, được thành lập vào mùa hè năm 2013, khi tiến trình dân chủ hóa tại đất nước Bắc Phi nay đang có nguy cơ sụp đổ do những cuộc ám sát chính trị và bất ổn xã hội triền miên.
Từ ngày thành lập đến nay, Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia đã giữ vai trò dàn xếp và làm động lực cho tiến trình phát triển dân chủ trong hòa bình tại Tunisia.
Giải Nobel Kinh tế cho những phân tích về sự tiêu thụ, sự nghèo đói và phúc lợi
Giải được trao cho nhà kinh tế học Angus Deaton, sinh năm 1945 tại Edinburgh, Anh, đang giảng dạy tại Trường ĐH Princeton, bang New Jersey, Mỹ. Theo Deaton, để hoạch định chính sách nhằm nâng cao phúc lợi và giảm thiểu nghèo đói, điều trước tiên là phải nắm vững khuynh hướng chọn lựa của người tiêu dùng. Công trình nghiên cứu của ông dựa trên ba vấn đề chính:
- Người tiêu dùng chi tiêu như thế nào trước những nguồn hàng khác nhau?
- Thu nhập của xã hội được chi tiêu và tiết kiệm như thế nào?
- Chúng ta làm thế nào để đo lường và phân tích tốt nhất các khoản phúc lợi và sự nghèo đói?
Bằng cách liên kết sự chọn lựa cá nhân với những kết quả thu thập được, công trình nghiên cứu của Deaton giúp làm chuyển đổi các lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế phát triển.