Trong số 12 người từng bước đi trên mặt trăng, có 9 người (bao gồm cả Neil Armstrong) đã tham gia kỳ tập huấn trên địa hình siêu thực của Húsavík, Iceland.
Với những hố bùn núi lửa sôi sục, sa mạc trống trơn và sông băng kỳ vĩ, nơi này cung cấp điều kiện rèn luyện kỹ năng thám hiểm ngoài vũ trụ hoàn hảo. Để kỷ niệm 50 năm lần đầu tiên con người đặt chân lên mặt trăng (1969-2019), mời bạn cùng ghé qua Băng Đảo (Iceland), nơi NASA đã triển khai công việc huấn luyện các phi hành gia vào những năm 1965, 1967 và hiện đang thử nghiệm mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa, chuẩn bị cho đợt đưa phương tiện cơ giới lên ngôi sao Đỏ vào năm 2020.
Mặt trăng phiên bản trái đất
Ngày 20-7-1969, 600 triệu con người trên khắp thế giới dán mắt vào màn hình tivi, hồi hộp dõi theo từng cử động của phi hành gia Neil Armstrong của Mỹ trên phi thuyền Apollo 11. Sau khi nhoài người ra ngoài, ông chầm chậm đặt chân xuống bề mặt mặt trăng. Mặc dù đó chỉ là một bước ngắn, nhưng lại đại diện cho cú nhảy vọt chinh phục khoảng cách 384.400km từ trái đất đến mặt trăng. 50 năm đã qua, giây phút ấy vẫn là khoảng khắc vĩ đại nhất. Chỉ là ít ai biết để có lần đặt gót mang tính lịch sử này, Armstrong từng dẫm muốn nát mặt đất Húsavík ở Iceland, nơi được coi như mặt trăng phiên bản địa cầu.
Sau nhiều khảo sát và lựa chọn, Cơ quan Không gian NASA xác định Iceland (còn gọi là Băng Đảo), quốc đảo lạnh lẽo nằm giáp vòng cực Bắc, là nơi thích hợp nhất để huấn luyện và thử nghiệm đổ bộ lên mặt trăng. Vào những năm 1965 và 1967, 32 phi hành gia đã được gửi đến đây. Với những hố bùn núi lửa sôi sục, sa mạc trống trơn và sông băng kỳ vĩ, hòn đảo đóng băng này cung cấp điều kiện rèn luyện kỹ năng hoàn hảo.
Iceland gần như trống không. Có đến 80% diện tích của nó vắng bóng người, 60% đất đai là hoang mạc và sông băng. Húsavík là một thị trấn bờ biển thuộc đô thị Norðurþing. Nó vốn nổi tiếng là nơi ngắm cá voi vì có vịnh Skjálfandi, vùng nước lặng yêu thích của các loài cá heo, cá voi Vòng Bắc cực. Nhờ vào ngư nghiệp và du lịch, khoảng 2.300 cư dân nơi đây sống sung túc. Ngoài những sinh vật to lớn ngoài khơi, Húsavík còn sở hữu địa chất được ví như mặt trăng (còn bây giờ là sao Hỏa). Đó là hoang mạc mênh mông, yên tĩnh đầy miệng núi lửa và hố bùn sủi bọt. Trong số 12 nhà thám hiểm vũ trụ từng bước đi trên mặt trăng, có 9 người từng trải qua đợt tập huấn tại Húsavík.
Armstrong: Ngư dân kém cỏi
Tại Húsavík, 32 phi hành gia có nhiệm vụ đi qua vùng đất có bề mặt tương tự mặt trăng, tìm hiểu các mẫu địa chất và thu thập các loại đá. “Tôi đã dành cả 10 ngày để khám phá các khu vực núi lửa vẫn đang hoạt động ở Iceland”, phi hành gia Al Worden (đặt chân lên mặt trăng vào năm 1971) nhớ lại. “Thời gian chúng tôi tập huấn là mùa hè. Mặt trời gần như chẳng bao giờ lặn. Bạn có thể ra ngoài từ lúc 3 giờ sáng. Nhiều người nơi đây cũng thức dậy từ lúc đó và các cửa hàng đã mở bán”.
Armstrong cũng kể lại với nhà văn James Hansen: “Chúng tôi đã đến Hawaii, Iceland, những vùng đất tuyệt vời để thực hành nhặt đá núi lửa… Nói thật, tôi rất muốn lén mang một mảnh lên tàu Apollo 11, cùng đi tới mặt trăng rồi lại đem về”.
Năm 1967, khi Armstrong tới Húsavík, một nhà địa chất người Iceland (cùng tham gia khóa huấn luyện) đã nói với thanh niên chăn cừu địa phương tên Ingólfur Jónasson lúc ấy 19 tuổi: Armstrong và Bill Anders (một phi hành gia khác) rất thích đi câu cá. Ông hỏi dò Jónasson có thể hướng dẫn họ không. Jónasson đồng ý. Anh dẫn Armstrong và Anders tới bờ sông Laxá. Armstrong rất nhiệt tình, song phi hành gia này không phải là ngư dân xuất sắc. Ông mất cả ngày mà chẳng câu được con cá nào.
Tối về, tất cả tụ tập tại trung tâm cộng đồng Skjóloustkka. Ai nấy phấn khích vì biết có các phi hành gia tới. Rất dễ để nhận ra họ giữa đám đông bởi ngoại hình nổi bật. Một số còn thoải mái khiêu vũ cùng các thiếu nữ địa phương. 2 năm sau, khi đài phát thanh phát thanh trực tiếp cuộc đổ bộ của Armstrong, Jónasson lắng nghe không sót một tiếng. “Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên”, ông nhớ. “Nó thật đặc biệt, vô cùng đáng chú ý. Một phần cũng vì tôi có quen biết với người đàn ông này. Iceland của chúng tôi đã góp một phần cho chương trình Apollo. Điều đó thật đáng tự hào. Buồn là chuyện này lại không được người khác biết đến”.
Rộn ràng lễ hội kỷ niệm
Cho đến tận bây giờ, du khách vẫn chỉ đến Húsavík vì vịnh Skjálfandi đầy rẫy cá voi đủ loại. Người ta lên các du thuyền, thong dong ngắm cá và quang cảnh vịnh đẹp như tranh vẽ. Mùa hè, nước trong xanh như thể thấu đáy. Những chú cá voi xanh, cá voi lưng gù, cá voi mũi nhọn… phóng mình lao lên khỏi mặt nước và nhào xuống, tạo những đợt sóng chấn động, xô dạt thuyền. Không chỉ du khách mà ngay cả người dân Húsavík cũng dần quên mất mảnh đất dưới chân họ từng đầy dấu vết của các phi hành gia làm nên lịch sử chinh phục vũ trụ cách đây 50 năm.
“Tôi bắt đầu nghĩ làm thế nào để mọi người cũng nghe được câu chuyện này”, Jónasson bộc bạch. Đó không chỉ là mong muốn của Jónasson mà còn là mục tiêu của Iceland trong năm nay. Kể từ Tháng 7-9, Iceland nhiệt tình tổ chức các chuyến du lịch phục vụ du khách muốn trải nghiệm “Mặt trăng phiên bản trái đất”. Đến Iceland, mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng các góc xa xôi nhất, ghé các miệng núi lửa tại Askja, Hrossaborg, Hverar#nd… Cũng tại những nơi này, Armstrong cùng các phi hành gia khác từng lặn lội qua, cẩn thận lựa chọn, nhặt nhạnh và phân tích từng mẫu đá. Bên cạnh đó là thử sức với Moon Game, cuộc thi kỹ năng kiểm tra địa chất.
- Xem thêm: Ngắm sông băng và núi lửa ở Iceland
Trong đợt đổ bộ mặt trăng, NASA yêu cầu các phi hành gia đi theo cặp. Vì thế, người muốn chơi Moon Game cũng phải có đồng hành. Trong cuộc thi, các cặp thí sinh cần nhanh chóng chọn các mẫu đá từ một khu vực chỉ định sẵn, ghi âm lại lý do tại sao lại chọn chúng. Các giám khảo sẽ kiểm tra các mẫu đá này và nghe ghi âm, sau đó trao giải cho cặp thu được nhiều mẫu và có phân tích xác đáng nhất.
Cũng tại Húsavík, bạn có thể ghé thăm Bảo tàng Thám hiểm được mở từ năm 2014. Trong bảo tàng, có một số mảnh đá được thu thập từ mặt trăng (do các phi hành gia tặng), rất nhiều ảnh và cả mồi câu cá từng được Armstrong sử dụng. Giữa tháng 10, Húsavík “khai trương” mô hình bản sao Apollo 11 tương đương kích thước thật. Nó cao 7,04m, rộng và sâu 9,4m. Ngoài ra, còn tổ chức một buổi hòa nhạc kỷ niệm mang tên “A Moon Concert”, với sự góp mặt của 2 con trai của Armstrong (một người là nghệ sĩ piano và một người là nhạc công guitar).
Tương đồng với địa chất sao Hỏa
Ngày nay, giấc mộng “Thuộc địa mặt trăng” đã khép lại. Nhân loại đang nhắm tới hành tinh cách trái đất 225 triệu km là sao Hỏa. Ấn tượng là Iceland vẫn thích hợp làm nơi huấn luyện. Bề mặt của nó giống hệt với dáng vẻ bên ngoài của sao Hỏa cách đây hàng tỷ năm. Ngay cả cấu tạo địa chất cũng tương đồng, đến mức “thích hợp để đào tạo phi hành gia hơn cả mặt trăng”. NASA đã cho tiến hành nhiều thử nghiệm đầy tham vọng tại đây, trong đó có chương trình đưa phương tiện cơ giới lên “hành tinh đỏ”.
Giống như với nhiệm vụ khám phá mặt trăng, Iceland lại đang gánh vác vị trí làm bàn đạp cho chương trình thám hiểm sao Hỏa. Các ống dung nham và hang động của nó hiện đang được các phi hành gia lấy làm thực địa, tập sống ngoài hành tinh. Nếu họ thành công, nhân loại sẽ tiến thêm một bước trên con đường tìm kiếm phương pháp sinh tồn ngoài vũ trụ.