Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014, sau khi thống kê của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nước này giảm trong tuần trước. Việc thị trường tiếp tục lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở một số nước sản xuất dầu chủ chốt cũng là một nhân tố quan trọng đưa giá dầu tăng.
Theo một số nguồn tin, Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – muốn giá dầu tăng lên mức 80-100 USD/thùng. Vì vậy, có thể nước này sẽ tìm cách duy trì việc hạn chế sản lượng để đạt mức giá mục tiêu.
Báo cáo hằng tuần do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố tuần qua cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13-4. Dự trữ xăng cũng giảm 3 triệu thùng, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 3,1 triệu thùng.
Mấy tuần gần đây, giá dầu bị đẩy lên bởi những lo ngại về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ khu vực này.
Cuộc không kích do Mỹ-Anh-Pháp thực hiện nhằm vào Syria cuối tuần trước đã dẫn tới lo ngại về một cuộc xung đột giữa phương Tây với Nga và Iran, hai đồng minh của chính phủ Syria. Nga và Iran là hai trong số những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Các vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng nổi dậy ở Yemen nhằm vào Saudi Arabia cũng làm gia tăng mức độ rủi ro đối với nguồn cung dầu.
Hiện thị trường đang chờ xem liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Trump đã đặt ra thời hạn ngày 12-5 để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Venezuela đang tiếp tục giảm nhanh, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế bóp nghẹt ngành dầu lửa vốn là xương sống của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.