Hãng tin Reuters mới đây cho hay, công ty tư vấn kim loại hàng đầu thế giới GFMS dự đoán mức giá trung bình dành cho vàng cả năm nay sẽ là 1.847 USD/ounce, đặc biệt những mức đỉnh mới sẽ xuất hiện vào giai đoạn cuối năm. Công ty này hy vọng kim loại quý sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao vào nửa đầu năm 2014. Thực tế những năm qua, giá vàng thế giới có khuynh hướng tăng giá lâu dài, năm sau cao hơn năm trước. Từ 2010-2011, giá vàng đã liên tục phá các kỷ lục mới do chính sách nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đặc biệt là do vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong những tháng cuối năm 2012, vàng đã để mất vai trò truyền thống này do sự lên giá của đồng USD so với euro, do ảnh hưởng của cơn bão nợ công của châu lục này. Song, giá vàng được dự báo sẽ nóng lên trong thời gian tới, do tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Fed vừa quyết định giữ lãi suất ở mức gần 0% cho tới cuối năm 2014, do muốn kích cầu cho nền kinh tế và quan trọng nhất là việc áp dụng gói QE3, công cụ sử dụng để kích thích nền kinh tế lần thứ ba vừa được đưa ra. Đây là yếu tố mạnh nhất làm vững lòng giới đầu tư vàng. Với cơn bão nợ Âu châu đang tiếp tục nặng thêm và lây lan, Ngân hàng Trung ương chung châu Âu (ECB) có thể cũng áp dụng QE như Fed, tức là sẽ tăng tốc in tiền và gây áp lực lạm phát lâu dài, khiến giới đầu tư lo ngại về việc nắm giữ tiền giấy.
Ảnh minh họa
Các tổ chức dự báo có uy tín như Morgan Stanley, TD Securities, Bank of America – Merrill Lynch đều nhận định, giá vàng sẽở mức bình quân trên 2.000 USD/ounce vào năm tới hoặc ít nhất là vài lần chạm mốc này. Việc giá vàng có thể lặp lại mức tăng giá hai con số trong năm 2012 hay không sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như sức mạnh đồng USD, nhu cầu tăng mức giữ vàng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và vàng vật chất của châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ) cũng như diễn biến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Hiện nay, Trung Quốc đang mua vàng nhiều hơn cả phương Tây.Liệu điều đó có đúng với bình luận của một số chuyên gia khi cho rằng triển vọng của giá vàng sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc?
Mua sắm nữ trang ở Trung Quốc
Chẳng có nghi ngờ gì về việc diễn biến của giá vàng những năm gần đây có liên quan tới nhu cầu vàng của các thị trường mới nổi và các ngân hàng trung ương.
Ông Zhang Jianhua làm việc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết: “Chẳng có tài sản nào là an toàn tại thời điểm này. Sự lựa chọn duy nhất để phòng ngừa rủi ro là nắm giữ đồng tiền cứng, đó chính là vàng”.
Xu hướng này cũng được Evans-Pritchard tại Telegraph ủng hộ.Họ tuyên bố rằng thế giới đang trên con đường tìm đến “một tiêu chuẩn mới, một hệ thống dự trữ tiền tệ bộ ba bao gồm vàng, USD và euro”.
Tuy các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn về việc liệu vàng thực sự hoặc có nên được coi như một loại tiền, nhưng điều này không hề ngăn cản các ngân hàng trung ương gia tăng trữ lượng vàng của họ.Năm 2012 các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã mua rất nhiều vàng với số lượng lớn nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Họ đã bổ sung thêm 536 tấn vàng trong năm ngoái với mục tiêu đa dạng hóa kho dự trữ.
Ở Ấn Độ, vàng được sử dụng rất nhiều trong hôn lễ
Có thể thấy, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh vai trò là đồng tiền dự trữ của vàng bằng cách tích trữ thật nhiều kim loại này, các quốc gia chủ nợ có tài sản định giá bằng USD đã chịu ảnh hưởng xấu về mức tỷ lệ lãi suất thấp trong suốt thập niên qua.
Mối quan hệ lịch sử giữa tỷ lệ lãi suất thực và giá vàng cho thấy Trung Quốc có thể không phải là lý do khiến giá vàng biến động mạnh bằng việc các chủ nợ và các quốc gia chủ nợ nói chung đã và đang thất vọng về môi trường lãi suất thấp đối với các tài sản định giá bằng đồng USD. Cũng có ý kiến cho rằng sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu vàng. Chẳng hạn một cuộc khủng hoảng lạm phát tại Trung Quốc có thể kích thích người dân và các tổ chức tài chính trong nước tăng cường mua vàng để chống lại nguy cơ tỷ suất suy giảm.
Một cửa hàng nữ trang trên phố mua sắm ở Singapore
Tất nhiên, đó cũng chỉ là một yếu tố vì không có quy tắc cứng nhắc nào về diễn biến của thị trường vàng nơi có nhiều người tham gia với nhiều động cơ khác nhau. Một số coi vàng là hàng rào phòng ngừa lạm phát, một số coi vàng như hàng rào chống lại rủi ro từ đối tác và khả năng lây lan toàn cầu, một số lại cho rằng vàng là một chiếc đệm êm ái để chống lại lãi suất thực âm, trong khi số còn lại coi vàng như một hình thức hữu hình của sự giàu có…
Nguyễn Nam