Với dân tộc Samburu ở Kenya, phụ nữ chỉ là công cụ. Các bé gái bị ép cắt xén bộ phận sinh dục và thực hiện nghi lễ “kết cườm”. Người cha chọn một nam giới lớn tuổi, cho phép phá trinh con gái mới lớn. Thiếu nữ không được sử dụng biện pháp tránh thai, nhưng lại bị cấm có con. Quá khốn khổ nên vào thập niên 1990, 15 người đã dắt nhau bỏ trốn. Họ chung tay dựng một ngôi làng cưu mang những chị em đồng cảnh ngộ, đặt tên là Umoja.
Nơi nương náu cuối cùng
Samburu là bộ lạc bán du mục sống ở miền Bắc Kenya, quốc gia tại châu Phi. Họ tụ hợp thành các nhóm nhỏ từ 5-10 gia đình, mưu sinh bằng việc chăn nuôi và trồng trọt. Văn hóa Samburu đậm chất gia trưởng. Trong những buổi họp làng, nam giới ngồi thành vòng tròn, thảo luận và quyết định mọi sự. Họ cấm tiệt đàn bà con gái tham gia góp ý. Dân tộc này cũng còn nhiều hủ tục khác.
Cánh đàn ông có vai vế không ngừng củng cố quyền lực, áp đặt các mối hôn sự và lấy thêm vợ. Họ gây bè kết phái, hình thành quan hệ thù địch giữa các bản làng. Trẻ em gái Samburu trở thành nạn nhân trong những vụ giao dịch quyền lực, bị ép tảo hôn với người quyền thế lớn tuổi. Vừa bước vào tuổi dậy thì, họ đã bị chính cha ruột bắt thực hiện nghi lễ “kết cườm”. Ông ta chọn một nam nhân nhiều tuổi hơn con gái, cho phép cưỡng bức. Nếu thiếu nữ mang bầu vì lần quan hệ này, cô sẽ bị ép phá thai.
- Xem thêm: Nơi phụ nữ được quyền lấy nhiều chồng
Những năm còn là thuộc địa của Anh (1920-1963), phụ nữ Samburu còn phải chịu đựng sự lạm dụng của 65.000-100.000 binh lính Anh. Nhiều chị em bị bắt cóc trong lúc đang làm việc và bị hãm hiếp tập thể. Thay vì bảo vệ họ, cộng đồng Samburu lại bạo hành và phỉ nhổ. Họ quan niệm: phụ nữ bị hãm hiếp thì không còn trong sạch nữa. Vào năm 1990, có 15 chị em từng là nạn nhân của bính linh Anh phải rời các ngôi làng, lang bạt tới một vùng đất trống trong thung lũng Rift. Họ cùng nhau dựng lều lán và trồng trọt, lập nên làng Umoja.
“Sau những gì đám binh lính Anh đã làm với tôi, tôi không thể kết hôn”, Seita (73 tuổi) kể. “Tôi tìm tới Umoja vì loáng thoáng nghe về nó qua các câu chuyện phiếm. Mới chân ướt chân ráo đến, các chị em đã tặng tôi một con dê và nước uống. Nỗi bất an trong tôi lắng xuống và tôi quyết định ở lại nơi này”. Jane (43 tuổi) thì bị 3 gã đàn ông cùng tộc tấn công và cưỡng hiếp khi đang chăn dê trên đồi. “Tôi vô cùng tủi hổ và không dám kể với ai”, cô nhớ lại. Chân Jane bị thương nặng trong lúc cố sức chống trả. Cô phải nói dối mẹ chồng là bị ngã, nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện. Chồng Jane lấy gậy đánh cô tới tấp. Biết không thể sống yên, Jane nuốt nước mắt dắt các con bỏ trốn.
Cũng như Jane, mỗi phụ nữ trong Umoja đều mang một câu chuyện đau lòng. Judia (24 tuổi) chạy trốn khỏi nhà vào năm 13 tuổi vì bị cha ruột ép gả bán. Learpoora (18 tuổi) thì bị các trưởng bối trong nhà quyết cắt xén bộ phận sinh dục từ năm mới lên 3. Mẹ cô phải buộc con trên lưng, xấp ngửa rời làng giữa đêm tối.
“Nữ quốc” hạnh phúc
Người sáng lập kiêm chức trưởng làng Umoja là Rebecca Lolosoli (58 tuổi). Bà thường xuyên bị nam giới Samburu đe dọa, thậm chí bạo hành nhưng vẫn bất chấp bảo vệ các chị em. Với mỗi phụ nữ Samburu bất hạnh dạt đến đây, Lolosoli đều chia nơi ăn chốn ở, giao công việc, dạy cách buôn bán, giáo dục con cái và chống áp bức. Bà chỉ định gốc cây to nhất trong làng là nơi tụ tập, bàn thảo mọi việc. Mọi chị em đều có quyền trao đổi, đưa ra quyết định.
“Tôi đã được làm nhiều thứ mà đàn bà con gái Samburu bị cấm ở đây”, Nagusi – bà mẹ 5 con – bày tỏ sự tự hào. “Tôi kiếm được tiền bằng chính bàn tay của mình. Mỗi khi có ai đó hỏi mua sản phẩm thủ công của tôi, tôi đều vô cùng hạnh phúc”. Người phụ nữ này đã tới Umoja vào năm 1998, lúc mới 11 tuổi. Văn hóa Samburu cho phép đàn ông tảo hôn với cả các bé gái dưới 10 tuổi. Nhiều cô bé dậy thì sớm phải làm mẹ từ lúc mới lên 9 hoặc 10. “Tôi bị cha gả bán lấy bò cho người đàn ông đã 57 tuổi”, Nagusi kể.
Khi Umoja ngày càng đông trẻ em, Lolosoli mở lớp học. Trường Umoja là ngôi nhà chung, đón nhận cả các cô cậu bé từ những làng xung quanh. Bên cạnh hệ thống kiến thức phổ thông, học sinh Umoja còn được giảng giải cặn kẽ về nhân quyền và bình đẳng giới. Hiện tại, Umoja đang có khoảng 50 phụ nữ và 200 trẻ em sinh sống. Họ điều hành một khu cắm trại ven sông, phục vụ thức ăn và bán các sản phẩm thủ công bằng hạt cườm cho du khách. Thu nhập mỗi ngày được giao nộp cho Lolosoli. Nữ trưởng làng có trách nhiệm tính toán thu chi, phân phát thức ăn và vật phẩm đều cho từng nhà.
- Xem thêm: Đến Kenya khám phá thiên nhiên hoang dã
“Mỗi sáng, tôi thức dậy với nụ cười trên miệng”, Judia bộc bạch. Cô yêu thương các chị em, phụ nữ lớn tuổi ở Umoja và được họ yêu thương. Ban ngày, mọi người chăm chỉ hoàn thành các công việc. Tối đến, họ tụ tập bên đống lửa, trò chuyện, hát hò và ăn khuya. “Tôi lớn lên giữa vòng tay của các bà, chị”, Learpoora tâm sự. “Họ không sinh ra tôi, nhưng cũng chẳng khác gì mẹ tôi”. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, dân làng Umoja luôn vui vẻ.
Tự do có con
Bất cứ đàn ông Samburu nào bén mảng tới Umoja cũng bị đuổi thẳng cổ. Thường thì họ là những người chồng và cha đã ngược đãi vợ con. Nếu họ không chịu rời đi, phụ nữ Umoja lập tức báo cảnh sát hoặc yêu cầu sự can thiệp từ chính quyền. Các bé trai cũng chỉ được phép ở với mẹ đến năm 18 tuổi.
Tuy cấm cửa đàn ông, phụ nữ ở Umoja vẫn sinh con. “À, đấy là vì chúng tôi hãy yêu đương ấy mà”, một chị Umoja bẽn lẽn giải thích. “Tuy đàn ông không được phép bước chân vào làng, nhưng phụ nữ lại khát khao trở thành mẹ”. Một chị khác thì thành thật thổ lộ: “Cả 5 đứa con của tôi đều khác cha. Không chồng mà chửa là điều cấm kỵ trong nền văn hóa của dân tộc tôi. Nhưng nếu không có đám trẻ, chúng tôi cũng chẳng có gì cả”.
Trước thái độ kiên cường và sự dũng cảm của các chị em ở Umoja, nhiều người nhiệt tình tán dương. Tuy nhiên nếu nhìn nhận một cách khách quan, phương pháp giải quyết của họ là cực đoan. Những bé gái lớn lên ở đây rồi cũng đến ngày phải rời làng, tham gia vào các cộng đồng. Không còn sự bảo bọc, họ có thể phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm giữa vùng đất gia trưởng. Umoja mới chỉ đóng vai trò cấp cứu. Phải đến khi cả bộ lạc Samburu thay đổi nhận thức, xóa bỏ các hủ tục, nữ giới ở đây mới được an toàn.