Phòng tranh “Ấn tượng Mông Cổ” của 14 họa sĩ (tại trụ sở Liên hiệp Các hội văn học – nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, 81 Trần Quốc Thảo, Q.3) là một cách bày tỏ những cảm xúc chân thành bằng ngôn ngữ hội họa của những người đã từng sang xứ sở của Thành Cát Tư Hãn trong năm qua.
Có khá nhiều từ “thảo nguyên” trong các tên tranh: Đêm hè ở thảo nguyên (Đặng Thị Dương), Mênh mông thảo nguyên (Nguyễn Thùy Hương), Sớm mai trên thảo nguyên (Vi Tuyết Mai), Thảo nguyên (Huỳnh Phương Thị Đài Trang)…, đơn giản bởi ấn tượng từ những đồng cỏ mênh mông mà lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam được thấy, được sống cùng có lẽ là mạnh mẽ nhất, khơi gợi nhiều cảm xúc nhất như cách bày tỏ của họa sĩ Nguyễn Thị Anh Đào: “Điều làm mọi người cảm thấy thú vị và xúc động nhất là khi được tham gia chuyến đi ba ngày hai đêm về với cuộc sống du mục nơi đồng cỏ thảo nguyên… Ngày thì lang thang với đồng cỏ, đêm về ngủ trong lều không điện, không nước… Dù sống không một tiện nghi nào, nhưng người dân nơi đây thật hiền hòa thân thiện. Thảo nguyên không chỉ có nắng gió, hương hoa cỏ mà còn có tình người thật ấm áp”.
Phòng tranh là kết quả của chuyến đi của 11 nữ họa sĩ (và vài đồng nghiệp nam) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7-2014 theo lời mời của Hội Meridian Art và Hội nữ nghệ sĩ quốc tế tại Mông Cổ nhân diễn ra Triển lãm quốc tế lưỡng niên các nữ họa sĩ được tổ chức tại gallery Nghệ thuật Hiện đại ở thủ đô Ulan Bator. Trong chuyến đi ấy, các họa sĩ Việt Nam đã được các bạn bè Mông Cổ đón tiếp hết sức trọng thị và tạo điều kiện tham quan các danh thắng nổi tiếng, xem múa hát, xem trình diễn thời trang bản xứ…, đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống của người du mục chăn gia súc trên thảo nguyên, điều mà họa sĩ Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng đã đem đến những cảm xúc chưa từng có nơi cô, kể cả khi cô đến với “thành phố trong mơ” Venice. Những xúc cảm còn đầy ắp đã được thể hiện trong Túp lều Mông Cổ (Trần Thị Sương), Ký họa Mông Cổ (Nguyễn Trung Tín), Thiên linh (Lý Khắc Nhu), Ấn tượng cổ trang (Cao Thị Được), Thiên nga về trời (Phan Oánh), Đường vào nhà hát (Nguyễn Thị Tâm), Vũ điệu thần linh (Trần Thùy Linh), Túp lều (Trần Phương Mỹ), Vẽ hai người bạn (Nguyễn Thị Kim Chi)…
Ba mươi hai bức tranh với nhiều chất liệu tạo hình chưa thể nói hết những nét đẹp ở một xứ sở đầy huyền thoại, nơi mà cuộc sống có sự pha trộn lạ kỳ giữa hiện đại với truyền thống xa xưa, song triển lãm này là một trong những nhịp cầu nghệ thuật đầu tiên nối người thưởng ngoạn Việt Nam với đất nước Mông Cổ xa xôi.
Phòng tranh mở cửa đến hết ngày 7-2-2015.
- Như Hoa