Có những vùng đất mà cái tên đã nói lên sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đó. Iceland (Băng Đảo) là một ví dụ. Nhưng thật lạ, vùng đất quanh năm băng tuyết và thiếu thốn ánh Mặt trời đó lại thường xuyên được xếp hạng là nơi người dân sống hạnh phúc nhất thế giới. Sau một chuyến đi ngắn ngày đến Iceland, chúng tôi đã phần nào hiểu tại sao.
Phong cảnh kỳ ảo quanh vịnh Khói Sương
Iceland thuộc vòng đai Bắc cực, do những núi lửa thuộc một rặng núi lửa ngầm dưới biển đang hoạt động hợp thành. Trung tâm đảo là khu vực cao nguyên vô cùng lạnh giá, hầu như không có người sinh sống. Hơn ba trăm ngàn dân Iceland chủ yếu sống ở ven biển, trong đó tới gần phân nửa tập trung ở thủ đô Reykjavík.
Thủ đô đã hơn ngàn năm tuổi và Reykjavík có nghĩa là vịnh Khói Sương. Như cái tên, thành phố này có một chút mơ màng, một chút cổ kính và hầu hết các kiến trúc đều giản dị, nhỏ xinh. Người Iceland chẳng cần các công trình đồ sộ làm gì bởi thiên nhiên kỳ vĩ ở đây đủ làm bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp.
Ra khỏi thủ đô chỉ nửa giờ xe, ai nấy xuýt xoa khi nhìn thấy cảnh đẹp tuyệt vời của khu vực Vũng Lam (Blue Lagoon) – hồ nước nóng ngoạn mục nhất Băng Đảo. Giữa mênh mông đất đen nham thạch hiện lên một hồ nhỏ màu xanh ngọc với vô vàn tia nước ấm thiên nhiên. Du khách thường ghé vào tắm nước khoáng nóng cả một buổi.
Đi dọc đường, hễ gặp khói bốc lên từ mặt đất thì biết đó chính là khói từ những nguồn suối nước nóng. Thậm chí có nơi từng cột nước nóng khổng lồ phụt lên từ hố lớn, kích thích trí tò mò của khách du lịch. Tắm nước khoáng nóng gần như là một đặc sản của Iceland. Số lượng suối nước nóng không ai thống kê nổi và đều chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
Khu vực quanh Vũng Lam có khoảng hơn chục miệng giếng phun nước nóng, trong đó giếng hoạt động mạnh nhất mang tên Strokkur với ưu điểm là cứ từ năm đến mười phút lại phun một lần. Giếng có thể phun cao tới 30 mét. Giếng có hình ống thẳng đứng ăn sâu xuống lòng đất.
Nước ở mạch đáy giếng chảy vào, tiếp xúc với đá nóng, sôi dần dần. Lớp nước lạnh trên mặt tạo thành một thứ nắp đậy cho tới khi sức ép của nước sôi dâng lên tới điểm bùng nổ, phun nước lên. Vì thế khi nhìn mặt nước giếng bị thổi phồng lên như chiếc bong bóng khổng lồ là biết lúc đó giếng sắp phun vọt lên.
Với địa hình đồi núi, Iceland có hơn 10.000 thác nước. Nổi tiếng nhất là thác Vàng Gullfoss trên dòng sông Trắng Hvítá, bắt nguồn từ hồ băng Langjokull. Thác có hai tầng, hiện nay, về mùa đông một phần đóng băng giá trông lại càng hùng vĩ, cô quạnh hơn khi nằm giữa sa mạc cát sỏi, băng đá và bao quanh bởi các chỏm núi tuyết vạn niên. Tầng thác đẹp hơn nữa thì nằm hẳn dưới lòng một vực sâu.
Vẻ đẹp của mùa đông
Đến Băng Đảo vào đầu tháng Tư, cái lạnh buốt giá vùng cực bắc quả là thử thách lớn cho du khách phương xa, nhưng bù lại, mùa đông Iceland đẹp khó bút mực nào tả xiết! Mặt trời cuối đông trên vùng cực bắc thật dịu êm, lúc nào xuất hiện cũng chỉ kèm theo dải nắng nhạt xiên nghiêng. Ánh sáng cũng dịu nhẹ, rải những vạt màu cam, màu hồng nhuộm thắm nền tuyết trắng phau. Buổi trưa 11 giờ Mặt trời mới rọi những tia sáng đầu ngày và chỉ bốn, năm tiếng đồng hồ sau đã nhường chỗ cho bóng tối.
Men theo trục đường chính chạy dọc biển, du khách mới hay mùa này nhiều khu vực trên đảo bị bao phủ bởi sông băng. Nhiều người bật lên tiếng trầm trồ khi thấy những dải băng khổng lồ trào xuống sát mép xa lộ. Nhiều dòng băng còn chảy cả xuống biển, bị dòng nước ấm ăn sâu vào tạo nên những khối pha lê xanh lơ mang hình dáng vừa kỳ vĩ vừa huyền ảo.
Nhìn về phía đồi núi, những thác nước ngoạn mục cũng đã trở nên tĩnh lặng, tinh khiết bởi dòng nước đã đông lại như thủy tinh với hàng vạn giọt nhũ băng lấp lánh. Vậy mà cách đó không xa, từng đàn chim mòng vẫn tung tăng bơi lội giữa đầm nước ấm xanh ngắt bên những khối băng khổng lồ. Cần phải nói thêm là để ngắm cảnh mùa đông, du khách cần đến những tài xế địa phương thật lão luyện. Mặc dù ở Iceland dịch vụ cho thuê xe tự lái rất phổ biến nhưng chúng tôi không ai dám mạo hiểm.
Dưới thời tiết này, mặt đường hầu hết bị phủ một lớp băng và cả một lớp tuyết mỏng. Tất cả các xe trên đảo đều dùng loại lốp có gắn đinh kim loại và đi rất cẩn thận nhưng vẫn không tránh khỏi trơn trượt. Dọc đường, thỉnh thoảng lại thấy mấy chiếc xe đời mới bị trượt bánh sa vào đống tuyết bên lề. Đường trơn đến mức xe không tự lên được mà phải chờ xe chuyên dụng đến cẩu.
Những ngày ở Iceland, có lẽ do trời quá lạnh nên chúng tôi thường xuyên thấy đói và phát hiện ra ẩm thực xứ này cũng đặc biệt chẳng kém gì phong cảnh! Thức ăn phổ biến ở Iceland là những món chế biến từ cá và thịt cừu. Món ăn truyền thống đêm Noel của người Iceland cũng là món hầm từ cá mập.
Đặc sản có cá mập lên men tên gọi hákarl. Thịt của loài cá mập có độc khi còn tươi, bởi vậy để ăn được người ta phải chôn chúng xuống đất trong vòng 6 đến 12 tuần. Sau khi được chôn, phần lớn chất độc trong thịt cá sẽ phân giải thành amoniac. Món ăn này có vị cay và mùi của nó rất khủng khiếp, y như mùi thuốc uốn tóc.
Đa số du khách ăn hákarl chỉ để chứng tỏ sự gan dạ của mình, sau đó sẽ phải uống vội một ly Brennivin – loại rượu quen thuộc ở Iceland để át mùi. Món ăn thử thách chẳng kém là đầu cừu thui. Đầu cừu sẽ được chia làm đôi, thui cho cháy xém và sau đó đem luộc. Đầu bếp ở đây sẽ giữ nguyên mọi thứ từ lưỡi cho đến mắt để đáp ứng sở thích khác nhau của thực khách.
Đây là món ăn truyền thống phổ biến nhất ở Iceland và thật sự nếu có thể bỏ qua hình thức thì sẽ thấy phần đầu cừu chứa nhiều thịt ngon. Dễ ăn hơn một tí là blódmör, món dồi với nguyên liệu chính gồm huyết cừu, mỡ thận kết hợp với bột mì và yến mạch. Người ta thường luộc blódmör lên rồi đem chiên kỹ. Tuy nhiên với nhiều người sành ăn, món ăn này khi để lạnh sẽ có hương vị ngon hơn rất nhiều.
Ngoài ra, ẩm thực Băng Đảo cũng khá hấp dẫn với sữa chua, cừu xông khói, bánh bột chiên, bánh mì lá chiên và bánh kem phồng, xúc xích nóng… Toàn những món giàu chất béo và năng lượng để chống lạnh. Về đồ biển có thể kể đến cua đá Bắc cực với vị ngon ngọt đặc biệt.
Chuyến đi chưa kết thúc, anh tài xế địa phương đã rủ rê chúng tôi quay lại đảo vào mùa hè. Khi đó, ngày ở Iceland kéo dài từ ba, bốn giờ sáng đến tận nửa đêm vẫn còn nắng, băng tuyết sẽ được thay bằng những vùng đồng cỏ yên bình xanh mướt, những thác nước hùng vĩ cuồn cuộn… Quả là người dân Băng Đảo rất yêu và hạnh phúc với thiên nhiên quê hương mình. Từ một hòn đảo cằn cỗi, khắc nghiệt, nơi đây đã trở thành vùng đất khoa học kỹ thuật phát triển mà vẫn giữ nguyên được phong cảnh lẫn môi trường tuyệt vời của mình.