Giải Nobel Văn học không mang lại ngạc nhiên, vì Mạc Ngôn là một trong những nhà văn được đọc nhiều nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tuy nhiên giải Nobel Hòa bình cho Liên minh châu Âu (EU) thì khiến không ít người bối rối…
Giải Nobel Y học: Phát hiện mới: Các tế bào trưởng thành có thể được tái lập trình để trở nên đa năng
Giải thưởng được trao cho hai nhà khoa học:
1. Sir John B. Gurdon – sinh năm 1933 tại Dippenhall, Anh quốc. Ông nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Oxford năm 1960 và sau đó trở thành nghiên cứu sinh sau đại học tại Viện Công nghệ California, Mỹ. Năm 1972, ông công tác tại Trường ĐH Magdelene với tư cách giáo sư môn Sinh học Tế bào. Hiện ông làm việc tại Viện Gurdon thuộc ĐH Cambridge (Anh).
2. Shinya Yamanaka – sinh năm 1962 tại Osaka (Nhật Bản), lấy bằng bác sĩ y khoa năm 1987 tại ĐH Kobe và sau đó theo học khóa đào tạo bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trước khi rẽ sang con đường nghiên cứu. Năm 1993, Yamanaka lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Osaka rồi làm việc tại Viện Gladstone ở San Francisco (Mỹ) và Viện Khoa học và Công nghệ Nara (Nhật Bản). Hiện ông là giáo sư tại Trường ĐH Kyoto và điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng iPS (hệ thống phòng chống xâm nhập) của trường này.
Điểm mấu chốt trong thành tựu của hai nhà khoa học này là phát hiện ra việc các tế bào trưởng thành và chuyên biệt có thể được tái lập trình để trở thành các tế bào chưa trưởng thành và phát triển trong tất cả các mô của cơ thể. Phát hiện của họ làm thay đổi những hiểu biết trước đó về việc tế bào và cơ thể sống phát triển như thế nào.
Giải Nobel Vật lý: Khả năng kiểm soát các hạt trong thế giới lượng tử
Giải thưởng được trao cho hai nhà khoa học:
1. Serge Haroche – quốc tịch Pháp, sinh năm 1944 tại Casablanca, Maroc, lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Pierre và Marie Curie, Paris (Pháp) năm 1971. Hiện là giáo sư Trường Collège de France và Trường Cao đẳng Sư phạm Pháp.
2. David J. Wineland – quốc tịch Mỹ, sinh năm 1944 tại Milwaukee, bang Wisconsin (Mỹ), nhận bằng tiến sĩ năm 1970 tại ĐH Harvard (Mỹ), nghiên cứu sinh tại Viện Định chuẩn và Công nghệ Quốc gia và Trường ĐH Colorado Boulder, bang Colorado.
Hai nhà khoa học trên đã phát minh và khai triển những phương pháp đo lường và vận dụng các hạt đơn lẻ mà vẫn bảo toàn được tính chất cơ học lượng tử của chúng bằng những cách thức mà trước đây người ta nghĩ là không thể làm được. Kết quả nghiên cứu của họ đã mở ra một thời kỳ mới với các thử nghiệm vật lý lượng tử bằng việc khảo sát trực tiếp các hạt lượng tử đơn lẻ mà không phá hủy chúng.
Giải Nobel Hóa học: Các thụ thể thông minh trên bề mặt tế bào
Giải được trao cho hai nhà khoa học:
1. Robert J. Lefkowitz – quốc tịch Mỹ, sinh năm 1943 tại New York (Mỹ), nhận bằng bác sĩ y khoa tại ĐH Columbia (New York) năm 1966. Điều tra viên Viện nghiên cứu Y khoa Howard Hughes, giáo sư môn Sinh Hóa tại Trung tâm Y khoa ĐH Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ.
2. Brian K. Kobilka – quốc tịch Mỹ, sinh năm 1955 tại Little Falls, bang Minnesota, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1981 tại Trường Y khoa ĐH Yale, bang Connecticut, giáo sư Y khoa, giáo sư Sinh học phân tử và tế bào Trường Y khoa ĐH Stanford, bang California, Mỹ.
Trong một thời gian dài, việc tế bào làm thế nào để cảm nhận môi trường xung quanh chúng là một bí ẩn. Năm 1968, Lefkowitz bắt đầu sử dụng năng lực phóng xạ để tìm ra dấu vết các thụ thể tế bào, cuối cùng tìm được nhiều thụ thể, trong đó có một thụ thể của adrenalin là beta-adrenergic. Kobilka ở trong nhóm nghiên cứu của Lefkowitz đã cô lập gien mã hóa thụ thể beta-adrenergic từ bộ gien đơn bội khổng lồ của người. Khi phân tích gien này, người ta phát hiện thụ thể trên tương tự thụ thể trong con mắt có chức năng thu nạp ánh sáng.
Giải Nobel Văn chương: Nhà văn Mạc Ngôn “đã kết hợp truyện kể dân gian với lịch sử và cuộc sống đương đại bằng một hiện thực đầy hư ảo” (Ủy ban Nobel)
Mạc Ngôn (Mo Yan) là bút danh của Quản Mạc Nghiệp (Guan Moye), sinh năm 1955 và lớn lên tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, trong một gia đình nông dân. Năm 1967, vào thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng văn hóa, ông phải bỏ học kiếm sống, lúc đầu làm nông dân, sau làm công nhân trong nhà máy. Truyện ngắn đầu tay của ông được đăng năm 1981 trên một tờ nhật báo văn học. Bước ngoặt quan trọng trong đời văn của ông diễn ra vào năm 1986 với tác phẩm Touming de hong luobo, dịch sang tiếng Pháp với tựa Le radis de cristal (tạm dịch: Củ cải pha lê), rồi sau đó là Honggaoliang jiazu (Cao lương đỏ – 1987), tác phẩm đã được đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành bộ phim cùng tên. Trong những tác phẩm của ông, có thể kể đến Tửu quốc (Jiuguo), truyện trào phúng nhằm chỉ trích xã hội Trung Quốc đương đại, Đàn hương hình (Tanxiangxing) xuất bản năm 2004 kể về sự độc ác của con người trong một đế chế đang trên đà sụp đổ. Tác phẩm cuối cùng của ông là Wa (2009), được dịch ra tiếng Pháp với tựa Grenouilles (Ếch).
Giải Nobel Hòa bình: Liên minh châu Âu (EU), với “hơn sáu thập niên đóng góp vào sự tiến bộ của hòa bình và hòa giải, vào nền dân chủ và nhân quyền ở châu Âu” (Ủy ban Nobel)
Mặc dù EU đang trải qua một thời điểm khó khăn nhất về mặt kinh tế – tài chính, nhưng vẫn không thể làm lu mờ thành tựu nhiều mặt mà tổ chức này đã đạt được. Nổi bật là nỗ lực hòa giải các xung đột trong nội bộ khối, trước tiên là giữa Đức và Pháp, từng trải qua ba cuộc chiến với nhau trong vòng 70 năm, kế đó là sự gia nhập của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thập niên 1980 mà sự đảm bảo dân chủ là điều kiện tất yếu cho vị thế thành viên của họ. Sự sụp đổ của bức tường Berlin từng chia cách hai miền Đông và Tây Đức đã đưa các nước Đông và Trung Âu xích lại gần nhau, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử châu lục này. Việc kết nạp Croatia sẽ diễn ra vào năm tới, việc mở các cuộc đối thoại bàn về sự gia nhập của Montenegro và việc ban cho Serbia quy chế ứng viên thành viên EU đã củng cố mạnh mẽ tiến trình hòa giải ở khu vực Balkan. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong thập niên qua, khả năng được kết nạp vào EU đã mang lại những tiến bộ quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa và tôn trọng nhân quyền ở nước này.
Giải Nobel Kinh tế: Phân phối ổn định – Từ lý thuyết đến thực tiễn
Giải thưởng năm nay được trao cho hai nhà kinh tế học người Mỹ:
1. Lloyd S. Shapley, sinh năm 1923, lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Princeton năm 1953, hiện giảng dạy môn Toán và Kinh tế học tại ĐH California (Mỹ). Ông được các chuyên gia kinh tế xem là tác giả của “Lý thuyết trò chơi tập thể” nhằm nghiên cứu và so sánh các phương pháp điều hợp khác nhau.
2. Alvin E. Roth, sinh năm 1951, lấy bằng tiến sĩ năm 1974 tại ĐH Stanford, hiện giảng dạy môn Kinh tế và Quản trị doanh nghiệp tại ĐH Harvard, Cambridge và Trường Kinh doanh Harvard, Boston, cùng bang Massachusetts.
Hai ông được trao giải Nobel Kinh tế 2012 nhờ nghiên cứu về “Lý thuyết phân phối ổn định” tập trung vào phương pháp điều hợp tốt nhất các tác nhân kinh tế khác nhau, chẳng hạn giữa sinh viên với nhà trường hay giữa người hiến tạng với bệnh nhân đang chờ ghép tạng.
Trị giá mỗi giải thưởng năm nay tương đương 1,2 triệu USD.